Phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông lớn

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Trong bối cảnh các nguồn lực dành cho hạ tầng đang rất khó khăn, việc huy động nguồn vốn từ xã hội, theo hình thức xây dựng – chuyển giao – kinh doanh (BOT) đã góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và tạo thế chủ động trong thực hiện đầu tư, phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông.

Trong những năm gần đây, ngành giao thông - vận tải đã có đột phá lớn trong việc kêu gọi xã hội hóa vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông. Tính đến nay đã huy động khoảng 160 nghìn tỷ đồng để triển khai 65 dự án, công trình từ nguồn vốn ngoài ngân sách và dự kiến trong năm 2014 sẽ đạt mức giải ngân kỷ lục lên đến 100 nghìn tỷ đồng. Số vốn này chủ yếu được huy động trong khoảng ba năm trở lại đây.

Thực tế, nếu tính từ năm 2012 về trước, lĩnh vực này chỉ có 22 dự án, với tổng mức đầu tư khiêm tốn khoảng 49.605 tỷ đồng. Nhưng riêng năm 2013 ngành giao thông - vận tải đã huy động được 24 dự án, với tổng mức đầu tư khoảng 68.563 tỷ đồng. Năm 2014, số vốn thu hút cũng được 42.572 tỷ đồng. Dự kiến năm 2015, con số sẽ còn cao hơn, ở mức khoảng 45.000 tỷ đồng.

Giai đoạn từ năm 2016 - 2020, dự kiến sẽ có một nguồn vốn lớn, lên đến khoảng 235 nghìn tỷ đồng vốn ngoài ngân sách đầu tư vào giao thông. Không chỉ tập trung vào đường bộ, ngành giao thông - vận tải sẽ tập trung kêu gọi vốn xã hội hóa ở nhiều lĩnh vực khác như tuyến đường sắt Bắc Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án cảng biển, dự án đường thủy nội địa.

Vì vậy, việc tạo cơ chế thuận lợi, hấp dẫn các nhà đầu tư cũng được Bộ Giao thông – Vận tải đưa ra trong chiến lược đầu tư hạ tầng giao thông. Để hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh Trần Du Lịch nhấn mạnh, đối với các hình thức đầu tư BOT, BT, cần minh bạch, công khai điều kiện triển khai và phải có luật về hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP). Bởi khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ như hiện nay sẽ khó thu hút được nhà đầu tư nước ngoài.

Một nút thắt cần được tháo gỡ cho các dự án hạ tầng giao thông - vận tải là công tác giải phóng mặt bằng. Bởi nhà đầu tư tư nhân không thể bỏ tiền vay ngân hàng và chịu lãi hàng tháng cho những dự án phải nằm đấy vì chưa có mặt bằng thực hiện. Vì vậy, theo các chuyên gia, để tăng sức thu hút với nhà đầu tư tham gia vào dự án hạ tầng giao thông, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Chủ tịch HĐQT Công ty Tasco Phạm Quang Dũng cho biết, Nhà nước mong muốn nhà đầu tư thu phí trong thời gian dài, song các ngân hàng thương mại thường chỉ giải quyết cho vay vốn trong thời hạn ngắn. Do đó, với các dự án có tổng vốn đầu tư từ 2.000-3.000 tỷ đồng và phương án tài chính có mức thu 20 năm, thì gần như trong 7 năm đầu, doanh nghiệp thu không đủ trả lãi vay.

Ngoài ra, các ngân hàng thương mại hiện không cho phép nhập lãi vào gốc, mà yêu cầu nhà đầu tư chứng minh khả năng tài chính. Ông Phạm Quang Dũng đề nghị, Ngân hàng Nhà nước nên cho phép các ngân hàng thương mại được cho vay với thời hạn trên 20 năm và nhập lãi vào nợ gốc, nếu không Bộ Giao thông – Vận tải phải điều chỉnh thời gian thu phí dưới 15 năm để giảm tải cho thời gian đầu khai thác công trình.

Chia sẻ với doanh nghiệp về khó khăn do nguồn thu phí chưa đủ trả lãi trong thời gian đầu khai thác công trình, Trưởng ban Quản lý các dự án đối tác công tư, Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, Bộ sẽ đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nâng mức tín dụng đối với những dự án giao thông – vận tải. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông – Vận tải cũng công bố danh mục các dự án đầu tư rõ ràng, minh bạch để các nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu; ban hành chính sách về nhượng quyền khai thác, kinh doanh để tạo ra nguồn lực đầu tư; thành lập lập quỹ hỗ trợ đầu tư các dự án hợp tác công tư...

Nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nước ta hiện nay đang đòi hỏi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng rất lớn, nhất là hạ tầng giao thông. Vì vậy, cần phải hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với hình thức đầu tư hợp tác công tư; có chính sách đồng bộ trong việc ưu đãi, khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng giao thông; đẩy nhanh thủ tục về đất đai, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giải phóng mặt bằng để hoàn thiện cơ sở pháp lý của dự án.

Đặc biệt, Bộ Giao thông – Vận tải phải tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, sát sao về tiến độ, chất lượng công trình để ngân hàng yên tâm cho vay; có cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư về các rủi ro phát sinh như cơ chế kéo dài thời gian hoàn vốn BOT, cơ chế thu phí...