Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 7


Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (AFMGM) lần thứ 7 đã thành công tốt đẹp. Với sự nhất trí cao, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW đã thống nhất thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị. Tạp chí Tài chính trân trọng đăng tải toàn văn Tuyên bố chung.

Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế II Bruinei và Giám đốc điều hành Cơ quan tiền tệ Brunei chủ trì Hội nghị AFMGM lần thứ 7.
Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế II Bruinei và Giám đốc điều hành Cơ quan tiền tệ Brunei chủ trì Hội nghị AFMGM lần thứ 7.

1. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (AFMGM) lần thứ 7 đã diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Ngài Dato Mohd Amin Liew Abdullah, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế II của Brunei Darussalam và bà Hajah Rokiah binti Haji Badar, Giám đốc điều hành Cơ quan tiền tệ Brunei Darussalam. Cuộc họp được tổ chức dưới hình thức trực tuyến do ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19.

Chủ đề ưu tiên của Chủ trì ASEAN 2021

2. Chúng tôi hoan nghênh chủ đề “Chúng tôi quan tâm, Chúng tôi chuẩn bị, Chúng tôi thịnh vượng” của Brunei Darussalam cho năm Chủ tịch ASEAN 2021. Chúng tôi tán thành chủ đề này đã tập trung vào các Mục tiêu Kinh tế Ưu tiên (PED) dựa trên 3 động lực chiến lược là phục hồi, số hóa và tính bền vững, trong đó nhấn mạnh vào những nỗ lực nhằm phục hồi kinh tế của ASEAN, cũng như tăng trưởng kinh tế dài hạn, bằng cách áp dụng số hóa một cách bền vững.

Phiên họp đặc biệt với các Tổ chức Tài chính Quốc tế

3. Chúng tôi đã thảo luận với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB), Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN +3 (AMRO), Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về triển vọng kinh tế khu vực và toàn cầu, những rủi ro, cơ hội và thách thức chính sách trong bối cảnh những bất ổn do đại dịch Covid-19 hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng ổn định, bền vững và bao trùm trong khu vực.

Tình hình kinh tế và những thách thức chính sách

4. Chúng tôi ghi nhận tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 vào năm 2020 đã thu hẹp các hoạt động kinh tế của ASEAN và ảnh hưởng đến việc di chuyển của mọi người. Trong khi cuộc sống vẫn chưa trở lại bình thường sau hơn một năm kể từ trường hợp Covid-19 đầu tiên được báo cáo ở ASEAN, những tín hiệu phục hồi đang bắt đầu xuất hiện. Tăng trưởng kinh tế ASEAN được dự báo sẽ tăng 5,2% vào năm 2021.

5. Chúng tôi ghi nhận một loạt các biện pháp chính sách mà các nước ASEAN đã triển khai để giảm thiểu tác động lớn của đại dịch Covid-19, bao gồm các giải pháp chính sách tài khóa và tiền tệ nhanh chóng và mạnh mẽ đã hỗ trợ tốt cho các nền kinh tế ASEAN và giúp ổn định tài chính. Chúng tôi cũng ghi nhận các gói hỗ trợ kinh tế của các nước thành viên thông qua các phương thức điện tử cũng đã giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ASEAN.

6. Chúng tôi vui mừng ghi nhận việc thông qua Khung khổ Phục hồi Toàn diện ASEAN (ACRF), trong đó có các biện pháp ứng phó của khu vực qua các giai đoạn phục hồi khác nhau. Với tầm quan trọng của một giải pháp ứng phó toàn khu vực nhằm kiểm soát tác động của đại dịch Covid-19, việc thông qua ACRF là một bước quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu cuối cùng của ASEAN là tăng cường khả năng bền vững dài hạn.

7. Chúng tôi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với AMRO nhằm tăng cường khả năng giám sát kinh tế đối với những rủi ro mà khu vực phải đối mặt, trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và các biến thể Covid mới đang phát sinh.

Hội nhập và tự do hóa tài chính

8. Chúng tôi hoan nghênh Ủy ban Công tác về Tự do hóa Dịch vụ Tài chính (WC-FSL) đã hoàn thành kế hoạch chuyển đổi sang các Biện pháp không tương thích (NCMs) trong biểu cam kết thương mại dịch vụ thuộc Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA) theo các mốc thời gian đã thống nhất và gia hạn thêm hai năm trong ATISA đối với ba nhóm, bao gồm ASEAN 6; Việt Nam; và Campuchia, CHDCND Lào và Myanmar.

