Phát triển thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam

Nguyễn Hồng Nhung, Lê Thị Liên, Nguyễn Thị Thanh Thanh - Học viện Tài chính

Bảo hiểm nhân thọ từ lâu được biết đến là sản phẩm bảo vệ con người trước những rủi ro của cuộc sống. Trên thế giới, ngành Bảo hiểm nhân thọ phát triển mạnh mẽ và được người dân tham gia nhiều, song ở Việt Nam thì tỷ lệ này khá khiêm tốn. Tính đến hết năm 2022, Việt Nam mới chỉ có 11% dân số tham gia trong khi đó, tại Philippines khoảng 38%, Malaysia khoảng 50%, Singapore khoảng 80%, Mỹ khoảng 90%. Do đó, nghiên cứu này tập trung vào các nội dung chính: Khái niệm và đặc điểm, lịch sử phát triển ngành Bảo hiểm nhân thọ; Thực trạng phát triển của thị trường bảo hiểm nhân thọ giai đoạn 2018-2022 và giải pháp phát triển thị trường này trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khái niệm và đặc điểm của bảo hiểm nhân thọ

Khái niệm về bảo hiểm nhân thọ

Bảo hiểm nhân thọ (BHNT) là sự cam kết giữa doanh nghiệp bảo hiểm với người tham gia bảo hiểm, trong đó doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm trả cho người tham gia bảo hiểm một khoản tiền nhất định khi có những sự kiện xảy ra (người được bảo hiểm tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn hay còn sống hoặc chết tại một thời điểm chỉ rõ trong hợp đồng).

BHNT vừa mang tính tiết kiệm, vừa mang tính phòng ngừa rủi ro. Mỗi người mua BHNT sẽ định kỳ nộp một khoản tiền nhỏ (gọi là phí bảo hiểm) cho người bảo hiểm, ngược lại người bảo hiểm có trách nhiệm trả số tiền lớn cho người hưởng quyền lợi bảo hiểm như đã thoả thuận từ trước khi có các sự kiện bảo hiểm xảy ra.

Tác dụng của bảo hiểm nhân thọ

Đối với người tham gia bảo hiểm

BHNT góp phần ổn định cuộc sống của dân cư, bảo vệ cho các cá nhân và gia đình họ chống lại sự bất ổn định về tài chính gây ra bởi các rủi ro như: tử vong, thương tật, đau ốm, mất giảm thu nhập hoặc người trụ cột trong gia đình qua đời để lại một gánh nặng nghĩa vụ chưa kịp hoàn thành.

Đối với nền kinh tế - xã hội

- BHNT góp phần tăng tích luỹ, tiết kiệm cho ngân sách. BHNT là một giải pháp huy động nguồn vốn dài hạn để đầu tư cho giáo dục từ việc tiết kiệm thường xuyên, có kỷ luật của mỗi gia đình. Đây cũng là giải pháp đúng đắn góp phần xây dựng mục tiêu công bằng xã hội.

- BHNT góp phần rất lớn vào giải quyết việc làm cho xã hội. Bảo hiểm là ngành có mạng lưới đại lý rộng khắp trong và ngoài nước, thu hút nhiều lao động vì cần có một mạng lưới nhân viên khai thác bảo hiểm.

Thực trạng phát triển thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam

Quy mô thị trường và tình hình khai thác hợp đồng mới

Năm 2022, thị trường bảo hiểm tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với tăng trưởng GDP, doanh thu phí BHNT đạt 178.327 tỷ đồng, tăng 106,93% so với năm 2018 và tăng 11,93% so với năm 2021. Trong năm 2022, số lượng hợp đồng khai thác mới của các sản phẩm bảo hiểm chính đạt 3.414.561 hợp đồng, tăng 44,23% so với năm 2018 và giảm 4,09% so với năm 2021. Trong đó, số lượng hợp đồng bảo hiểm cá nhân đạt 3.413.732 hợp đồng, số lượng hợp đồng bảo hiểm nhóm đạt 829 hợp đồng (tương ứng với số lượng thành viên trong nhóm được bảo hiểm là 144.038 người). Tổng doanh thu phí bảo hiểm của các hợp đồng khai thác mới của các sản phẩm bảo hiểm chính đạt 45.622 tỷ đồng, tăng 2,14% so với năm 2021. Tổng số tiền bảo hiểm tương ứng đạt 1.668.236 tỷ đồng. Bình quân số tiền bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm cá nhân chính khai thác mới trong năm 2022 đạt 488.6 triệu đồng/hợp đồng.

