Phát triển thị trường khoa học và công nghệ tại TP. Hà Nội: thực trạng và giải pháp
Khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng, động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc phát triển thị trường khoa học và công nghệ ở TP. Hà Nội sẽ tạo điều kiện ứng dụng các thành tựu nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất; thúc đẩy chuyển giao, đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến… góp phần thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế - xã hội của Thành phố phát triển. Bài viết đánh giá thực trạng và đưa ra những giải pháp nhằm tiếp tục phát triển thị trường khoa học và công nghệ của TP. Hà Nội trong thời gian tới.
Thực trạng phát triển thị trường khoa học và công nghệ
Thời gian qua, TP. Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KHCN), phát huy vai trò trung tâm của doanh nghiệp (DN) KHCN, đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng KHCN trong DN, từ đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và phát triển Thủ đô toàn diện, bền vững. Kết quả những nỗ lực đó thể hiện nổi bật ở một số lĩnh vực sau:
Thể chế hỗ trợ cho thị trường khoa học và công nghệ
Trong Chiến lược phát triển KHCN của TP. Hà Nội đến năm 2020, phát triển thị trường KHCN được xác định là một trong những nội dung trọng tâm với quan điểm: Thực thi và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng, nguồn nhân lực và các định chế trung gian của thị trường KHCN; Thúc đẩy quan hệ cung - cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ KHCN; Phát huy vai trò chủ thể trung tâm của DN, nhất là DN KHCN; Chủ động tích cực hội nhập với khu vực và thế giới về KHCN.
Ngày 28/6/2016, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 03-CTr/TU, trong đó nhấn mạnh về tập trung nâng cao chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh và bền vững”; Tiếp đó, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chương trình số 80/CTr-UBND về phát triển các ngành dịch vụ trình độ, chất lượng cao giai đoạn 2015-2020, trong đó dịch vụ KHCN được xác định là ngành dịch vụ chất lượng cần ưu tiên phát triển...
Những văn bản trên thể hiện sự quyết tâm của Lãnh đạo TP. Hà Nội trong việc chỉ đạo và triển khai các chương trình hỗ trợ, các sự kiện xúc tiến phát triển thị trường KHCN trên địa bàn Thành phố.
Sản phẩm khoa học và công nghệ
Sản phẩm KHCN ở TP. Hà Nội là đối tượng sở hữu trí tuệ từ năm 2014 đến năm 2017 chủ yếu tập trung vào nhãn hiệu hàng hóa và tiếp đến là kiểu dáng công nghiệp (Bảng 1). Số sáng chế và giải pháp hữu ích rất nhỏ, chỉ có 53 sáng chế và 58 giải pháp hữu ích (năm 2017).
Thực tế trên không chỉ phản ánh sản phẩm KHCN của TP. Hà Nội dưới dạng các công nghệ có tính mới mẻ, hiện đại, có khả năng sẵn sàng cung cấp cho thị trường rất ít, mà còn cho thấy nhu cầu ứng dụng các công nghệ tiên tiến của DN TP. Hà Nội còn thấp. Do năng lực hấp thụ công nghệ mới hạn chế nên các DN chỉ thích mua các công nghệ đã được ứng dụng thuần thục, được tiêu chuẩn hóa cao về thông số kỹ thuật.
Trong số các loại sản phẩm KHCN, máy móc và thiết bị công nghệ chiếm thị phần chủ đạo trong hàng hóa của thị trường KHCN của TP. Hà Nội. Điều này thể hiện rõ qua các lần tổ chức Chợ công nghệ và thiết bị Hà Nội từ năm 2013 đến 2017, với 4.571 thiết bị công nghệ chào bán và 7.712 bản ghi nhớ hợp đồng mua bán thiết bị công nghệ được thiết lập.
Trong đó, Techmart Hà Nội (2013) chào bán hơn 350 thiết bị công nghệ, Techmart Hà Nội (2015) chào bán hơn 850 thiết bị công nghệ và Techmart Hà Nội (2016) chào bán hơn 1.500 thiết bị công nghệ, trong đó có 32 gian hàng của nước ngoài.
Giá cả thiết bị công nghệ được xác định qua hình thức thỏa thuận giữa bên mua và bên bán trên chợ và có sự tư vấn của các chuyên gia ở một số lĩnh vực. Ý kiến của một số DN tham gia các kỳ Techmart cho rằng, có nhiều công nghệ được chào bán giá cả còn cao so với khả năng thanh toán của người mua.
