Thực trạng đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ từ ngân sách Nhà nước
Đảng và Nhà nước luôn coi khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, nền tảng và nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Điều này đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 20-NQ/TW Khóa XI của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 và Chiến lược Phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Với chủ trương đó, đầu tư cho lĩnh vực khoa học và công nghệ luôn nhận được sự ưu tiên từ ngân sách nhà nước.
Thực trạng đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ từ ngân sách nhà nước
Trên cơ sở các quan điểm của Đảng và Nhà nước, môi trường chính sách và pháp luật điều chỉnh hoạt động khoa học và công nghệ trong những năm qua liên tục được cải tổ và đổi mới mạnh mẽ. Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 ra đời, thay thế cho Luật Khoa học và công nghệ năm 2000.
Tiếp theo, là các nghị định, thông tư đã ra đời để cụ thể hóa Luật như: Thông tư liên tịch số 121/2014/TTLT-BTC- BKHCN ngày 25/8/2014 của liên bộ Tài chính - Khoa học và Công nghệ hướng dẫn xây dựng dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 01/9/2015 hướng dẫn việc quản lý, xử lý tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước; Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng Ngân sách nhà nước…
Hiện nay, hoạt động khoa học và công nghệ phần lớn được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Điều này đã được cụ thể hóa rõ nét ở Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ. Bình quân hàng năm, đầu tư ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ với mức kinh phí vào khoảng 1,4 - 1,85% tổng chi ngân sách nhà nước, chiếm từ 0,4 đến 0,6 GDP.
Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ từ năm 2006 đến năm 2015 đều có xu hướng tăng: Năm 2006 là 5.429 tỷ đồng, đến năm 2015 đạt 17.390 tỷ đồng, qua đó cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động khoa học và công nghệ.
Trong tổng đầu tư quốc gia cho nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ là 13.390,6 tỷ đồng thì đầu tư từ ngân sách nhà nước chiếm hơn một nửa: 7.591,6 tỷ đồng (tương đương 56,7%), trong khi nguồn đầu tư từ doanh nghiệp là 5.597,3 tỷ đồng đạt 41,8%, còn lại chỉ có 201,7 tỷ đồng (tương đương 1,5%) là từ nguồn vốn nước ngoài.
Nhìn chung, đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng, và trong tổng đầu tư cho khoa học và công nghệ chủ yếu đầu tư tập trung vào: (i) Đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật, các nhiệm vụ Nhà nước 50%; (ii) Con người chiếm 25%; (iii) Đầu tư để hỗ trợ đề tài cấp Bộ, ngành 15%; Đầu tư để tăng cường cơ sở vật chất chiếm 15%. Và đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển khoa học và công nghệ được phân cấp: Ngân sách trung ương thường chiếm tỷ trọng từ 70-75% và ngân sách địa phương chiếm tỷ trọng 25- 30% (theo báo cáo của Bộ Khoa học và công nghệ).
Hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ
Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ đã đạt được những kết quả sau:
Thứ nhất, luôn là nguồn đầu tư chủ yếu, cơ bản cho hoạt động nghiên cứu khoa học; góp phần quan trọng vào quá trình thúc đẩy phát triển đào đạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ (bình quân hàng năm chi ngân sách nhà nước cho hoat động khoa học công nghệ chiếm khoảng 2% tổng chi của ngân sách nhà nước, tương đương 0,6 GDP và tăng bình quân mỗi năm là 19%).
Thứ hai, đã có sự thay đổi về cơ cấu, phân cấp để phù hợp với nhu cầu nguồn lực đầu tư hiện tại, từ đó góp phần thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ phát triển bền vững.
Thứ ba, cơ sở pháp lý về đầu tư ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ ngày càng hoàn thiện hơn, chi tiết và cụ thể hóa rõ nét hơn. Cụ thể, gồm 38 văn bản cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Nghị định, Quyết định), 88 văn bản cấp Bộ (Thông tư, Thông tư liên tịch).
