Phát triển nhân lực có kỹ năng nghề góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Ưu tiên nguồn lực và hành động quyết liệt để nâng cao kỹ năng nghề trong các kế hoạch khôi phục quốc gia sau đại dịch COVID-19 là việc làm hết sức cần thiết. Bởi vì, hiện nay, 79% doanh nghiệp không có khả năng ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này. Trong khi việc đầu tư quy mô rộng vào đào tạo, nâng cao kỹ năng có tiềm năng thúc đẩy GDP tăng thêm từ 0,5%-2%.
Đây là nhận định được TS. Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thông tin tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021- Phục hồi và phát triển bền vững, diễn ra ngày 5/12/2021.
Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiệu quả và hội nhập
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, phiên chuyên đề 2 với chủ đề “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”, ông Trương Anh Dũng cho biết, cuộc suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra khiến GDP sụt giảm nhanh, lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao; thị trường lao động và việc làm bị tác động và phân hóa mạnh mẽ. Thậm chí, Cục Thống kê Lao động Mỹ dự báo, tỷ lệ thất nghiệp có thể lên tới 19,4% - mức cao nhất trong lịch sử.
Trong bối cảnh đó, phần lớn các nhà tuyển dụng đều nhận ra giá trị của việc đầu tư vốn con người, kêu gọi khu vực công cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho việc nâng cao kỹ năng nghề cho những người lao động nhằm phục hồi kinh tế và phát triển bền vững.
Ở phạm vi toàn cầu, báo cáo “Tương lai việc làm” được Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố gần đây cho thấy, dưới tác động cộng hưởng của đại dịch COVID-19 và Cách mạng công nghiệp 4.0, trong 5 năm tới, khoảng 84% doanh nghiệp, người sử dụng lao động sẽ chuyển sang số hóa nhanh chóng các quy trình làm việc; tỷ lệ tự động hóa lên tới 50%, đi cùng với đó là một tỷ lệ tương ứng người lao động cần được đào tạo lại, bổ sung những kỹ năng mới để phù hợp với yêu cầu công việc.
Từ dự báo trên, ông Dũng cho rằng, việc ưu tiên nguồn lực và hành động quyết liệt để nâng cao kỹ năng nghề trong các kế hoạch khôi phục quốc gia sau đại dịch COVID-19 là việc làm hết sức cần thiết. Bởi vì, hiện nay, 79% doanh nghiệp không có khả năng ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này. Trong khi việc đầu tư quy mô rộng vào đào tạo nâng cao kỹ năng có tiềm năng thúc đẩy GDP tăng thêm 0,5%-2%.
Việt Nam đang có lợi thế cơ cấu dân số vàng với 55 triệu lao động, nhưng chỉ 24,5% có bằng cấp chứng chỉ. Mặc dù chất lượng đào tạo nghề đã tăng 13 bậc, nhưng chỉ xếp thứ 97/141 nước xếp hạng, còn khoảng cách rất xa so với các nước Đông Bắc Á và khu vực ASEAN. Tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao, nhưng năng suất lao động vẫn rất thấp.
“Chúng ta sẽ hết giờ tranh thủ thời cơ dân số vàng để bắt kịp các nền kinh tế trong khu vực nếu không tăng tốc đầu tư vào vốn con người, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng”, ông Trương Anh Dũng nhận định.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, quý III/2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý III/2021 thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Từ tháng 7 đến giữa tháng 9/2021 có tới 1,3 triệu người rời khỏi các thành phố lớn về quê.
Trong khi đó, theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có khoảng 48% số lao động cần đào tạo lại; 53% số doanh nghiệp trong nước không dự báo được tương lai; 68% số cơ sở đào tạo tại Việt Nam chưa sẵn sàng cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động của dịch bệnh.
“Do vậy, thời gian tới, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề cần được coi là trụ cột quan trọng để thích ứng với trạng thái bình thường mới, giúp nền kinh tế nhanh chóng thoát khỏi suy thoái, đồng thời giúp nền kinh tế tăng trưởng theo chiều sâu, bền vững”, ông Trương Anh Dũng cho biết.
Đẩy nhanh đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn lao động cũng như cải thiện kỹ năng nghề cho người lao động, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, cả trước mắt và lâu dài.
Cụ thể, về giải pháp trước mắt, đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề xuất, thời gian tới, cần đẩy nhanh đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động; kéo dài thêm 1 - 2 năm nữa chính sách đào tạo nghề cho người thất nghiệp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; tiếp tục thực hiện đặt hàng đào tạo dưới 1 năm để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động.
Về giải pháp trung hạn và dài hạn, Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng cho rằng, cần phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiệu quả và hội nhập; chú trọng nâng cao dự báo nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo, từ đó xây dựng chiến lược dài hạn; tăng nhanh quy mô đào tạo. Bởi vì, trên thực tế, năm 2021, tuyển sinh đào tạo chỉ đạt 75% - 80% chỉ tiêu, đồng nghĩa nguồn cung không đáp ứng cho thị trường lao động.
Cùng với đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đẩy mạnh hợp tác công - tư trong giáo dục nghề nghiệp. Bởi vì, việc đẩy mạnh hợp tác công, tư, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động là cần thiết.
Theo một nghiên cứu tại Diễn đàn đa phương mới được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức công bố cho thấy, 2/3 doanh nghiệp đã hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều tỏ ra hài lòng, còn 60% doanh nghiệp chưa hợp tác thì mong muốn hợp tác trong tương lai.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng, thời gian tới, cần hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp; Chủ động và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế…