Phí bảo vệ môi trường đang được sử dụng như thế nào?
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gửi kiến nghị của cử tri đến Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khoá XIV: "Đề nghị Bộ Tài chính thông tin cho biết phí bảo vệ môi trường hiện nay sử dụng như thế nào? Người dân có được hưởng lợi gì không?"
Giải đáp vướng mắc của cử tri Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Luật phí và lệ phí, có 02 khoản phí bảo vệ môi trường, bao gồm: Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải
Điều 9 Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải quy định như sau:
Đối với nước thải sinh hoạt: Để lại 10% cho đơn vị cung cấp nước sạch và 25% cho UBND xã, phường, thị trấn để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí... Phần còn lại sau khi trừ số tiền phí được trích để lại, đơn vị cung cấp nước sạch và UBND xã, phường, thị trấn nộp vào ngân sách địa phương để sử dụng theo quy định.
Đối với nước thải công nghiệp: Để lại 25% trên tổng số tiền phí bảo vệ môi trường thu được cho tổ chức thu phí để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí (điều tra, thống kê, rà soát, phân loại, cập nhật, quản lý đối tượng chịu phí); Trang trải chi phí đo đạc, đánh giá, lấy mẫu, phân tích mẫu nước thải phục vụ cho việc thẩm định tờ khai phí, quản lý phí; Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất đối với nước thải công nghiệp. Phần còn lại được nộp vào ngân sách địa phương để sử dụng theo quy định.
Phần còn lại, sau khi trừ số tiền phí được trích để lại theo quy định đối với nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp, đơn vị thu phí có trách nhiệm nộp vào ngân sách địa phương để sử dụng cho công tác bảo vệ môi trường; Bổ sung nguồn vốn hoạt động cho Quỹ bảo vệ môi trường của địa phương để sử dụng cho việc phòng ngừa, hạn chế, kiếm soát ô nhiễm môi trường do nước thải; Tổ chức thực hiện các giải pháp, phương án công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải.
Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sau khi trừ số tiền phí được trích để lại theo quy định được nộp vào ngân sách địa phương để sử dụng cho công tác bảo vệ môi trường; Bổ sung nguồn vốn hoạt động cho Quỹ bảo vệ môi trường của địa phương để sử dụng cho việc phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát ô nhiễm môi trường do nước thải; Tổ chức thực hiện các giải pháp, phương án công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải.
Số thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải qua các năm
Đơn vị tính: Tỷ đồng
STT |
Phí bảo vệ môi trường |
Năm 2015 |
Năm 2016 |
Năm 2017 |
1 |
Nước thải sinh hoạt |
1.016,8 |
1.216,1 |
2.016,9 |
2 |
Nước thải công nghiệp |
65,3 |
71,4 |
85,5 |
|
Tổng cộng |
1.082,1 |
1.287,5 |
2.102,4 |
Quy định thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải góp phần thay đổi hành vi, nhận thức, nâng cao ý thức của tổ chức, cá nhân về bảo vệ môi trường đối với nước thải; Góp phần quan trọng bổ sung nguồn thu ngân sách cho địa phương; Khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ xử lý chất lượng nước thải, đảm bảo tiêu chuẩn xả thải trước khi xả thải ra môi trường; Từ đó kiểm soát nguồn nước thải xả ra môi trường, hạn chế ô nhiễm môi trường và giữ gìn môi trường trong sạch hơn, cuộc sống của người dân được đảm bảo an toàn, vệ sinh trong sinh hoạt và đời sống.
Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản
Theo Điều 8 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản (không kể dầu thô và khí thiên nhiên, khí than) là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo Luật bảo vệ môi trường và Luật ngân sách nhà nước.
Phí bảo vệ môi trường đối với dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường theo quy định của Luật bảo vệ môi trường và Luật ngân sách nhà nước.
Căn cứ các quy định nêu trên, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, không kể dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%; Phí bảo vệ môi trường đối với dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%.
Số thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản qua các năm
Đơn vị tính: Tỷ đồng
Phí BVMT |
Năm 2015 |
Năm 2016 |
Năm 2017 |
Số thu phí BVMT đối với khai thác khoáng sản |
1.923,6 |
2.188,6 |
2.452,9 |
(Số thu không bao gồm thu phí BVMT đối với dầu thô và khí thiên nhiên)
Khai thác khoáng sản có tác động lớn, ảnh hướng xấu đối với môi trường xung quanh. Việc khai thác khoáng sản có the làm phá vố cấu trúc địa chất và cảnh quan, tạo ra các bãi thải hoặc hồ chứa với diện tích lớn. Các tác động môi trường vẫn có thể tiếp diễn sau khi kết thúc hoạt động khai thác. Cộng đồng địa phương là đối tượng chịu ảnh hưởng do tác động môi trường, đặc biệt về các vấn đề như chất lượng môi trường sống, sinh kế và sức khỏe.
Chính vì vậy, việc quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tại Nghị định số 164/2016/NĐ-CP được quy định rõ để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường nhằm phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu, khắc phục suy thoái, ô nhiễm môỉ trường.