Tuy nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển khoa học và công nghệ thời gian qua đã có được những kết quả nhất định, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều bất cập, cụ thể:
Một là, hàng năm, mặc dù đầu tư ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ đã có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ với nhu cầu phát triển, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, đổi mới khoa học công nghệ như hiện nay. So với các nước, nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước để đầu tư cho khoa học và công nghệ ở Việt Nam còn hạn chế, ở Việt Nam ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ chỉ chiếm 0,6% GDP, còn châu Âu năm 2013 là 2,01%, Nhật Bản năm 2013 là 3,47%, Mỹ năm 2012 là 2,81%...
Hai là, việc phân bổ ngân sách nhà nước để phát triển khoa học và công nghệ còn phân tán, dàn trải, thiếu tập trung, thiếu mục tiêu ưu tiên, chưa đảm bảo theo những tiêu chí rõ ràng, thiếu cơ chế minh bạch (Chủ yếu tập trung chi cho bộ máy; Chi cho đào tạo cán bộ khoa học và công nghệ còn ở mức thấp khoảng 1.000USD/người/năm, trong khi mức chi trung bình ở các nước phát triển là 55.000USD/người/năm; Chi lương cho cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ cũng còn thấp)… do đó dẫn đến hiệu quả đầu tư còn thấp.
Ba là, hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ còn thấp. Bởi hiện nay chưa xây dựng được một cơ chế thực sự phù hợp, từ đó để gắn kết phân bổ ngân sách nhà nước cho các tổ chức khoa học và công nghệ với các yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể về các sản phẩm khoa học và công nghệ mà các đơn vị nghiên cứu cần thực hiện.
Giải pháp hoàn thiện chính sách đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ
Từ thực tiễn đầu tư phát triển khoa học công nghệ từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trên và qua nghiên cứu, tác giả bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách như sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện chính sách đầu tư ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ, nhằm phân bổ nguồn lực ngân sách nhà nước tưng xứng với nhu cầu phát triển khoa học và công nghệ hiện nay; tránh phân bổ chồng chéo, trùng lắp,tránh đầu tư dàn trải, từ đó đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ.
Thứ hai, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ, từ đó tránh sử dụng không đúng mục đích, lãng phí, làm thất thoát ngân sách nhà nước.
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ; sớm xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành và chất lượng về thực hiện nhiệm vụ được giao của các đơn vị khoa học và công nghệ; cần có quy định chặt chẽ, cụ thể, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức kiểm định, đánh giá độc lập; tiếp tục hoàn thiện chế độ thông tin báo cáo, công tác tài chính kế toán và trách nhiệm giải trình kết quả nghiên cứu của các đơn vị cung cấp các dịch vụ về khoa học và công nghệ.
Thứ tư, tiếp tục rà soát, sắp xếp, chuyển đổi các tổ chức nghiên cứu khoa học sang đơn vị sự nghiệp tự trang trải kinh phí. Ngân sách nhà nước không cấp kinh phí hoạt động quản lý bộ máy thường xuyên mà thông qua nhiệm vụ các tổ chức khoa học và công nghệ được thực hiện. Đồng thời, để nâng cao hiệu quả việc sử dụng ngân sách nhà nước, thời gian tới cần đẩy mạnh việc bố trí lại các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, giảm bớt đầu mối tổ chức, tập trung vào các tổ chức khoa học và công nghệ có năng lực nghiên cứu chuyên sâu.
Nhìn chung, với quy mô và tiềm lực kinh tế còn hạn chế, việc đầu tư cho khoa học và công nghệ từ ngân sách nhà nước trong những năm qua là một nỗ lực lớn của Chính phủ. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn lực này chưa thực sự có hiệu quả.
Để phát triển thị trường khoa học và công nghệ cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ, trong đó có liên quan đến nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước. Ngoài ra, cũng cần đa dạng các kênh đầu tư, đặc biệt là huy động từ khu vực doanh nghiệp, thì các mục tiêu Chiến lược mới có thể đạt được.
Tài liệu tham khảo
1. Nghị quyết 20/NQ-TW - Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 6 khóa XI;
2. Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011- 20120 tại Quyết số 418/QĐ- TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ;
3. Luật Khoa học và công nghệ năm 2013;
4. Sách “Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2014”, Bộ Khoa học và Công nghệ;
5. Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ;
6. Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 01/9/2015 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ;
7. Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ;
8. Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ.