Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc:

Ngành Tài chính quyết tâm cao nhất để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao

PV. (t/h)

Trả lời phóng viên báo chí nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, để tiếp tục nối dài những thành công trong năm 2023, ngành Tài chính sẽ quyết tâm, chủ động, sáng tạo, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, năm 2023 tiếp tục ghi dấu một năm thành công của ngành Tài chính, đặc biệt là hiệu quả từ công tác điều hành chính sách tài khóa. Nhìn lại năm qua, Bộ trưởng có đánh giá như thế nào về điều này?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Nền kinh tế Việt Nam đã có một năm “vượt cơn gió ngược”, hồi phục để tăng trưởng và trở thành điểm sáng trong bức tranh tổng thể còn “xám màu” của kinh tế toàn cầu. Thành công đó có được là nhờ vào đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương và sự nỗ lực vượt khó của người dân, doanh nghiệp. Tôi nghĩ rằng, đó là thành công từ “sức mạnh hợp thành” của cả hệ thống chính trị và nhân dân.

Dù gặp phải không ít khó khăn, thách thức nhưng ngành Tài chính cơ bản đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, nhờ hiệu quả từ những “chính sách đặc biệt” được triển khai trong “bối cảnh đặc thù”, góp phần quan trọng cho công cuộc khắc phục khó khăn, hồi phục kinh tế - xã hội đất nước sau đại dịch COVID-19.

Năm qua, nhiều ý kiến cũng đề nghị chúng tôi triển khai mạnh hơn chính sách tài khóa nghịch chu kỳ để thúc đẩy tổng cầu, tuy nhiên trên thực tế, chính sách này đã được ngành Tài chính áp dụng trong mấy năm qua dưới sự đồng thuận của Chính phủ và các cấp, các ngành.

Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, chúng ta vẫn dành hàng chục nghìn tỷ đồng từ tăng thu, tiết kiệm chi để chi cho đầu tư phát triển; đồng thời áp dụng các giải pháp điều chỉnh miễn, giảm, giãn nhiều loại thuế, phí, lệ phí… đã và đang hỗ trợ tích cực có tăng trưởng kinh tế trong năm qua.

Chúng tôi kỳ vọng những chính sách “khoan sức dân”, thúc đẩy “vốn mồi” của Nhà nước sẽ tạo động lực cho kích cầu, tạo động lực mạnh mẽ hơn cho kinh tế hồi phục trong thời gian tới.

Phóng viên: Năm 2023 cũng ghi nhận nhiều điểm sáng trong công tác đối ngoại kinh tế của Đất nước nói chung và ngành Tài chính nói riêng, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Năm 2023 đã chứng kiến ngoại giao kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh trên cơ sở quán triệt sâu sắc chủ trương Đại hội XIII của Đảng về "xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ". Chính phủ cũng đã đánh giá, công tác ngoại giao kinh tế thời gian qua đã có những bước phát triển mới theo hướng toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn.

Hoạt động đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại cấp cao trong năm qua đã giúp mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế với nhiều đối tác, góp phần bảo đảm kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thu hút nhiều nguồn lực mới, bao gồm cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư gián tiếp, viện trợ không hoàn lại...

Với ngành Tài chính, chúng tôi nhiều năm qua đã luôn chú trọng công tác này, đặc biệt là trong năm 2023 vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực bước đầu để tận dụng thời cơ của một năm “thành công rực rỡ” của ngoại giao kinh tế đất nước. 

Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều thành công thông qua các chỉ tiêu về nợ công quốc gia, nợ Chính phủ từ 43,1% năm 2021 xuống còn 37% năm 2023. Bên cạnh đó, các chương trình xúc tiến đầu tư gián tiếp tại nước ngoài đã được triển khai từ năm 2014. Các chương trình xúc tiến đầu tư đã góp phần quan trọng quảng bá tiềm năng của nền kinh tế nói chung và  thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam nói riêng tới cộng đồng đầu tư quốc tế giúp thu hút nguồn… tài chính dài hạn, lãi suất thấp phục vụ phát triển kinh tế.

Trong năm 2024, trên cơ sở kinh nghiệm và kết quả tích cực đạt được của các năm trước, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư gián tiếp tại nước ngoài để quảng bá và thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn nước ngoài tham gia vào TTCK Việt Nam; đồng thời tăng cường kết nối, xây dựng, củng cố quan hệ hợp tác với cơ quan quản lý TTCK, các định chế, tổ chức tài chính, đầu tư lớn trên thế giới. Trước mắt, dự kiến trong tháng 3 tới, Bộ Tài chính sẽ tổ chức Chương trình Xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc và Nhật Bản để tiếp tục thu hút vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam...

Phóng viên: Theo Bộ trưởng, những kết quả, thành công của ngành Tài chính trong năm 2023 sẽ tiếp tục nối dài trong năm mới Giáp Thìn này?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Chúng tôi tin tưởng, kỳ vọng điều đó, bởi cho đến lúc này sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của cấp có thẩm quyền vẫn thường xuyên, liên tục và có hiệu quả. Kết luận, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội đã quán triệt phương châm "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả". Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu quán triệt tinh thần Chủ đề điều hành của năm 2024 của Chính phủ là "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững".

Tôi cho rằng, thách thức, khó khăn vẫn hiện hữu, nhưng cơ hội, thời cơ luôn song hành. Ngành Tài chính sẽ quyết tâm cao nhất để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong các lĩnh vực như TTCK, bảo hiểm, tài chính ngân sách, thông quan, chống buôn lậu, hoàn thiện thể chế tài chính. Với nền tảng tích lũy từ năm 2023 và những năm trước đó và điểm đáng mừng là năm 2024 đã bố trí đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương tổng thể, kỳ vọng sẽ góp phần giúp nền kinh tế sớm phục hồi và lấy lại được đà tăng trưởng nhanh, ổn định.

Phóng viên: Bộ trưởng cũng vừa nhắc đến TTCK, bảo hiểm..., trong năm 2024, việc phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững thị trường tài chính tiếp tục được triển khai như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Thị trường tài chính trong thời gian qua chịu nhiều tác động từ cả yếu tố khách quan và chủ quan, từ cả tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế. Những tác động đó đã làm TTCK có nhiều biến động, thị trường TPDN riêng lẻ, cũng như thị trường bảo hiểm gặp phải khó khăn, thách thức.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan hữu quan, các giải pháp kịp thời, phù hợp của các cơ quan quản lý, sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự đồng thuận của nhà đầu tư, người dân… thị trường tài chính tiếp tục được củng cố, tháo gỡ, xử ký kịp thời khó khăn vướng mắc để ngày càng phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch và ngày càng bền vững hơn. Chúng tôi có nhiều giải pháp nhằm kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, hoàn thiện pháp luật, thúc đẩy sự minh bạch, chặt chẽ, chẳng hạn như thành lập sàn giao dịch TPDN riêng lẻ…

Cũng như nền kinh tế nói chung, khó khăn, thách thức, yếu tố khó lường đối với thị trường tài chính vẫn hiện hữu trong năm nay; tuy nhiên, với nền tảng đã xây dựng, các giải pháp đã triển khai và sự chủ động vào cuộc ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của cơ quan quản lý các cấp, thị trường tài chính sẽ tiếp tục có những bước chuyển tích cực hơn về chất lượng và tính lành mạnh, bền vững.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!