Phát triển nguồn nhân lực cấp cao cho lĩnh vực tài chính - ngân hàng

Lê Cường

(Tài chính) Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), đến năm 2012, tổng số nguồn nhân lực trong ngành ngân hàng 180.000 người, trong đó làm việc trong hệ thống NHNN hơn 6000 người, số còn lại làm việc trong các ngân hàng thương mại và Quỹ tín dụng nhân dân.

Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: FinancePlus.vn
Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: FinancePlus.vn

Trong thời đại quốc tế hóa, toàn cầu hóa và nhất là trong bối cảnh nền kinh tế của nước ta hiện đang hội nhập sâu với kinh tế toàn cầu thì nhu cầu về nguồn nhân lực cao là rất bức thiết, đặc biệt là nguồn nhân lực cao trong ngành Tài chính - Ngân hàng.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước cũng như xây dựng và phát triển nền kinh tế trí thức là nhiệm vụ hàng đầu và cũng là trọng trách của ngành Giáo dục - Đào tạo cũng như ngành Tài chính - Ngân hàng. Tuy nhiên, trong tương lai gần, nguồn nhân lực cấp cao cho ngành Tài chính - ngân hàng đang thiếu hụt trầm trọng, đặc biệt là khi các ngân hàng đang phát tiển vào chiều sâu.

Tại hội thảo khoa học với chủ đề “Cơ chế điều hành của lãi suất NHNN và nhu cầu của nguồn nhân lực cấp cao ngành Tài chính - Ngân hàng” ngày 21/4/2013 tại TP. Hồ Chí Minh do trường Đại học Tài chính - Marketing tổ chức, TS. Ngô Minh Châu, phó Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Nam nhận đinh: “Nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành Tài chính - Ngân hàng sẽ thiếu hụt rất lớn nếu không có sách lược đào tạo và chuẩn bị nguồn nhân lực để ngành ngân hàng có thể phát triển theo chiều sâu nhằm đáp ứng được yêu cầu trong quá trình hội nhập”.

Tuy nhiên, trong những năm qua việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Tài chính - Ngân hàng cũng có nhiều hạn chế nhất định. Theo thống kê của NHNN, đến năm 2012, tổng số nguồn nhân lực trong ngành ngân hàng 180.000 người, trong đó làm việc trong hệ thống NHNN hơn 6000 người, số còn lại làm việc trong các ngân hàng thương mại và Quỹ tín dụng nhân dân.

Theo đánh giá của NHNN, tỷ lệ đạo tạo trong ngành ngân hàng cao hơn các ngành khác, tuy vậy tỷ lệ đào tạo chuyên ngành lại thấp hơn các ngành khác. Cụ thể, nguồn nhân lực có trình độ đại học ngân hàng là 30,06%, ngành khác 34,9%, cao học ngân hàng 1,35%, ngành khác 1,75%.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia về đào tạo, nguồn nhân lực ngành ngân hàng hiện vẫn có một thực tế là vừa yếu, vừa thiếu, cụ thể: Khối kiến thức bổ trợ (tin học, ngoại ngữ) yếu; kiến thức chuyên môn, và kỹ năng giao tiếp hạn chế. Hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô trung bình trở xuống thiếu đội ngũ quản trị điều hành, lãnh đạo cấp chi nhánh, phòng giao dịch. Trình độ chuyên môn, khả năng phân tích, am hiểu luật pháp và độc lập xử lí các vấn đề thực tế không cao, hầu như chỉ làm tác nghiệp, thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu khả năng lập dự án, thiếu kĩ năng dân sự, kể cả kĩ năng giao tiếp…

Thậm chí, ngay tại NHNN cũng thiếu đội ngũ chuyên gia, quản lí vĩ mô, khả năng nghiên cứu, dự báo, xây dựng chiến lược phát triển hệ thống ngân hàng. Nguồn nhân lực phục vụ cho việc tái cấu trúc ngân hàng, chính sách tiền tệ, thanh tra giám sát chưa đáp ứng yêu cầu.

Hiện tại cung về số lượng lực lượng lao động trong lĩnh vực Tài chính- Ngân hàng đã vượt xa nhu cầu thực tế của các tổ chức tài chính - tín dụng, nhất là trình độ cử nhân. Theo số liệu của Viện Nhân lực Ngân hàng tài chính (BTCI), lượng sinh viên trong ngành ra trường trong năm học 2012- 2013 khoảng 29000 đến 32000 và đến năm 2016 là 61000 người. Số sinh viên được tuyển dụng khoảng 15000 đến 20000 người.

Theo dự báo trong số 29000 sinh viên được đào tạo trong năm 2012 thì chỉ có một nửa là được tuyển dụng. Nguyên nhân cơ bản là các sinh viên ra trường không có đủ kĩ năng và kiến thức để đáp ứng các yêu cầu của các ngân hàng. Tuy nhiên, cũng có nhiều nguyên nhân khác như: chất lượng đào tạo từ các trường Đại học, Học viện, từ phía các cơ quan quản lí Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như chính từ việc sử dụng nguồn nhân lực của các ngân hàng.

Từ nhiều năm qua, đã có khá nhiều đề xuất về việc đào tạo nguồn nhân lực. Theo đó, trước mắt cùng với việc cải tiến chương trình đào tạo, cần đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên. Bên cạnh đó, tạo điều kiện nhiều để sinh viên có thể tiếp cận nhiều kĩ năng mềm như: kĩ năng nói, kĩ năng viết, kĩ năng thuyết trình, kĩ năng làm việc nhóm. Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị sử dụng lao động (các ngân hàng) và các trường đào tạo nguồn nhân lực tài chính - ngân hàng.

Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực phải có chính sách và bước đi cụ thể cho từng giai đoạn, trước mắt phải đào tạo đội ngũ nhân lực cho hoạch định chính sách, đội ngũ tác nghiệp phục vụ cho hội nhập và phát triển quốc tế. Thường xuyên cập nhật kiến thức mới, chương trình đào tạo cụ thể đúng đối tượng như: hoạch định chiến lược, thẩm định dự án, cho vay, quản trị rủi ro tín dụng, kiểm tra kiểm soát tín dụng, kiểm toán kế toán ngân hàng theo hệ thống và chuẩn mực, kiểm toán quốc tế.

Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là cấp thiết cho ngành Tài chính - Ngân hàng hiện nay. Để làm tốt công việc này đòi hỏi phải có sự liên kết không thể thiếu được giữa Nhà trường - Tổ chức sử dụng lao động - Bộ Giáo dục và Đào tạo - Ngân hàng Nhà nước và học viên.