Phát triển kinh tế xanh theo hướng nào?

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Tăng trưởng xanh, hướng tới nền kinh tế xanh phát triển bền vững là lựa chọn của nhiều quốc gia trên thế giới. Tùy điều kiện và đặc thù, mỗi quốc gia có những chính sách phát triển kinh tế xanh của riêng mình. Đối với Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, phát triển kinh tế xanh nên tập trung vào phát triển nông nghiệp hữu cơ giá trị cao, du lịch sinh thái, năng lượng tái tạo…

Phát triển kinh tế xanh theo hướng nào?
Tăng trưởng xanh, hướng tới nền kinh tế xanh phát triển bền vững là lựa chọn của nhiều quốc gia trên thế giới. Nguồn: internet
Cơ hội

Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, phát triển kinh tế các bon thấp, sử dụng hiệu quả các nguồn lực là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước những năm trở lại đây. Điều này được cụ thể hóa trong nhiều chiến lược, chính sách như Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh…

Hiện nay, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả và bền vững hơn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Đây là cơ hội lớn để nước ta có thể hướng đến tăng trưởng xanh, xanh hóa nền kinh tế.

Trong bối cảnh đối phó với khủng hoảng kinh tế, khan hiếm năng lượng và những tác hại ngày càng gia tăng của quá trình biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia đã tìm đến phương thức phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh. Khi lựa chọn phát triển kinh tế xanh, Việt Nam có thể kế thừa các kinh nghiệm của các nước đi trước, đồng thời tham gia tích cực vào các thỏa thuận, dự án tăng trưởng bền vững, giảm thiếu và ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ đó, tranh thủ sự giúp đỡ về kinh nghiệm, nguồn lực và công nghệ cho quá trình chuyển đổi cách thức tăng trưởng nền kinh tế gắn với bảo tồn sinh thái và công bằng xã hội.

Mặt khác, từ việc nhận thức về tăng trưởng xanh, kinh tế xanh từng bước được phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân, đã có một số mô hình doanh nghiệp thành công theo hướng tăng trưởng xanh. Hơn nữa, các điều kiện về tự nhiên với nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo cho phép chúng ta hướng đến phát triển các nguồn năng lượng tái tạo từ gió, năng lượng mặt trời, thủy triều, sinh khối. Rồi sự đa dạng về sinh thái và văn hóa; nền nông nghiệp với nhiều mặt hàng đứng đầu thế giới về sản lượng… là những tiền đề quan trọng để chúng ta hướng đến phát triển bền vững.

Hướng đi nào phù hợp?

Tăng trưởng xanh, kinh tế xanh là mục tiêu của nhiều nước trên thế giới hiện nay nhưng tùy điều kiện, đặc thù mà mỗi quốc gia  lại có mô hình phát triển và cơ cấu ngành nghề riêng. Tại tọa đàm về Kinh tế xanh cho phát triển bền vững vừa được tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng, với những đặc điểm hiện nay, Việt Nam nên ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh, mang lại tác động lớn cho xã hội, người dân. Trong đó, cần tập trung vào các ngành nghề có thế mạnh như nông nghiệp hữu cơ giá trị cao, năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái gắn với tái sinh rừng tự nhiên, xây dựng hệ thống giao thông bền vững, không gian xanh…

Đặc biệt, đối với ngành nông nghiệp, hiện đang thu hút khoảng 50% lao động cả nước, đóng góp khoảng 20% vào tăng trưởng GDP cả nước. Tuy chưa được đầu tư nhiều và trình độ phát triển còn thấp, nhưng nhiều sản phẩm của chúng ta đứng đầu thế giới về sản lượng như lúa gạo, cà phê, thủy hải sản… Vì vậy, nếu có được một kế hoạch và nguồn lực đầu tư hợp lý tăng chất lượng của các loại nông sản đáp ứng nhu cầu của quốc tế, từ đó tạo dựng giá trị cho các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, nước ta hoàn toàn có khả năng trở thành quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, mang lại giá trị cao. Từ đó, góp phần vào công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. 

Theo nhiều chuyên gia, cùng với nông nghiệp, Việt Nam có thể tập trung vào phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo với nguồn vốn tự nhiên dồi dào từ năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng khí sinh học… Từ đó, giảm dần sự phục thuộc vào năng lượng hóa thạch, tăng cường an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Kết hợp năng lượng tái tạo, năng lượng xanh trong việc phát triển giao thông vận tải bền vững, phát triển các khu đô thị xanh… Từ xanh hóa sản xuất, hướng tới xanh hóa xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững, phát huy nếp sống hòa hợp với thiên nhiên, môi trường của dân tộc. Song song với đó, khuyến khích các hoạt động mua sắm, đầu tư công nghệ của thị trường xanh trong cả khu vực nhà nước, khu vực doanh nghiệp và khu vực dân cư.

Để phát triển nền kinh tế xanh, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương Vũ Xuân Nguyệt Hồng cho rằng, Nhà nước cần sớm xây dựng và ban hành khung khổ pháp lý cho tăng trưởng xanh, phát triển bền vững hướng tới nền kinh tế xanh. Cùng với đó, sớm triển khai chương trình hành động thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn về sản xuất và tiêu dùng xanh và các chính sách hỗ trợ về tài chính, công nghệ để doanh nghiệp chuyển sang xanh hóa sản xuất, kinh doanh, phát triển công nghiệp sạch, kiến tạo công nghệ xanh.

Mặt khác, cần đẩy mạnh tuyên truyền để cộng đồng, doanh nghiệp chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, thực hiện lối sống xanh, tẩy chay các sản phẩm, dịch vụ và công nghệ gây hại cho môi trường. Hơn nữa, trong điều kiện các nguồn lực còn có hạn, cần tận dụng tốt các nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình quốc tế về chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế xanh.