Về sản phẩm phần mềm máy tính và sản phẩm phần cứng: Với tốc độ phát triển mạnh mẽ của ngành Tin học, các DN trong lĩnh vực CNTT của TP. Hà Nội đã có nhiều phần mềm được mua bán và chuyển giao trên thị trường cả trong và ngoài thành phố. Qua các kỳ tổ chức chợ công nghệ và thiết bị, phần mềm máy tính được chào bán ngày càng tăng.
Đặc biệt, trong kỳ Techmart Hà Nội (2016), có tới 361 phần mềm được chào bán, với sự tham gia của các cơ quan, trường, viện lớn của Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội như Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Khoa học tự nhiên... các tập đoàn, tổng công ty có thương hiệu nổi tiếng và có công nghệ, thiết bị tiên tiến như: VNPT, Hanel, Toshiba, Sony, CMC, FPT...
Đối với loại hình dịch vụ nghiên cứu và phát triển (R&D): TP. Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu của cả nước về loại hình này. Năm 2017, trong số đề tài đã được nghiệm thu của Thành phố có 52% số đề tài khoa học đặt hàng triển khai công nghệ được thực hiện bằng đơn đặt hàng.
Hằng năm, ngân sách dành cho KHCN không ngừng tăng, trong số đó kinh phí của Thành phố dành cho hoạt động R&D trong những năm gần đây tăng lên đáng kể. Riêng năm 2017, Thành phố đã thực hiện tuyển chọn được 55 đề tài KHCN, 16 dự án sản xuất thử nghiệm do các tổ chức và cá nhân thực hiện.
Chủ thể tham gia thị trường khoa học và công nghệ
DN KHCN là yếu tố trung tâm, quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển thị trường KHCN, đổi mới sáng tạo, ứng dụng KHCN, là nơi thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ KHCN để tạo ra sản phẩm hàng hóa từ kết quả R&D công nghệ.
Theo quy định của Bộ KHCN, DN được chứng nhận là DN KHCN khi đã hoàn thành việc ươm tạo và làm chủ công nghệ từ kết quả KHCN được sở hữu, sử dụng, sở hữu hợp pháp công nghệ để trực tiếp sản xuất thuộc các lĩnh vực công nghệ; DN đã thực hiện chuyển giao công nghệ hoặc trực tiếp sản xuất trên cơ sở công nghệ đã ươm tạo và làm chủ hay sở hữu hợp pháp công nghệ theo quy định.
Tính đến nay, Sở KHCN Hà Nội đã thẩm định hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận DN KHCN cho 41 DN trên địa bàn, tư vấn, hướng dẫn cho hơn 20 DN khác có tiềm năng trở thành DN KHCN trong tương lai. Theo số liệu thống kê ở Bảng 2, chỉ tính riêng trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2017, Thành phố đã cấp 31 giấy chứng nhận DN KHCN.
Các DN KHCN này chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực: Công nghệ thông tin - truyền thông; công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp; y tế; công nghệ tự động hóa; công nghệ vật liệu mới; công nghệ bảo vệ môi trường và một số công nghệ khác (cơ khí, chế tạo, đóng tàu, điện - điện tử). Đây là các lĩnh vực quan trọng, chủ lực, trọng điểm có tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực khác trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Có thể kể đến một số DN KHCN hoạt động hiệu quả với nhiều sản phẩm KHCN nổi bật, doanh thu từ hoạt động KHCN mang lại ngày càng cao, điển hình như: Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương đã được Forbes Asia lựa chọn là 1 trong 200 công ty có doanh thu dưới 1 tỷ USD tốt nhất châu Á năm 2014; Công ty cổ phần Đầu tư phát triển ngô Việt Nam chiếm 8 -15% thị phần giống ngô trong nước; Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh đã sản xuất máy biến áp 220 kV và 500 kV đạt tiêu chuẩn IEC 60076, đáp ứng được nhu cầu của thị trường máy biến áp nguồn và máy biến áp truyền tải trong nước và tiến tới xuất khẩu...; Từ năm 2015 đến nay, đã có 5 DN KHCN có sản phẩm hàng hóa từ bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích đã được bảo hộ.
Đối với hoạt động đẩy mạnh việc thành lập Quỹ Phát triển KHCN: Tính đến hết tháng 3/2017, Hà Nội có 54 DN/tập đoàn đã thành lập Quỹ Phát triển KHCN. Trong đó, đa số là DN có vốn nhà nước, DN ngoài nhà nước chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Có thể kể đến như: Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) và một số công ty thuộc Tập đoàn, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, các công ty thuộc Tập đoàn FPT, Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí.
