Giải pháp tăng tốc chuyển đổi số bảo hiểm nhân thọ qua kênh phân phối ngân hàng


Trong thời gian vừa qua, hoạt động phân phối bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng (bancassurane) đã có sự tăng trưởng vượt bậc và thu nhập từ độc quyền khai thác đóng góp lớn vào thu thuần dịch vụ các ngân hàng. Do vậy, để đem lại trải nghiệm khách hàng tốt, khai thác tối đa tiềm năng đem lại tốc độ tăng trưởng đột phá thì ngành Bảo hiểm nhân thọ cần phải tăng tốc thực sự chuyển đổi số để đồng bộ với sự chuyển đổi số ngân hàng (Digital Banking).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hiệu quả từ việc liên kết bảo hiểm ngân hàng

Một trong những thay đổi nổi bật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm - ngân hàng tại Việt Nam những năm qua là sự xuất hiện và phát triển của các mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp bảo hiểm với các ngân hàng thương mại trong việc phát triển và phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance).

Bancassurance là sự hợp tác giữa công ty bảo hiểm và các ngân hàng, trong đó ngân hàng sẽ tận dụng hệ thống phân phối và nguồn khách hàng của mình để phân phối sản phẩm bảo hiểm cho công ty bảo hiểm và thực hiện một số dịch vụ khác như thu phí bảo hiểm. Đổi lại công ty bảo hiểm sẽ trả hoa hồng và các khoản phí cho ngân hàng theo hợp đồng được ký kết giữa hai bên. Thực tiễn cho thấy, hoạt động liên kết giữa bảo hiểm - ngân hàng đã bước đầu hình thành và phát triển ở Việt Nam, hoạt động này đã và đang mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng và khách hàng.

Thứ nhất, đem lại hiệu quả và cơ hội lớn cho cả hai bên.

Các thương vụ hợp tác độc quyền với bảo hiểm đã đem lại doanh thu phí trả trước hàng nghìn tỷ đồng và đóng góp quan trọng trong thu thuần phí dịch vụ của các ngân hàng. Đây là nguồn thu “hái ra tiền” cho các ngân hàng, đặc biệt là các thỏa thuận độc quyền với doanh nghiệp bảo hiểm luôn giúp các ngân hàng kiếm được một khoản phí trả trước cao (upfront fee) và phí ổn định (hoa hồng phí - commission) từ kết quả bán bảo hiểm hàng năm của ngân hàng dao động từ 80% đến 100% phí bảo hiểm khách hàng nộp năm đầu (FYP). Còn đối với các doanh nghiệp bảo  hiểm thì tệp khách hàng rộng lớn của ngân hàng là nguồn thông tín quý giá và giúp phát triển trong dài hạn, đa dạng hóa kênh bán hàng và tiếp cận được phân khúc khách hàng trung lưu.

Thứ hai, tốc độ tăng trưởng doanh thu ngoạn mục.

Kết quả triển khai bancassurance góp phần tăng trưởng nhanh và bền vững cho các bên. Trong khảo sát 20 công ty bảo hiểm được Vietnam Report công bố mới đây, doanh thu kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đến nay đã xấp xỉ bằng doanh thu từ kênh đại lý của các công ty bảo hiểm, với mức tăng trưởng gần bằng kênh dịch vụ kỹ thuật số (66,7% so với 69,2%). Điều này chứng tỏ, phân phối bảo hiểm qua ngân hàng hiện đang là “cứu tinh” cho cả các doanh nghiệp bảo hiểm và là nguồn thu của nhiều ngân hàng thương mại. Bảo hiểm đã thể hiện tốt vai trò của mình như một “bộ giảm xóc” trước những rủi ro và tác động bất ngờ do đại dịch COVID-19 gây ra. Thậm chí, nhiều ngân hàng thương mại đã tổ chức thành các khối kinh doanh riêng, coi bancassurance là động lực để tăng trưởng doanh thu phí và đặc biệt trong bối cảnh siết tăng trưởng tín dụng.