9. Chúng tôi vui mừng trước những bước tiến đạt được trong tự do hóa dịch vụ tài chính với việc kết thúc đàm phán Gói cam kết dịch vụ tài chính thứ 9 trong khuôn khổ Hiệp định khung về dịch vụ ASEAN (AFAS) để đảm bảo các cam kết quan trọng và có ý nghĩa hơn trong gói dịch vụ tài chính cuối cùng trước khi chuyển sang ATISA. Chúng tôi mong đợi việc ký kết Nghị định thư thứ 9 trong năm nay. 

10.  Chúng tôi ghi nhận tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác với các đối tác quan trọng trong khu vực và hoan nghênh những bước tiến trong thảo luận về nâng cấp Hiệp định Thành lập Khu vực Thương mại Tự do ASEAN-Australia-New Zealand, để đảm bảo cách tiếp cận có tính gắn kết và toàn diện hơn ở cấp độ khu vực theo hướng thúc đẩy và tiêu dùng dịch vụ, từ đó củng cố cấu trúc kinh tế khu vực.

11.  Chúng tôi ghi nhận những nỗ lực không ngừng của Ủy ban Công tác về Khung khổ Hội nhập Ngân hàng ASEAN (WC-ABIF) trong việc xây dựng thêm Khung khổ Hội nhập Ngân hàng (ABIF) và một thỏa thuận giám sát vào năm 2022, và cũng hoan nghênh kế hoạch triển khai nghiên cứu về bối cảnh tài chính của ASEAN trong kỷ nguyên kỹ thuật số để mở đường cho các hành động chiến lược hướng tới hội nhập ngân hàng nội khối và chuẩn bị cho việc rà soát tổng thể các Hướng dẫn ABIF.

Tạo thuận lợi cho Thương mại và Đầu tư

12.  Chúng tôi tái khẳng định cam kết tự do hơn nữa luân chuyển vốn bằng cách loại bỏ dần các hạn chế, thường xuyên giám sát và đối thoại chính sách về tài khoản vốn, đồng thời tăng cường xây dựng năng lực. Chúng tôi hoan nghênh Ủy ban công tác về tự do hóa tài khoản vốn (WC - CAL) trong quá trình thực hiện các mục tiêu, bao gồm những cải tiến trong Bản đánh giá CAL bằng cách xem xét những tiến bộ liên quan đối với tài chính bền vững.

Ngoài ra, chúng tôi hoan nghênh việc hoàn thành Báo cáo chính sách về các biện pháp phòng vệ tài khoản vốn ASEAN: Kinh nghiệm hiện nay, nhằm hỗ trợ các cơ quan chức năng ASEAN tìm ra cách thức kết hợp các biện pháp quản lý kinh tế vĩ mô, tài chính và dòng vốn trong từng trường hợp để hỗ trợ ổn định tài chính, và cung cấp những thông tin và hướng dẫn cho các tổ chức tài chính quốc tế trong việc hoàn thiện các Khung chính sách liên kết.

13. Chúng tôi ghi nhận những bước tiến quan trọng trong hợp tác thuế xuyên biên giới và hoan nghênh Diễn đàn thuế ASEAN (AFT) đã hoàn thành quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt cho Cơ sở dữ liệu thuế tiêu thụ đặc biệt ASEAN, đặc biệt là đối với các sản phẩm rượu. Để nâng cao khả năng cạnh tranh khu vực và tăng cường quản lý hiệu quả đối với các giao dịch xuyên biên giới trong ASEAN thông qua Giấy chứng nhận cư trú được tiêu chuẩn hóa (CoR), chúng tôi ghi nhận đề xuất phát triển Nền tảng trực tuyến tập trung để hỗ trợ giải quyết các yêu cầu về quyền lợi thuế theo hiệp định thuế giữa các nước ASEAN.

Chúng tôi cũng ghi nhận tiến độ của Nghiên cứu thuế khấu trừ tại nguồn ASEAN để áp dụng các thông lệ khuyến nghị tốt nhất, đặc biệt là việc giúp người nộp thuế ở ASEAN có thể tiếp cận thông tin và tài liệu của cơ quan thuế. Chúng tôi hi vọng AFT thảo luận thêm và xây dựng Kế hoạch hành động về các khuyến nghị khác về Nghiên cứu thuế khấu trừ tại nguồn ASEAN. Chúng tôi cũng khuyến khích AFT tiếp tục cải thiện mạng lưới hiệp ước thuế song phương giữa các nước ASEAN, theo Kế hoạch Hành động Chiến lược 2016 - 2025 về hợp tác thuế ASEAN. 

14. Chúng tôi hoan nghênh những tiến bộ trong hợp tác hải quan, bao gồm (i) triển khai trực tiếp đầy đủ Hệ thống Quá cảnh Hải quan ASEAN (ACTS) giữa các nước thành viên tham gia (PMC) như Campuchia, Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam vào tháng 11 năm 2020; (ii) thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về Nhà điều hành kinh tế ủy quyền (AEO) ASEAN (AAMRA) theo cách tiếp cận mới; (iii) các hoạt động tiếp tục triển khai của Nhóm Nghiên cứu Khả thi ASEAN nhằm nghiên cứu đơn giản hóa Thủ tục Hải quan cho các lô hàng giá trị thấp theo cách tiếp cận mới; và (iv) Tăng cường hội nhập kinh tế giữa ASEAN với các đối tác đối thoại bằng cách nghiên cứu khả năng trao đổi điện tử các tài liệu thương mại.

Kết nối tài chính, thanh toán và dịch vụ

15.  Nhận thấy tầm quan trọng của việc thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho các liên kết thanh toán khu vực để tạo thuận lợi thương mại, kinh doanh và hòa nhập tài chính, chúng tôi hoan nghênh các nỗ lực của Ủy ban Công tác về Hệ thống Thanh toán (WC-PSS) trong việc cập nhật Phụ lục về Trường hợp Sử dụng các Hướng dẫn Thực thi Chính sách của Khung khổ Chính sách Thanh toán ASEAN.

Việc bổ sung các trường hợp áp dụng trực tiếp sẽ giúp các nước ASEAN tham khảo hoặc điều chỉnh khi triển khai Thanh toán Bán lẻ Thời gian thực qua biên giới (RT-RPS) trong tương lai. Chúng tôi cũng mong đợi kết nối hệ thống Thanh toán Bán lẻ Thời gian thực (RT-RPS) qua biên giới Singapore-Thái Lan sẽ đưa vào hoạt động trực tiếp trong nửa đầu năm 2021.  

Tài trợ cơ sở hạ tầng

16.  Chúng tôi khẳng định cam kết đẩy nhanh phát triển và tài trợ cơ sở hạ tầng trong ASEAN thông qua việc huy động các nguồn tài chính mới. Theo đó, chúng tôi đánh giá cao sự phát triển của Công cụ tài chính xanh ASEAN (ACGF) như một nền tảng đối với Cơ sở hạ tầng Xanh ASEAN trong Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN (AIF) bằng cách tận dụng các nguồn lực AIF để đẩy nhanh các dự án xanh và gia tăng khả năng vay vốn ngân hàng. Chúng tôi cũng cam kết hỗ trợ triển khai Cơ chế Cơ sở hạ tầng Xanh toàn diện trong việc đóng góp vào việc khởi tạo và cơ cấu dự án, tài trợ, nâng cao kiến thức, tăng cường quan hệ đối tác và huy động vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng ASEAN.

17. Chúng tôi cũng hoan nghênh sáng kiến của Nhóm công tác Tài chính Cơ sở hạ tầng thuộc Ủy ban Công tác về Phát triển Thị trường Vốn (WC-CMD IFWG) đã cùng với AIF hỗ trợ triển khai cơ sở hạ tầng bền vững và phục hồi xanh trong khu vực, và hoan nghênh nỗ lực của Nhóm công tác WC-CMD IFWG về sáng kiến "Ưu tiên tài chính bền vững cho các dự án bền vững", và mong đợi các bên tăng cường hợp tác nhằm hỗ trợ cho tài trợ cơ sở hạ tầng bền vững.

