Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân


Ngày 3/9, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1368/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thông tin trên được Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, đưa ra trong cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân ngày 3/9.

Bộ Công an bắt đầu cấp thẻ căn cước công dân có mã vạch từ năm 2016, đến nay 16 tỉnh, thành được trang bị hạ tầng để cấp với trên 16 triệu thẻ. Các tỉnh còn lại, công dân đang sử dụng chứng minh thư 9 và 12 số.

Dự án sẽ được triển khai đồng bộ song hành cùng dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự kiến vận hành đầu năm 2021. Hai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án Căn cước công dân thực hiện song hành sẽ tiết kiệm nhiều cho ngân sách do nhờ dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật, máy chủ, đường truyền...

Khi dự án được thông qua, các tỉnh, thành trên toàn quốc sẽ cấp thẻ gắn chip điện tử đồng bộ và đến tháng 7/2021 cả nước sẽ cấp 50 triệu thẻ.

Trung tá Vũ Hoàng Đạt, Phó giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, Thẻ căn cước công dân gắn chip là một xu thế mà nhiều nước trên thế giới áp dụng vì tính tiện dụng cũng như tạo sự thuận lợi cho công dân.

Thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử có mức độ bảo mật cao nên các thông tin định danh của công dân được lưu trên chip không thể thay đổi. Thẻ căn cước công dân gắn chip về cơ bản cũng giống như thẻ căn cước công dân mã vạch. Tuy nhiên, trên thẻ công dân sẽ không có các dòng trạng thái thể hiện mã vạch và nó sẽ thay thế bằng chíp. Con chíp được sử dụng trên thẻ căn cước công dân có dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm có thể bổ sung các thông tin của các ngành, lĩnh vực khác.

Dự kiến trong tương lai, ngoài dữ liệu do ngành Công an đang quản lý gồm có 20 trường thông tin có thể bổ sung tích hợp thêm các dữ liệu của ngành Thuế, Hải quan, Bảo hiểm Xã hội, giấy phép lái xe... vào thẻ căn cước công dân có gắn chip.

Theo đó, loại thẻ căn cước công dân có gắn chip sẽ lưu trữ những đặc điểm nhận dạng bằng hình ảnh, vân tay và sinh trắc học.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, mục tiêu của việc thu thập Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngoài quản lý dân cư còn phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, do đó cần được thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn quốc.