Giải pháp tăng tốc chuyển đổi số bảo hiểm nhân thọ qua kênh phân phối ngân hàng - Ảnh 1

Thứ ba, đem lại hệ sinh thái đầy đủ, nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Nhu cầu khách hàng hiện nay rất phong phú. Khách hàng ngoài việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng truyền thống như gửi, vay, khách hàng còn sử dụng các sản phẩm đầu tư, bảo hiểm, các dịch vụ tiện ích phong cách sống (life style). Do vậy, việc doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm bảo hiểm và các sản phẩm liên kết đầu tư phù hợp với xu hướng đã tạo ra sự đa dạng dịch vụ, cung cấp dịch vụ đầy đủ… trên thị trường bảo hiểm, góp phần nâng cao trải nghiệm khách hàng và giữ chân khách hàng.

Thứ tư, đẩy nhanh tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm nhân thọ.

Năm 2020, tỷ lệ thâm nhập của Việt Nam mới đạt 1,6% thấp hơn nhiêu so với mức bình quân trên thế giới là 3.3%; tỷ lệ này cũng thấp hơn so với các nước trong khu vực như: Malyasia là 4%, Thái Lan 3,4%, Ấn Độ 3,2%. Năm 2021, doanh thu ngành Bảo hiểm đạt 124 nghìn tỷ đồng, tăng 23,4%. Theo các chuyên gia bảo hiểm, với những thay đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi 2022 được Quốc hội thông qua thì mục tiêu phấn đấu đạt khoảng 3,5% GDP vào năm 2025. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm nhân thọ trong dân cư.

Thứ năm, áp lực tích hợp chuyển đổi số ngân hàng lan sang chuyển đổi số bảo hiểm.

Ngân hàng đang được đánh giá là có tốc độ chuyển đổi số nhanh nhất trong các ngành đồng thời là ngành có tốc độ thu hút khách hàng mới sử dụng dịch vụ tăng nhanh nhất, có tốc độ cung cấp các sản phẩm và trải nghiệm khách hàng mạnh nhất. Thực tế cho thấy, chuyển đổi số của ngân hàng diễn ra rất mạnh mẽ, 100% các ngân hàng Việt Nam đã chuyển đổi bán hàng qua kênh số.

Đối với lĩnh vực bảo hiểm, việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ hiện nay đã tích cực, đã chủ động hợp tác với các ngân hàng để chuyển đổi số như: Vận hành, sử dụng các website riêng, các ứng dụng website/app cho các quy trình kinh doanh; đa dạng các quy trình cung cấp sản phẩm bảo hiểm trực tuyến; đảm bảo tăng cường các quy trình giải quyết bồi thường bảo hiểm trực tuyến; các dịch vụ số, trực tuyến chăm sóc khách hàng...

Tuy nhiên, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo hiểm vẫn còn những hạn chế như: Doanh thu kênh bảo hiểm trực tuyến còn thấp; tiềm lực về tài chính cho việc đầu tư công nghệ chưa cao; nhân lực chuyên trách mảng công nghệ còn mỏng, yếu; sản phẩm còn đơn điệu, hành trình trải nghiệm khách hàng chưa được tích hợp với nha, chưa có quy định đặc thù hỗ trợ triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số…

Giải pháp tăng tốc chuyển đổi số bảo hiểm nhân thọ qua kênh phân phối ngân hàng

Trên thực tiễn chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm, nhằm mục tiêu tăng tốc chuyển đổi số bảo hiểm nhân thọ qua kênh phân phối ngân hàng, trong thời gian tới, cần chú trọng một số giải pháp sau:

Giải pháp tăng tốc chuyển đổi số bảo hiểm nhân thọ qua kênh phân phối ngân hàng - Ảnh 2

Thứ nhất, tăng cường đầu tư, phát triển các ứng dụng số đồng bộ với ngân hàng số.