Tài chính bền vững

18.  Chúng tôi hoan nghênh các sáng kiến đang được Diễn đàn thị trường vốn (ACMF), Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN (AIRM), Ủy ban công tác cấp cao (SLC) và Ủy ban Công tác về Phát triển Thị trường Vốn (WC-CMD) nhằm triển khai Hệ thống phân loại Tài chính Bền vững ASEAN. Hệ thống này sẽ là hướng dẫn tổng thể cho tất cả các nước ASEAN, hỗ trợ các sáng kiến bền vững quốc gia tương ứng và đóng vai trò là tiêu chuẩn chung của ASEAN về tài chính bền vững.

19. Chúng tôi tán thành việc thành lập Ban phân loại ASEAN để phát triển và duy trì hệ thống phân loại nhiều lớp, phù hợp với nhu cầu của ASEAN, cũng như kỳ vọng và mục tiêu của cộng đồng quốc tế. Chúng tôi tin rằng Hệ thống phân loại ASEAN đa lớp có tính toàn diện và sẽ có lợi cho tất cả nước thành viên, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi có trật tự, đáng tin cậy và hiệu quả của ASEAN hướng tới một nền kinh tế các-bon thấp. Chúng tôi mong đợi báo cáo về tiến độ về Hệ thống phân loại ASEAN vào cuối năm 2021.

20. Chúng tôi cũng ghi nhận tiến độ hợp tác chung giữa WC-CMD và ACMF trong việc thúc đẩy tài chính bền vững, bao gồm việc Thành lập Ban Tư vấn Chuyên ngành với sự tham gia của khu vực tư nhân. Sáng kiến này sẽ giúp WC-CMD và ACMF xây dựng một hệ thống tài trợ mạnh mẽ cho thị trường vốn. Chúng tôi cũng khuyến khích WC-CMD triển khai các khuyến nghị đã được nêu trong Báo cáo về Thúc đẩy Tài chính Bền vững ASEAN có tính đến sự phù hợp của các khuyến nghị đối với từng nước thành viên và thời gian biểu của từng nước, cũng như các mục tiêu khu vực.

21. Chúng tôi hoan nghênh Diễn đàn Thị trường vốn ASEAN (ACMF) tiếp tục nỗ lực triển khai các lĩnh vực trọng tâm ngắn hạn đến trung hạn theo Lộ trình Thị trường vốn bền vững ASEAN và sáng kiến của ACMF nhằm xây dựng các tiêu chuẩn trái phiếu liên kết bền vững ASEAN để tạo thuận lợi cho phát hành trái phiếu liên kết bền vững và bổ trợ cho các tiêu chuẩn ASEAN về tài trợ bền vững.

22. Chúng tôi cũng ghi nhận sự đóng góp của Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN (AIRM) trong việc chỉ đạo ngành Bảo hiểm hướng tới bảo hiểm bền vững, bao gồm việc hoàn thành việc tổng hợp sáng kiến của các thành viên AIRM về tính bền vững và các hoạt động xanh trong lĩnh vực bảo hiểm, và xây dựng kế hoạch về bảo hiểm bền vững.

23. Chúng tôi đánh giá cao cam kết liên tục và phản ứng đồng bộ của các ngân hàng trung ương ASEAN về phát triển tài chính bền vững. Về vấn đề này, chúng tôi ủng hộ sáng kiến về Các nguyên tắc ngân hàng bền vững của ASEAN với vai trò là các nguyên tắc định hướng giúp các ngân hàng trung ương ASEAN xây dựng hướng dẫn và công cụ ngân hàng bền vững hơn nữa phù hợp với bối cảnh của từng quốc gia. Chúng tôi tán thành việc thành lập Nhóm công tác  về Tài chính Bền vững trong SLC, phù hợp với các khuyến nghị của Báo cáo về Vai trò của các Ngân hàng Trung ương ASEAN trong Quản lý rủi ro liên quan đến khí hậu và môi trường đã công bố vào tháng 11 năm 2020, cũng như các nguyên tắc về Ngân hàng Bền vững ASEAN; đồng thời phối hợp với các nhóm công tác ASEAN liên quan và các cơ quan ban ngành khác về các vấn đề liên ngành để thúc đẩy các công việc ưu tiên mà Ủy ban công tác cấp cao (SLC) đã nhất trí.