Thông qua tình hình khai thác mới của các doanh nghiệp bảo hiểm có thể nhận thấy xu hướng tham gia BHNT của người dân Việt Nam hiện nay đã có sự thay đổi trong vòng 5 năm trở lại đây. Số hợp đồng bảo hiểm khai thác mới đến từ bảo hiểm tử kỳ và bảo hiểm liên kết đầu tư cùng với các sản phẩm liên quan đến sức khỏe và bổ trợ có xu hướng tăng. Theo các chuyên gia bảo hiểm, nguyên nhân là do sự phát triển mạnh mẽ của ngành Bảo hiểm trong những năm gần đây làm thay đổi tư duy của người dân Việt Nam về bảo hiểm, từ đó thu hút thêm nhiều các doanh nghiệp BHNT vào Việt Nam, từ đó tạo ra sự cạnh tranh về sản phẩm đối với các doanh nghiệp.

Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực

Trong năm 2022, số lượng hợp đồng có hiệu lực của các sản phẩm bảo hiểm chính đạt 13.921.675 hợp đồng; tăng 5,48% so với năm 2021. Trong đó, số lượng hợp đồng bảo hiểm cá nhân đạt 13.920.700 hợp đồng; số lượng hợp đồng bảo hiểm nhóm đạt 975 hợp đồng (tương ứng với số lượng thành viên trong nhóm được bảo hiểm là 311.522 người).

Tổng doanh thu phí bảo hiểm của các hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực là 178.327 tỷ đồng, tăng 11,93% so với năm 2021. Trong đó, tổng doanh thu phí của sản phẩm bảo hiểm chính và bảo hiểm bổ trợ chiếm tỷ trọng lần lượt là: 89,66% và 10,34% tổng doanh thu phí bảo hiểm.

Năm 2022, thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm của các hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực như sau: Bảo Việt nhân thọ (18,62%), Manulife (17,65%), Prudential (17,48%), Daiichi (12,26%), AIA (10,44%), MB Ageas (3,62%), Generali (2,86%). Các doanh nghiệp còn lại chiếm 17,07% thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm của các hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực.

Tình hình trả tiền bảo hiểm

Tổng số tiền bảo hiểm các doanh nghiệp đã chi trả trong năm 2022 cho các sản phẩm bảo hiểm là 42.560 tỷ đồng; trong đó trả giá trị tiền bảo hiểm gốc là 22.445 tỷ đồng, trả giá trị hoàn lại là 12.090 tỷ đồng, trả tiền đáo hạn là 6.204 tỷ đồng, trả khác là 1.820 tỷ đồng. Số tiền chi trả bảo hiểm tập trung chủ yếu vào các sản phẩm hỗn hợp và bảo hiểm liên kết đầu tư.

Năm 2022, tổng số tiền bảo hiểm của các doanh nghiệp chi trả đã tăng lên 118,78% so với năm 2018, tương ứng với số tuyệt đối là 23.106,59 tỷ đồng; trong đó trả giá trị tiền bảo hiểm gốc tăng lên 266% so với năm 2018 tương ứng với số tuyệt đối là 16.313 tỷ đồng; trả giá trị hoàn lại tăng 149% tương ứng 7.235,6 tỷ đồng; trả tiền đáo hạn giảm 26,73% tương ứng với 2.263 tỷ đồng. Như vậy, tốc độ tăng về số tiền bảo hiểm đã chi trả mạnh nhất là từ việc trả tiền bảo hiểm gốc và giảm dần đối với các nghiệp vụ trả giá trị hoàn lại và các nghiệp vụ khác. Điều này được giải thích là do thời hạn của sản phẩm BHNT thường từ 10 năm trở lên, khoảng thời gian BHNT phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam từ đầu những năm 2000 nên trong giai đoạn 2018-2022 là khoảng thời gian các sản phẩm bảo hiểm gốc đến thời hạn hoàn trả cho khách hàng.

Giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm tại Việt Nam

Nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam phát triển, nhóm tác giả đề xuất đồng bộ các nhóm giải pháp sau:

Đối với cơ quan quản lý

Thứ nhất, hoàn thiện luật pháp liên quan đến quản lý hoạt động bảo hiểm theo hướng hội nhập và đáp ứng các chuẩn mực quốc tế: Trước tình hình môi trường pháp lý hiện nay, đòi hỏi các cơ quan quản lý cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi gắn với tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nói chung và các doanh nghiệp BHNT nói riêng.

Thứ hai, tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước: Tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước thông qua đổi mới phương thức và nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với kinh doanh bảo hiểm; kiện toàn bộ máy tổ chức của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam; khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm mở rộng thị trường kinh doanh, kể cả thị trường khu vực và quốc tế.

Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm

Thứ nhất, tăng cường năng lực tài chính của các doanh nghiệp BHNT tại Việt Nam. Để tăng cường năng lực tài chính, cần có các bước đi đúng đắn và có lộ trình tác động vào các nguồn vốn hình thành nên năng lực tài chính của doanh nghiệp. Đối với thị trường BHNT Việt Nam, tăng cường năng lực tài chính sẽ tập trung vào việc tăng vốn điều lệ của các doanh nghiệp. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, để thị trường bảo hiểm phát triển an toàn và hiệu quả, tăng cường được năng lực cạnh tranh đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm phải có số vốn cao hơn số vốn tối thiểu gọi là vốn pháp định, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết, tuy nhiên cần có lộ trình cho quá trình thực hiện.

Thứ hai, nâng cao năng lực đánh giá rủi ro của các doanh nghiệp BHNT ở Việt Nam. Các doanh nghiệp bảo hiểm cần tập trung vào tăng cường năng lực đánh giá rủi ro theo các hướng sau:

- Xây dựng và ban hành quy trình và hướng dẫn khai thác cụ thể chuẩn mực, các tiêu chí cần nhận biết để nhận dạng đánh giá rủi ro phải chi tiết trên bảng giấy yêu cầu bảo hiểm.

- Xây dựng hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn nhận dạng rủi ro của mỗi nhóm nghiệp vụ theo quy mô doanh nghiệp/khách hàng, thị trường khách hàng nhằm chi tiết hóa tiêu chuẩn khai thác cũng như góp phần nhận dạng đánh giá rủi ro chính xác nhất có thể.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bảo hiểm tại các doanh nghiệp. Là thị trường bảo hiểm mới nổi, vì vậy hầu hết doanh nghiệp BHNT tại Việt Nam đều gặp phải vấn đề thiếu nhân lực cả về lượng và chất. Mỗi doanh nghiệp cần căn cứ vào định hướng chiến lược phát triển, xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp một cách bài bản, có kế hoạch, thể hiện tầm nhìn của doanh nghiệp. Định kỳ đào tạo kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn của từng phòng ban, nhóm nghiệp vụ, công việc cần bám sát khung năng lực của ngành Bảo hiểm.

Thứ tư, đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các sản phẩm bảo hiểm. Việc đổi mới và phát triển sản phẩm luôn là yêu cầu quan trọng giúp doanh nghiệp BHNT có thể duy trì và phát triển thị phần của mình. Hiện tại, các doanh nghiệp BHNT ở Việt Nam triển khai hầu hết các sản phẩm bảo hiểm mà các thị trường phát triển đang triển khai. Có thể nói, các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam bắt kịp xu hướng sản phẩm bảo hiểm trên thế giới nói chung và các thị trường phát triển nói riêng.

Thứ năm, thực hiện bồi thường nhanh chóng và đầy đủ cho khách hàng. Chuẩn hóa quy trình giải quyết bồi thường, luân chuyển hồ sơ tai nạn, đặc biệt đối với hồ sơ ngoại tỉnh (những hồ sơ mà tai nạn tại địa bàn tỉnh khác với địa bàn tham gia bảo hiểm). Quy định cán bộ thụ lý hồ sơ sự vụ phải hướng dẫn khách hàng hoàn thiện đầy đủ các loại hồ sơ còn thiếu bằng phiếu báo bổ sung hồ sơ, hẹn thời gian giải quyết cụ thể, tránh trường hợp khách hàng phải đi lại nhiều lần. Quy định thời gian tối đa để giải quyết cho một bộ hồ sơ bồi thường, thời gian tối đa bộ hồ sơ ngoại tỉnh phải được luân chuyển, việc luân chuyển hồ sơ bồi thường phải được cập nhật vào sổ theo dõi để biết vướng mắc, chậm ở khâu nào để kịp thời giải quyết, quy định trách nhiệm cá nhân, đơn vị giải quyết hồ sơ chậm.

Kết luận

Cùng với sự tăng trưởng nhanh, thời gian qua thị trường bảo hiểm nhân thọ đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, để thị trường này phát triển lành mạnh và bền vững, tăng cường tính minh bạch, cần các giải pháp đồng bộ từ phía cơ quan quản lý, sự chung tay vào cuộc của cả doanh nghiệp bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và người tham gia bảo hiểm.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Quang Phi (2021), “Nghiên cứu sự phát triển thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa”, Luận án tiến sĩ, Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội;
  2. Mai Thị Hường (2019), “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam”, Luận án Tiến sĩ, Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội:
  3. Niên giám thống kê thị trường bảo hiểm Việt Nam từ năm 2018-2022;
  4. Báo cáo tài chính của các công ty bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 10/2023