Phát triển thị trường bán lẻ trực tuyến trong bối cảnh mới


Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang phát triển mạnh mẽ, ngày càng có nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương thức bán hàng trực tuyến, đưa phương thức này trở thành một xu hướng mới...

Tốc độ tăng trưởng thị trường bán lẻ của Việt Nam luôn duy trì ở mức khoảng trên 10%/năm.
Tốc độ tăng trưởng thị trường bán lẻ của Việt Nam luôn duy trì ở mức khoảng trên 10%/năm.

Thương mại điện tử Việt Nam phát triển toàn diện

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), hiện nay, Việt Nam được đánh giá một trong những thị trường tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất châu Á với tốc độ tăng trưởng thị trường bán lẻ duy trì ở mức cao, khoảng trên 10%/năm. Cụ thể, năm 2018, thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển toàn diện với tốc độ tăng trưởng trên 30% với quy mô thị trường thương mại điện tử lên tới khoảng 7,8 tỷ USD.

Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam hiện đang là một trong những thị trường có tiềm năng lớn về tiêu dùng bán lẻ của khu vực châu Á khi tốc độ đô thị hóa nhanh, người dân có thu nhập ngày càng tăng và ưa chuộng các dịch vụ hiện đại tiện ích.

Báo cáo mới đây của Vietnam Report cho thấy, tốc độ tăng trưởng thị trường bán lẻ của Việt Nam luôn duy trì ở mức cao, khoảng 10%/năm, giá trị thị trường bán lẻ đạt khoảng 120 tỷ USD vào năm 2017 và ước đạt khoảng 160 tỷ USD vào năm 2020.

Tiềm năng này đang trở thành đòn bẩy thúc đẩy thương mại điện tử trong ngành bán lẻ Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Theo khảo sát của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng ổn định 20%/năm và dự kiến đến năm 2020, doanh số bán hàng thương mại điện tử đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước.

VECOM dự báo, năm 2020 thị trường thương mại điện tử sẽ đạt quy mô 13 tỷ USD với điều kiện giữ được tốc độ tăng trưởng ở mức 30% suốt năm 2019 và 2020, cao hơn mục tiêu 10 tỷ USD mà Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 đặt kỳ vọng.

Với sự lên ngôi của thương mại điện tử, thị trường bán lẻ tiêu dùng đã chứng kiến cuộc đua giữa các DN trong việc đầu tư vào công nghệ và phát triển kênh bán hàng online. Đặc biệt, sự xuất hiện của các thương hiệu bán lẻ quốc tế khiến mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Trong thời gian tới, cùng với sự gia tăng về quy mô, độ phức tạp của thị trường và chất lượng của các nhà cung cấp trên thị trường bán lẻ Việt Nam cũng sẽ tăng trưởng mạnh dưới sức ép của sự cạnh tranh gay gắt và sự hội nhập quốc tế ngày càng cao, đặc biệt sau khi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP và EVFTA. Trước xu thế này, các chuyên gia chỉ ra một số khó khăn, thách thức đối với DN Việt Nam trong lĩnh vực bán lẻ.

Theo các chuyên gia kinh tế, thương mại điện tử nói chung và bán lẻ trực tuyến nói riêng không thể kỳ vọng có lợi nhuận trong một vài tháng. Doanh nghiệp (DN) phải xác định đó là cuộc chơi dài hạn. Khi đó, cơ hội thành công chỉ đến khi DN đã xác định đây là cuộc chơi dài hạn để nghiêm túc đầu tư, ứng dụng công nghệ và hướng tới người tiêu dùng.

Do vậy, khi chuyển sang kinh doanh trực tuyến thì các DN sẽ phải đầu tư thêm cho chi phí thiết kế, vận hành, duy trì website và các kênh bán hàng online. Ngoài ra, các DN cũng phải đối mặt với nguy cơ các đại lý trước đây sẽ từ bỏ và nếu dự án không thành công thì DN không thể xây dựng lại mối quan hệ với các đại lý như trước đây.

Phát triển bán lẻ trực tuyến cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh mới

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp đã, đang phát triển mạnh mẽ, để tận dụng tốt cơ hội, vượt qua được thách thức hiện tại, trong thời gian tới, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cần lựa chọn các mô hình bán lẻ trực tuyến phù hợp theo nguồn lực và khả năng của mình.

Cụ thể, cần xây dựng và lựa chọn các kênh bán lẻ trực tuyến như: Bán hàng trên website, bán hàng qua trang mạng xã hội... Ngoài ra, DN cũng có thể lựa chọn kênh bán hàng qua hệ thống sàn thương mại điện tử cũng như lựa chọn mô hình trên các sàn thương mại điện tử.

Song song với đó, DNNVV cần đẩy mạnh sử dụng các ứng dụng bán hàng đa kênh từ các DN công nghệ thông để hỗ trợ việc quản lý đơn hàng và quản lý kho. Thực tế cho thấy, cơ hội thương mại điện tử trong ngành bán lẻ rất lớn, các DNNVV nếu nắm bắt được sẽ cố cơ hội để tăng trưởng ở phân khúc của mình.

Trong đó, điều quan trọng nhất là phải biết tận dụng công nghệ, bởi đối với thương mại điện tử, nếu không tận dụng được sức mạnh công nghệ thì chi phí vận hành, quản lý rất cao, và nhân tố tiện lợi không được đảm bảo, trong khi đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy người tiêu dùng mua trực tuyến.

Ngoài ra, DNNVV cũng cần nâng cao kỹ năng quản trị của chủ DNNVV trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Đây là yếu tố quan trọng, quyết định đến sự phát triển bền vững của hoạt động thương mại điện tử nói chung và bán lẻ trực tuyến đối với các DN. Các chủ DN có thể tham gia các lớp học đào tạo về các quản trị như: kỹ năng điều hành, kỹ năng quản trị tài chính, kỹ năng định hướng, lập kế hoạch...