Phía sau chuyện "đốt tiền" giành thị phần mảng giao đồ ăn

Theo Thế Vinh/vnbusiness.vn

Sức cạnh tranh ở mảng giao đồ ăn trực tuyến ở Việt Nam ngày càng trở nên khắc nghiệt khi một số công ty hàng đầu được cho là đang “đốt tiền” để giành thị phần. Nhưng, để bứt phá khỏi cuộc chạy đua tiêu hao tài chính và không bị đào thải, các doanh nghiệp ngành này cần hướng đến mô hình kinh doanh bền vững hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sau vụ việc nhiều tài xế của NowFood trong tháng 4 này ở Hà Nội lẫn TP. Hồ Chí Minh kêu gọi tẩy chay vì chính sách ghép đơn làm ảnh hưởng đến tài xế và khách hàng, giới truyền thông bỗng quan tâm hơn đến tình hình tài chính ở thương hiệu hàng đầu trong mảng giao đồ ăn trực tuyến này.

Lỗ thật hay lỗ giả?

Một số thông tin cho thấy, chủ sở hữu ứng dụng NowFood là CTCP Foody (hiện có vốn nước ngoài chiếm đến 99%) dù có doanh thu cao nhưng lại lỗ nặng trong vài năm trở lại đây (giai đoạn 2016 - 2019), với ước tính mỗi ngày lỗ khoảng 1,8 tỷ đồng.

Tuy vậy, nhiều ý kiến vẫn tỏ ra nghi ngờ về tình hình lỗ lãi của doanh nghiệp (DN) nêu trên. Bởi lẽ, tại sao họ lỗ nhiều năm mà vẫn tồn tại được, thị phần lại phình ra, không biết là lỗ thật hay lỗ giả, tại sao lỗ nhiều mà còn tiếp tục làm, và thực chất hoạt động có mục tiêu nào để họ lãi sau thuế không ?...

Trong khi đó, một số cuộc khảo sát thị trường gần đây đã thể hiện thương hiệu này là một trong hai thương hiệu đang chiếm thị phần cao nhất và phổ biến nhất trong mảng giao đồ ăn trực tuyến Việt Nam hiện nay. 

So kè không kém gì NowFood về mặt thị phần chính là GrabFood và được đánh giá là nhỉnh hơn một chút ở lượng người sử dụng ứng dụng (App) nhiều nhất. Vậy nhưng, chủ sở hữu của họ là Grab vài năm trước cũng thường xuyên báo lỗ lớn. 

Đứng xếp sau hai thương hiệu nêu trên trong mảng giao đồ ăn trực tuyến ở Việt Nam phải kể đến Baemin, GoFood, Loship. Và câu chuyện “đốt tiền” để giành thị phần đã không trừ bất cứ tên tuổi nào.

Như Baemin (có công ty mẹ là Woowa Brothers, điều hành ứng dụng giao đồ ăn số một ở Hàn Quốc) chỉ trong một năm hoạt động ở Việt Nam (từ tháng 6/2019) đã lỗ gần 570 tỷ đồng khi họ sốt sắng trong cuộc chiến giành thị phần, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, dù cho các con số báo lỗ có thể còn được trải dài ra nhưng dư luận vẫn nửa tin nửa ngờ. Nếu lỗ thật thì đó là cuộc chiến “đốt tiền” để ép sân, tranh giành thị phần, nếu DN nào cạnh tranh kém thì phải xem lại mình, còn một khi có chuyện lãi thật nhưng lỗ giả thì cơ quan quản lý cũng cần phải làm rõ.

Nhất là khi dư địa của thị trường giao hàng đồ ăn trực tuyến còn khá lớn. Theo công ty nghiên cứu thị trường Q&Me thì một trong những yếu tố chính khiến dịch vụ đặt xe và giao hàng trực tuyến trở nên phổ biến ở Việt Nam là chi phí nhân công.

Gánh nặng chi phí cho hoạt động giao hàng đồ ăn này ở Việt Nam nhỏ hơn nhiều so với các nước phát triển, giúp giảm thiểu gánh nặng chi phí bổ sung cho người sử dụng. Nền tảng này cũng cung cấp các dòng doanh thu cho nhiều người lao động.

Cần kinh doanh bền vững

Vậy nhưng, dòng doanh thu của người lao động trong các thương hiệu giao đồ ăn lại đang có xu hướng giảm khi có quá nhiều người tham gia vào công việc này. Bức xúc trong giới tài xế cũng tăng lên khi nhiều thương hiệu áp dụng chính sách ghép đơn trong giao hàng. 

Điển hình như phản ánh gần đây của tài xế NowFood là bị ép phải nhận đơn ghép từ 2 quán, nếu không sẽ bị trừ hiệu suất và mất thưởng ngày. Nếu khách hàng không nhận đồ do đợi quá lâu, buộc tài xế phải ôm đơn, chịu tiền nếu không thực hiện đúng quy trình xử lý đơn rủi ro.

Giới chuyên gia cho rằng đại dịch Covid-19 đem đến nhiều cơ hội để các DN mảng giao thức ăn bứt phá trong ngắn hạn. Dù có lỗ thật hay lỗ giả thì một số thương hiệu đã khai thác triệt để ảnh hưởng của đại dịch để gia tăng nhận diện cho DN mình.

Điều đáng nói, xét về lâu dài thì các DN trong mảng giao đồ ăn cần hướng đến mô hình kinh doanh bền vững, tuân thủ các quy định pháp lý, không chèn ép người lao động và đáp ứng đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng. Họ cần phát triển hệ sinh thái đem lại giá trị gia tăng lớn hơn, có khả năng thu hút và khiến người dùng sẵn sàng trả tiền cho các dịch vụ sử dụng.

Nhất là hiện nay, nhu cầu sử dụng dịch vụ giao thức ăn ngày càng cao ở Việt Nam, vì ngày càng có nhiều chuỗi cửa hàng hơn, cũng như sự gia tăng của một số nhà cung cấp dịch vụ giao thức ăn lớn làm gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ hơn.

Theo Q&Me thì dịch Covid-19 đã thúc đẩy việc sử dụng trực tuyến trong lĩnh vực thực phẩm đồ uống. Các hành vi ở nhà và những lợi ích của sự kết hợp đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

Về phía người tiêu dùng, điều mong muốn của họ là các DN mảng giao đồ ăn cần cải thiện thời gian giao hàng nhanh hơn và đảm bảo hơn, giá thành rẻ hơn vì không cần dùng không gian nhà hàng.

Đây là điều mà các thương hiệu giao đồ ăn cần chú trọng nếu muốn nhanh chóng mở rộng mạng lưới đối tác để cung cấp ngày càng nhiều lựa chọn cho khách hàng. 

Để cạnh tranh thành công trong mảng giao thức ăn khi người tiêu dùng có nhiều lựa chọn như hiện nay, giới chuyên gia có lời khuyên là các thương hiệu không thể chỉ tập trung vào tăng trưởng mà cần phải chú trọng vào cơ sở hạ tầng.

Và các DN hàng đầu tại Việt Nam cũng đang chạy đua nước rút để cải thiện tốc độ giao đồ ăn bằng nhiều chiến lược khác nhau về cơ sở hạ tầng giao hàng. Nếu nhà cung cấp dịch vụ nào không đáp ứng được những nhu cầu này thì chuyện bị đào thải sẽ khó tránh khỏi.