TP. Hà Nội cũng đã hỗ trợ nhiều DN thực hiện các đề tài, dự án, điển hình như Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội với dự án sản xuất thử nghiệm: “Hoàn thiện quy trình nhân giống và chăm sóc nuôi dưỡng gà mía trên địa bàn Hà Nội” đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi gà mía sinh sản (quy mô 2.000 con) và thương phẩm (quy mô 2.000 con), đặc biệt việc áp dụng quy trình chọn giống để chọn lọc đàn hạt nhân đã tạo ra được số lượng lớn con giống có chất lượng tốt, ổn định, cung cấp cho người nuôi ở địa phương và các tỉnh lân cận.
Các hoạt động khuyến khích ứng dụng, đổi mới công nghệ, ươm tạo DN KHCN
Từ năm 2014 đến nay, Sở KHCN Hà Nội đã hỗ trợ nhiều DN thực hiện các đề tài nghiên cứu và dự án sản xuất thử nghiệm có giá trị áp dụng trong thực tiễn cao; hỗ trợ các DN phát triển ý tưởng, hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm mới làm cơ sở thành lập DN KHCN; Tổ chức các hội nghị 3 nhà, hội nghị kết nối cung - cầu thường niên để tạo cơ hội tìm hiểu nhu cầu, kết nối cung - cầu giữa các nhà khoa học và các DN, giới thiệu các DN KHCN tham gia các giải thưởng có uy tín (Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt, VIFOTEC, Môi trường Việt Nam, Giải thưởng chất lượng quốc gia...).
Trong số các DN KHCN được Sở cấp Giấy chứng nhận có 2 DN đoạt Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt (Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương với các sản phẩm giống lúa chất lượng cao; Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Đông Anh với sản phẩm máy biến áp 500 kV) và 2 DN đoạt Giải thưởng Môi trường Việt Nam và Giải VIFOTEC (Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường Thăng Long và Công ty TNHH MTV Đức Minh).
Những tồn tại, hạn chế
Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng việc phát triển thị trường KHCN ở TP. Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng cũng như chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của Thành phố. Điều này thể hiện qua một số mặt tồn tại sau:
Thứ nhất, quan hệ cung - cầu trong thị trường KHCN của Thành phố chịu ảnh hưởng nhiều của thông tin bất cân xứng. Những nhà cung cấp hàng hóa, công nghệ (bao gồm các viện nghiên cứu, trường đại học, DN, cá nhân...) có ít kinh nghiệm trong việc chào bán các hàng hóa KHCN, có ít thông tin về nhu cầu của xã hội.
Trong khi đó, bên cầu lại có ít thông tin về nguồn cung cấp hàng hóa KHCN. Tình trạng này cũng được cho là một trong những nguyên nhân khiến các đề tài và kết quả nghiên cứu KHCN của Thành phố chưa có đầu ra triệt để.
Thứ hai, DN KHCN của Thành phố còn ít quan tâm tới hoạt động đổi mới sáng tạo, đầu tư cho đổi mới còn thấp. Theo Sở KHCN TP. Hà Nội, có khoảng 30% DN chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của việc đổi mới công nghệ trong DN. Cùng với đó là việc DN chưa có chiến lược phát triển, hoặc chưa định hướng được phương thức, hướng đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị...
Thứ ba, mối liên kết giữa hoạt động nghiên cứu, nhà khoa học với thị trường và DN còn yếu. Vai trò của các tổ chức trung gian, nơi kết nối cung cầu, tư vấn chuyển giao công nghệ còn mờ nhạt. Nguồn nhân lực và thực hiện quản lý nhà nước như các quản trị viên, thẩm định viên về định giá và phát triển thị trường KHCN còn nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng.
Thứ tư, vai trò của các tổ chức trung gian, đặc biệt là các tổ chức có chức năng xúc tiến, định giá công nghệ chưa thể hiện được chức năng kết nối cung cầu, tư vấn chuyển giao công nghệ còn mờ nhạt. Nhu cầu về công nghệ của các DN chưa được thể hiện rõ nét. Hệ thống tổ chức trung gian (môi giới, tư vấn, giám định, đánh giá, kiểm tra, kiểm định…) còn yếu và chưa khẳng định được vai trò kết nối.
Các sàn giao dịch công nghệ và thiết bị chưa thể hiện vai trò đầu tàu trong hệ thống các tổ chức trung gian. Hệ thống quản lý, lưu giữ thông tin về kết quả KHCN hiện nay còn rất yếu, chưa có một “ngân hàng” lưu trữ đầy đủ các sản phẩm KHCN, dẫn đến có nhiều đề tài, dự án đã được nghiên cứu nhưng DN hay người có nhu cầu sử dụng kết quả KHCN lại không biết thông tin để tìm đến người “cung cấp” sản phẩm KHCN.
