Phát triển nền kinh tế Việt Nam nhanh và bền vững: Nhìn từ mô hình kinh tế trọng cung
Ngay sau khi xuất hiện, mô hình kinh tế trọng cung đã được nhiều quốc gia áp dụng và tạo dựng được giai đoạn phát triển liên tục ở mức cao cho các quốc gia theo đuổi từ những năm 1970-2009. Đối với Việt Nam, để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, việc hoàn thiện chính sách pháp luật về tài chính đóng vai trò quan trọng. Tạp chí Tài chính trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Hồ Đức Phớc - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính về vấn đề này.
Vai trò của mô hình kinh tế trọng cung trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Vào giữa những năm 1970, thuật ngữ “kinh tế trọng cung” bắt đầu xuất hiện, đối lập với các chính sách kinh tế trọng cầu của Keynes. Ngay sau khi xuất hiện, mô hình kinh tế này đã được sử dụng rộng rãi ở Mỹ, Anh, New Zealand, Nhật Bản... Thậm chí, những cuộc cải cách kinh tế của nhiều quốc gia khác ở châu Á như Hàn Quốc, Singapore những năm 1990 cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng của kinh tế học trọng cung. Có thể nói, mô hình kinh tế trọng cung đã tạo dựng được giai đoạn phát triển ở mức cao, hiệu quả và liên tục cho các quốc gia theo đuổi từ những năm 1970-2009.
Mô hình kinh tế trọng cung xoay quanh việc khuyến khích nhà sản xuất mở rộng quy mô, tăng năng suất lao động, tăng tính thị trường của nền kinh tế, giảm can thiệp của Nhà nước đối với thị trường, tháo gỡ rào cản đầu tư, thực hiện cải cách chương trình an sinh xã hội, khuyến khích đầu tư cung cấp hàng hóa công cộng. Kinh tế trọng cung nhấn mạnh tầm quan trọng của phía cung trong phát triển kinh tế và tăng trưởng dựa vào cơ chế thị trường, coi đây là cơ chế phân bổ hiệu quả giữa các nguồn lực xã hội.
Sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế toàn cầu có nhiều rủi ro về suy thoái, nguồn lực giảm đặt ra yêu cầu nền kinh tế cần tăng trưởng nhanh và bền vững. Với mô hình kinh tế trọng cung hiện đại (Modern Supply Side Economics - MSSE), Mỹ đã tích cực thực hiện mô hình kinh tế trọng cung thông qua việc đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt, viễn thông, cảng biển, công nghệ, năng lượng sạch, khoa học công nghệ, nâng cao nguồn nhân lực...
Kết quả, tăng trưởng GDP năm 2023 của Mỹ tương đối ổn định; Quý I, Quý II tăng 2,1%; Quý III, IV tăng 5,2% cao hơn mức dự báo là 5%.
Từ cuối năm 2015, Trung Quốc đã tập trung cải cách cơ cấu nền kinh tế theo hướng trọng cung bằng việc tập trung sản xuất, tăng năng suất lao động, cải tiến công nghệ. Năm 2016, Trung Quốc đóng cửa các nhà máy thép và các mỏ than lạc hậu, giảm hàng tồn kho, ban hành chính sách ưu đãi thuế, phát triển doanh nghiệp, áp dụng công nghệ cao trong lĩnh vực năng lượng, vận tải, sản xuất công nghiệp. Chính sách trọng cung với việc tập trung phát triển một số sản phẩm mới như: xe điện, tua bin gió, thiết bị hàng không vũ trụ, chất bán dẫn, công nghệ xây dựng công trình đường trên cao, công trình kiến trúc cao tầng, đường sắt cao tốc… đã và đang đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Hoàn thiện chính sách pháp luật về tài chính, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững
Trên cơ sở kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, để thúc đẩy kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, việc hoàn thiện chính sách pháp luật về tài chính đóng vai trò quan trọng, tập trung vào một số nội dung trọng tâm như:
Thứ nhất, quản lý điều hành chính sách tài khóa hợp lý, hiệu quả: Hoàn thiện đồng bộ chính sách thuế (Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài sản...) gắn cơ cấu nguồn thu ngân sách với phương châm tăng tính chủ đạo của ngân sách trung ương, tăng tính chủ động của ngân sách địa phương.
Đặc biệt, chú trọng ưu đãi thuế đối với các dự án áp dụng công nghệ cao, dự án đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, DN áp dụng công nghệ cao. Ưu tiên nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng, chú trọng hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt cao tốc, sân bay, cảng biển hiện đại, cửa khẩu gắn với hải quan thông minh, logistics; phát triển công nghiệp công nghệ cao; Đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên cho giáo dục đào tạo, y tế, an sinh xã hội.
Thứ hai, xây dựng, quản lý thị trường tài chính minh bạch, bền vững. Theo đó, cần tập trung phát triển mạnh mẽ thị trường này theo hướng, minh bạch, ổn định, bền vững và trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, thị trường vốn liên thông quốc tế. Qua đó, nhằm huy động nguồn vốn lãi suất thấp, thời gian vay dài, điều kiện ưu đãi từ các ngân hàng, quỹ tài chính quốc tế cho các dự án trong nước thúc đẩy kinh tế phát triển.
Thứ ba, tập trung cơ cấu lại DN nhà nước (DNNN), song hành cùng với việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân theo hướng hiệu quả, tăng năng lực cho nền kinh tế. Sửa đổi Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN và các luật có liên quan, tạo môi trường thu hút đầu tư thuận lợi và cạnh tranh, bình đẳng, minh bạch giữa các DN, không phân biệt đối xử. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư có hiệu quả vốn vào DNNN và các ngân hàng thương mại nhà nước nhằm đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của DN. Tích cực đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN nhằm thu hút tư nhân vào đầu tư quản trị các DNNN sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.
Cùng với đó, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư, giúp DN cổ phần, tư nhân phát triển, tiếp cận khoa học công nghệ, thu hút nhân lực trình độ cao, thu hút nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Khuyến khích DN sử dụng nguyên liệu sạch, năng lượng sạch, nguồn gốc xuất xứ rõ, khai thác và sử dụng tài nguyên tiết kiệm, áp dụng công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, góp phần nâng cao giá trị, thúc đẩy xuất khẩu.
Thứ tư, hoàn thiện chính sách, đặc biệt là chính sách tài chính để phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng năng lượng sạch, hạ tầng giao thông hiện đại, hạ tầng công nghệ thông tin, chống biến đổi khí hậu… Thúc đẩy sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, tăng năng suất lao động, khuyến khích DN tăng năng lực và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Khi nền kinh tế phát triển mạnh, bền vững; hệ thống DN có năng lực tốt, sức cạnh tranh cao thì các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam sẽ có đầy đủ điều kiện để tham gia cạnh tranh trên thị trường quốc tế, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững hơn.