Phiên họp Thống đốc các nền kinh tế mới nổi BIS tháng 9 năm 2021

Theo thitruongtaichinhtiente.vn

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) vừa tổ chức phiên họp trực tuyến Thống đốc các nền kinh tế mới nổi (EME) để bàn về thách thức, triển vọng của khu vực doanh nghiệp tại các EME sau đại dịch COVID-19. Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đại diện Ngân hàng Nhà nước tham dự phiên họp.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đại diện Ngân hàng Nhà nước tham dự phiên họp
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đại diện Ngân hàng Nhà nước tham dự phiên họp

Phiên họp có sự tham dự của Thống đốc, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Quản lý Tiền tệ hội viên BIS tới từ 22 nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới.

Phiên họp thảo luận về: (i) ảnh hưởng của việc rút các chính sách hỗ trợ tài khóa, bình thường hóa chính sách tiền tệ và thắt chặt điều kiện tài chính toàn cầu tới khu vực doanh nghiệp các EME và tác động truyền dẫn tới khu vực ngân hàng; và (ii) tác động của các rủi ro, thách thức liên quan tới biến đổi khí hậu tới các doanh nghiệp tại các EME.

Các đại biểu nhất trí cho rằng việc rút các chính sách hỗ trợ, nâng lãi suất cũng như điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt sẽ có tác động không nhỏ tới sự lành mạnh của khu vực doanh nghiệp, khiến triển vọng của khu vực này gặp nhiều bất ổn, đặc biệt là tại các EME. Điều này càng trở nên cấp thiết khi khu vực doanh nghiệp các EME đã tích tụ những bất ổn cho đến trước khi nổ ra đại dịch COVID-19.

Số liệu của BIS cho thấy giai đoạn 2010 – 2019, tại các EME, tỷ lệ nợ của khu vực doanh nghiệp tăng từ 6% GDP lên mức 19% GDP. Tốc độ tăng nợ ròng cao hơn tốc độ tăng doanh thu; và tỷ trọng doanh nghiệp có rủi ro vỡ nợ cao tại các EME cũng tăng kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, từ 7,5% trong năm 2011 lên mức 12% trong năm 2019.

Những bất ổn trong khu vực doanh nghiệp có thể tạo ra tác động tiêu cực lên hệ thống ngân hàng. Các đại biểu đánh giá nợ xấu của các ngân hàng tại các EME có thể tăng trong năm 2022. BIS đánh giá khoảng 10% các ngân hàng lớn tại các EME không thể duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu khi hấp thụ khoản lỗ. Trong khi đó, đại dịch có thể khiến các khoản lỗ ngoài dự kiến tăng cao so với lỗ dự kiến.

Trong khu vực ngân hàng, các ngân hàng yếu kém đặc biệt dễ bị tác động trước những biến động trong khu vực doanh nghiệp do các ngân hàng này có xu hướng cho vay các doanh nghiệp yếu kém nhiều hơn trong khi hỗ trợ tài khóa dành cho các ngân hàng yếu kém bị hạn chế do tình trạng thâm hụt tài khóa cho đến trước đại dịch COVID-19 giới hạn khả năng cung cấp các gói hỗ trợ của chính phủ.

Ngoài ra, các đại biểu đánh giá việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu có thể tác động tới dòng tín dụng cho các doanh nghiệp tại các EME. Điều kiện tài chính thắt chặt và đồng USD tăng giá có thể khiến các ngân hàng nước ngoài cắt giảm tín dụng cho doanh nghiệp các nước EME; đồng thời, việc huy động vốn trên thị trường quốc tế của các doanh nghiệp trên thị trường quốc tế gặp khó khăn.

Cùng với đó, phí rủi ro trong nước tăng và các điều kiện tài chính đối với doanh nghiệp các EME trở nên ngặt nghèo hơn, ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận nguồn tài trợ của các doanh nghiệp.

Về những thách thức, rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu, các đại biểu cho rằng đây là những thách thức trong trung hạn đối với doanh nghiệp tại các EME. Những doanh nghiệp phát thải nhiều khí các-bon sẽ phải đối mặt với rủi ro truyền dẫn gia tăng do những thay đổi trong mô thức đầu tư, tiêu dùng, như yêu cầu đảm bảo các yếu tố “xanh”, tác động tới lợi nhuận, buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh.

Hiện tại, các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu đã được tích hợp trong khuôn khổ thanh tra giám sát tại một số EME như Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE). Ngân hàng Trung ương một số EME như Brazil có quy định, tiêu chí cụ thể đối với yếu tố “xanh” trong việc quản lý hoạt động cho vay của các ngân hàng.

Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế như S&P cũng tích hợp các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu trong phương pháp luận xếp hạng tín nhiệm. Những diễn biến này có thể buộc các ngân hàng phải xem xét kỹ lưỡng trước khi cho vay.

Trước những thách thức, bất ổn đối với khu vực doanh nghiệp các EME, các đại biểu cho rằng không nên rút ngay mà nên rút dần các chính sách hỗ trợ nhằm đảm bảo doanh nghiệp và ngân hàng có thời gian thích ứng, tránh bị tác động đột ngột; và cơ quan quản lý cũng có điều kiện tốt hơn để đánh giá tác động của việc rút các chính sách hỗ trợ và thực hiện những điều chỉnh khi cần thiết.

Cùng với đó, cần giảm thiểu tác động lây lan từ khu vực doanh nghiệp sang khu vực ngân hàng; Ngân hàng Trung ương và cơ quan quản lý, thanh tra giám sát hệ thống tài chính cần thận trọng trong việc cân nhắc thời điểm siết chặt lại các quy định an toàn đối với khu vực ngân hàng vốn được nới lỏng để thúc đẩy cho vay.

Cuối cùng để ứng phó với các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu, hầu hết các đại biểu cho rằng Ngân hàng Trung ương có vai trò không thể thiếu, đồng thời có thể cân nhắc áp dụng một số giải pháp như nâng cao hiểu biết của doanh nghiệp và ngân hàng, tích hợp các kịch bản khí hậu trong các bài kiểm tra khả năng chống đỡ như đang được triển khai tại Nam Phi.