Tài chính toàn diện

24. Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa tài chính toàn diện trong ASEAN để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế lấy con người làm trung tâm. Chúng tôi hài lòng với tiến độ của Ủy ban Công tác về Tài chính toàn diện (WC-FINC) trong việc hỗ trợ các chiến lược tài chính toàn diện quốc gia của các nước ASEAN. Các nước ASEAN hiện đang tiến hành tự đánh giá dựa trên Ghi chú Hướng dẫn xây dựng Khung Giám sát và Đánh giá (M&E) về Tài chính toàn diện.

Chúng tôi vui mừng khi biết rằng Ủy ban Công tác về Tài chính toàn diện đang trong giai đoạn cuối cùng hoàn thành Báo cáo chính sách về Giáo dục tài chính kỹ thuật số để tăng cường hiểu biết về các khái niệm, phối hợp, xây dựng và triển khai các sáng kiến về tài chính kỹ thuật số trong khu vực ASEAN. Chúng tôi hoan nghênh việc xuất bản 'Đo lường tiến độ 2020: Tài chính toàn diện ở một số nước ASEAN' là một báo cáo khu vực giúp theo dõi tiến trình tài chính toàn diện trong khu vực ASEAN.

25.  Chúng tôi vẫn kiên định với cam kết nâng cao mức độ thâm nhập bảo hiểm ASEAN bằng cách sử dụng các công nghệ kỹ thuật số như phát triển các khung khổ về tạo môi trường thuận lợi cho các ngành bảo hiểm ở ASEAN để áp dụng và đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số, từ đó giúp cải thiện hơn nữa tài chính toàn diện trong khu vực.

Tài trợ rủi ro thiên tai

26.  Chúng tôi hài lòng với tiến độ của Giai đoạn 2 của Chương trình Tài trợ và Bảo hiểm Rủi ro Thiên tai ASEAN (ADRFI) trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đặc biệt trong chuỗi hội thảo về rủi ro thiên tai, tài trợ và bảo hiểm (DRFI) trong bảo hiểm nông nghiệp được Ban Thư ký ASEAN và GIZ tổ chức, việc hoàn thiện mẫu Dữ liệu về tổn thất kinh tế (ELD) và Dữ liệu mức độ rủi ro kinh tế (EED) cho CHDCND Lào, Thái Lan và Việt Nam để đánh giá rủi ro, và hoàn thành bản tóm tắt rủi ro của sáu nước ASEAN. Chúng tôi cũng hoan nghênh việc tạo ra Nền tảng ADRFI-2 để hỗ trợ các nước ASEAN trong việc đánh giá và tư vấn rủi ro thiên tai.

An ninh mạng bền vững

27.  Chúng tôi hài lòng với việc triển khai toàn bộ Nền tảng An ninh mạng bền vững và Chia sẻ Thông tin (CRISP) có hiệu lực tại các nước thành viên đã đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) vào ngày 1 tháng 2 năm 2021 để chia sẻ thông tin về hoạt động của Mạng Công nghệ và Kỹ thuật số (DTN), qua đó cho phép trao đổi thông tin về việc chống lại các mối đe dọa an ninh mạng và triển khai hoạt động hợp tác giữa các Ngân hàng Trung ương ASEAN.

Đối thoại với các Hội đồng Tư vấn Kinh doanh

28.  Chúng tôi đánh giá cao việc thảo luận với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh EU-ASEAN và Hội đồng Tư vấn Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN về các vấn đề khu vực hiện nay. Chúng tôi kêu gọi các đối tác ủng hộ các nỗ lực của ASEAN thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực hướng tới tăng trưởng bền vững, ổn định và toàn diện.

29. Chúng tôi đánh giá cao hỗ trợ của Ban Thư ký ASEAN trong AFMGM lần thứ 7 và các Hội nghị liên quan.

30. Chúng tôi trân trọng cảm ơn Brunei Darussalam đã tổ chức AFMGM lần thứ 7 và các Hội nghị liên quan dưới hình thức trực tuyến trong giai đoạn đặc biệt này. Chúng tôi hoan nghênh Campuchia trong vai trò là Chủ tịch và Chủ trì AFMGM lần thứ 8 vào năm 2022.