Thứ năm, các hoạt động khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp vẫn còn đang ở tình trạng tự phát, thiếu sự liên kết và chưa thật sự đủ mạnh để phát triển các DN khởi nghiệp mô phỏng theo các DN công nghệ trên thế giới.
Giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học công nghệ
Để đẩy mạnh phát triển thị trường KHCN ở TP. Hà Nội trong thời gian tới cần tập trung triển khai các giải pháp sau:
Một là, hỗ trợ DN đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ, thúc đẩy, kích cầu thị trường KHCN. Xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ đối với các lĩnh vực sản xuất, các sản phẩm trọng điểm, sản phẩm chủ lực của Thành phố. Hỗ trợ các DN xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ theo nguyên tắc: Lộ trình đổi mới công nghệ là công cụ liên kết giữa sản phẩm, công nghệ và thị trường.
Tổ chức đào tạo về quản lý công nghệ, quản trị công nghệ và cập nhật công nghệ mới cho các kỹ sư, kỹ thuật viên. Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về đổi mới công nghệ cho cán bộ quản lý DN. Hỗ trợ, khuyến khích các DN tham gia chương trình đổi mới công nghệ; chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trọng điểm, chủ lực; chương trình phát triển tài sản trí tuệ của Thành phố.
Hai là, hỗ trợ phát triển hàng hóa, thương mại hóa sản phẩm KHCN, phát triển tài sản trí tuệ. Hỗ trợ, khuyến khích hoạt động nghiên cứu chuyển hóa, làm thích nghi công nghệ hiện đại nhập của nước ngoài để chuyển giao cho các DN của Thành phố. Hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thị trường; tìm kiếm, mua công nghệ nguồn, công nghệ cao trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm. Tạo điều kiện cho các viện nghiên cứu, tổ chức KHCN, trường đại học trên địa bàn TP. Hà Nội, giới thiệu sản phẩm KHCN, công nghệ mới...
Ba là, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ. Triển khai các cơ chế, chính sách, quy định của Nhà nước, thể chế hoá các giao dịch trong thị trường KHCN. Tiếp tục triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ các DN trong việc xúc tiến, đẩy mạnh các chương trình hợp tác, hoạt động đối ngoại hướng tới mở rộng thị trường, hỗ trợ một phần kinh phí để các DN tham gia hội chợ, triển lãm về KHCN trong nước và quốc tế.
Tăng cường tổ chức, tham gia các chợ công nghệ thiết bị trong và ngoài Thành phố. Phát triển các hoạt động chợ, hội chợ, xúc tiến mua bán công nghệ, sản phẩm KHCN. Tập trung tăng cường cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực, tìm kiếm đối tác, nâng cao hiệu quả hoạt động của Sàn Giao dịch công nghệ và thiết bị; kết nối với các sàn giao dịch công nghệ trong nước, khu vực và thế giới. Phát triển và quản lý các tổ chức trung gian tư vấn, môi giới.
Bốn là, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các DN. Các cá nhân, nhóm cá nhân, DN có hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là những người có ý tưởng công nghệ mới, có mô hình kinh doanh sáng tạo và chấp nhận rủi ro để đưa những sản phẩm, dịch vụ ra thị trường.
Cần xây dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động đầu tư mạo hiểm, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, đảm bảo cho các nhà đầu tư mạo hiểm có môi trường kinh doanh an toàn và hợp pháp, có quy định khuyến khích thành lập các công ty đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, có chính sách miễn, giảm thuế đối với hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Năm là, tăng cường thu hút các lực lượng tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Khuyến khích các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tham gia đặt hàng và trực tiếp triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và giải quyết các vấn đề bức xúc, nóng bỏng thuộc ngành, lĩnh vực và địa bàn mình quản lý.
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Việt Lâm (2005), Phát triển thị trường KHCN: Những vấn đề từ phía DN, Tạp chí Kinh tế và phát triển, số 102, trang 46 – 51;
2. Phạm Văn Dũng (2010), Phát triển thị trường KHCN ở Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội;
3. Trần Văn Hải (2011), Thương mại hóa kết quả nghiên cứu – Tiếp cận từ quyền sở hữu trí tuệ, Tạp chí Hoạt động khoa học, số 4/2011, trang 24 – 27;
4. Hồ Ngọc Luật (2011), KHCN với phát triển kinh tế - xã hội nhìn góc độ khoa học tính toán, Tạp chí Hoạt động khoa học, số 3/2011, trang 11 – 14;
5. Lê Trần Lâm (2014), Phát triển thị trường KHCN ở Hà Nội: Cần gắn kết 3 bên, báo Hà Nội Mới, số ra ngày 27/6/2014.