Việc tăng cường đầu tư, phát triển các ứng dụng số đồng bộ với ngân hàng số nhằm nâng cao nhận thức (aware), phương pháp tiếp cận mới (design thinking, agile…) trong việc thiết kế sản phẩm, marketing, định phí, thẩm định rủi ro, quy trình nội bộ, giải quyết khiếu nại…, áp dụng triển khai việc tự động hóa thông minh (thu thập yêu cầu, đánh giá, kiểm tra…). Đồng thời, phải tích hợp đồng bộ các hệ thống công nghệ digital banking trên các nền tảng App, website... của ngân hàng, từ đó giúp khách hàng sử dụng trên nền tảng digital banking tiếp cận được đầy đủ sản phẩm bảo hiểm, cá thể hóa trên từng phân khúc khách hàng, tra cứu, hiểu rõ các sản phẩm bảo hiểm, các quyền lợi khi tham gia một cách đơn giản và thân thiện.

Thứ hai, thiết kế các sản phẩm bảo hiểm theo hành trình trải nghiệm ngân hàng số.

Cần tập trung thiết kế các sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt theo hành trình khách hàng và gắn chặt với phân tích hành vi, khẩu vị khách hàng tự động theo dữ liệu phân tích, tích hợp với sản phẩm ngân hàng mà khách hàng thường xuyên sử dụng trên nền tảng ngân hàng số để khách hàng dễ dàng tiếp cận, “nhặt” luôn vào giỏ hàng trên hành trình sử dụng dịch vụ; tích hợp với sản phẩm ngân hàng, đầu tư, ủy thác, mua sắm… trên nền tảng app. Chẳng hạn như các sản phẩm gắn với bảo vệ khách hàng trước các rủi ro khi giao dịch online, các sản phẩm bảo hiểm gắn với vay online, các sản phẩm bảo  hiểm tai nạn, du lịch, đầu tư tích lũy…

Thứ ba, đổi mới cách truyền thông sản phẩm, tiếp cận khách hàng.

Việc ứng dụng các cách truyền thông sản phẩm bảo hiểm cần thêm các kênh mới trên nền tảng xã hội, nền tảng App, fanpage, omni marketing… song song cùng các kênh truyền thống để nhiều khách hàng tìm hiểu, sử dụng mọi lúc mọi nơi. Bên cạnh đó, cần  tăng cường các ứng dụng AI, chat box… để đáp ứng các nhu cầu khách hàng.

Thứ tư, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh trên nền tảng số.

Theo đó, cần xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ và kịp thời như bổ sung quy định trực tiếp về trình tự, thủ tục, bổ sung thêm quy định phân định rõ trách nhiệm của ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bảo hiểm khi tổ chức triển khai kinh doanh trên nền tảng số.

Thứ năm, về phía các ngân hàng thương mại.

Cần xây dựng chiến lược bộ phận và có chính sách cụ thể về phát triển kinh doanh bancassurance trên nền tảng số trong chiến lược phát triển tổng thể; tận dụng tối đa cơ sở dữ liệu khách hàng sẵn có kết hợp thông tin thu thập bên ngoài, sử dụng kỹ thuật hiện đại để phân tích nhu cầu khách hàng và tìm kiếm khách hàng phù hợp cho bancassurance; kết hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm để thiết kế sản phẩm bảo hiểm đặc thù; có bước đi thích hợp chuyển đổi số, tiến tới số hóa đối với hoạt động bancassurance đạt mức cao.

Kết luận

Hiện nay, mô hình bancassurance đã và đang phát triển mạnh mẽ tại các nước trên thế giới, với Việt Nam mô hình này không còn quá mới, song sự phát triển của mô hình này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, đặc biệt là kênh ngân hàng số. Với lợi ích của kênh phân phối bancassurance đem lại cùng với thị trường bảo hiểm Việt Nam đầy tiềm năng đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp bảo hiểm khai thác sản phẩm qua kênh phân phối ngân hàng số.       

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2022), Dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi;

2. Đỗ Minh (2021), Chuyển đổi số ngành bảo hiểm: Cần các giải pháp tự động hóa thông minh, Tạp chí ICTVietnam;

3. Thanh Sơn (2021), Chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo hiểm, Tạp chí điện tử Tài chính;

4. Dũng (2021), Chuyển đổi số - lựa chọn tất yếu với các doanh nghiệp bảo hiểm, Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ.

* ThS. Phạm Huyền Trang  - Học viện chính sách và Phát triển

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 - Tháng 6/2022