Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 lần thứ 24
Trưa ngày 3/5/2021, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 lần thứ 24 dưới sự chủ trì của Brunei và Hàn Quốc đã thành công tốt đẹp và thông qua Tuyên bố chung với nhiều nội dung quan trọng. Tạp chí Tài chính trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung.
1. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 (AFMGM+3) được tổ chức vào ngày 3/5/2021 dưới sự đồng chủ trì của Ngài Dato Ahmaddin Abdul Rahman, Thứ trưởng Bộ Tài chính và Kinh tế Brunei Darussalam, Ngài Rokiah Badar, Giám đốc điều hành Ngân hàng Trung ương Brunei Darussalam, Ngài Nam-Ki Hong, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính của Hàn Quốc và Ngài Jyueol Lee, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc. Cuộc họp được tổ chức dưới hình thức trực tuyến trong những bối cảnh đặc biệt vì dịch Covid-19. Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), Tổng thư ký ASEAN, và Phó Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tham dự hội nghị.
2. Chúng tôi đã trao đổi quan điểm về sự phát triển gần đây và triển vọng cho nền kinh tế của thế giới và của khu vực, cũng như các chính sách ứng phó với những rủi ro và thách thức. Chúng tôi thừa nhận rằng hợp tác khu vực ASEAN+3 là rất quan trọng, là một phần của nỗ lực toàn cầu vượt qua đại dịch COVID-19 và chuẩn bị cho giai đoạn hậu đại dịch. Trong vấn đề này, chúng tôi đã nhất trí tiếp tục làm việc cùng nhau để tăng cường hợp tác tài chính khu vực thông qua các sáng kiến Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai (CMIM), AMRO, Sáng kiến Thị trường Trái phiếu Châu Á (ABMI) và Định hướng chiến lược của Tiến trình Tài chính ASEAN+3.
Sự phát triển kinh tế và tài chính thời gian gần đây trong khu vực
3. Khu vực ASEAN+3 đã phục hồi một cách đáng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát bất chấp những tác động khác nhau của dịch bệnh trong khu vực. Là nơi sinh sống của 30% dân số toàn cầu, khu vực chúng ta chỉ chứng kiến dưới 3% trong số 150 triệu ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu – một kết quả của việc triển khai quyết liệt và sáng suốt các biện pháp toàn diện và phòng ngừa có mục tiêu trong suốt năm vừa qua. Đồng thời, nhiều chính sách toàn diện nhằm hỗ trợ các hộ gia đình, doanh nghiệp và khu vực tài chính đã giúp tăng trưởng khu vực chỉ giảm 0,2% trong năm 2020, với 5 nền kinh tế ASEAN+3 tăng trưởng dương.
Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng sẽ được cải thiện trong năm 2021 nhờ động lực từ sự phục hồi và việc triển khai tiêm phòng vaccine cho phép việc mở cửa từ từ nền kinh tế của chúng ta, mặc dù sự hồi phục sẽ không đồng đều giữa các nước và phụ thuộc vào những yếu tố rủi ro, bao gồm cả việc lây lan các biến chủng mới của Covid-19 và mức độ tiêm chủng khác nhau ở mỗi nước.
4. Chúng tôi ghi nhận tầm quan trọng của những chính sách hỗ trợ trọng tâm và toàn diện trong việc vượt qua khủng hoảng kinh tế và sức khoẻ. Chúng tôi kỳ vọng việc triển khai vaccine đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh phục hồi kinh tế khu vực. Cùng với đó, chúng tôi vẫn cảnh giác đối với các rủi ro bất lợi và sử dụng tất cả các công cụ có sẵn để đảm bảo sự phục hồi toàn diện và bền vững cũng như duy trì sự ổn định tài chính. Chúng tôi sẽ điều chỉnh các biện pháp chính sách nới lỏng một cách chắc chắn và kỹ lưỡng trong khi giảm thiểu các rủi ro từ hiệu ứng “vách đá”.
5. Trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, chúng tôi đã quyết định tăng cường hơn nữa sự gắn kết cũng như chuỗi cung ứng khu vực nhằm củng cố sự đa dạng và tự cường của các nền kinh tế trong khu vực. Do đó, chúng tôi tiếp tục cam kết mạnh mẽ đối với một hệ thống thương mại và đầu tư đa phương và mở. Chúng tôi cũng hoan nghênh việc kí kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) như là một động lực mạnh mẽ cho đầu tư và thương mại khu vực, và chúng tôi kỳ vọng Hiệp định sẽ sớm có hiệu lực để đóng góp nhiều hơn cho hội nhập kinh tế khu vực.
Tăng cường hợp tác tài chính khu vực
Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai (CMIM)
6. Nhận thức sự phát triển cũng như các rủi ro trong kinh tế và tài chính khu vực thời gian qua, chúng tôi tái khẳng định cam kết củng cố hơn nữa Thỏa thuận CMIM như một cơ chế tự hỗ trợ hiệu quả và đáng tin cậy của khu vực, và là một phần quan trọng của Mạng lưới An toàn Tài chính Toàn cầu. Đối với vấn đề này, chúng tôi hoan nghênh việc Thỏa thuận CMIM sửa đổi có hiệu lực vào ngày 31 tháng 3 năm 2021, trong đó (i) tăng mức độ tiếp cận thanh khoản tài chính của khoản vay không gắn với IMF của các thành viên từ 30% lên 40%, và (ii) thể chế hóa việc đóng góp đồng nội tệ trong Thỏa thuận CMIM theo nguyên tắc tự nguyện và nhu cầu của các thành viên hỗ trợ và thành viên nhận hỗ trợ. Chúng tôi đề nghị các Thứ trưởng và Phó Thống đốc tiếp tục giải quyết các vấn đề còn tồn tại, bao gồm cả việc áp dụng lãi suất tham chiếu CMIM mới thay thế cho LIBOR vào cuối năm 2021, và xem xét biên độ lãi suât CMIM.
7. Chúng tôi ghi nhận tiến độ các cuộc thảo luận về việc sử dụng đồng nội tệ trong CMIM và sửa đổi Hướng dẫn hoạt động CMIM (OG). Chúng tôi tái khẳng định việc sử dụng nội tệ cho việc hỗ trợ thanh khoản CMIM nên theo nguyên tắc tự nguyện và theo nhu cầu cho cả bên yêu cầu và bên hỗ trợ. Trong thời gian tới, chúng tôi đề nghị các Thứ trưởng và Phó Thống đốc đẩy nhanh việc hoàn thiện Hướng dẫn hoạt động CMIM trong trường hợp có thành viên đóng góp bằng đồng tiền nội tệ của mình, đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc sử dụng đồng tiền của bên thứ ba trong năm 2021.Chúng tôi cũng đặt mục tiêu hoàn thành các quy định về sử dụng đồng tiền của bên thứ ban vào cuối năm 2022, trên cơ sở hoàn thiện Hướng dẫn hoạt động CMIM trong năm 2021.
8. Đại dịch Covid-19 và hậu quả kinh tế của nó đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Thỏa thuận CMIM như một cơ chế thiết yếu của mạng lưới an toàn tài chính khu vực. Về vấn đề này, chúng tôi ghi nhận danh sách các vấn đề ngắn, trung và dài hạn như một hướng dẫn trong việc tạo thuận lợi cho việc thảo thuận của các thành viên trong định hướng tương lai của CMIM. Đối với các vấn đề ngắn hạn, chúng tôi hoan nghênh việc áp dụng khung khổ Ma trận Rà soát tình hình kinh tế và Đối thoại chính sách (ERPD) để đánh giá các tiêu chí đủ điều kiện để tiếp cận khoản vay không gắn với IMF thuộc Công cụ ổn định CMIM thông qua Cơ quan ra quyết định điều hành (ELDMB) trong việc ra quyết định cuối cùng.
Trong thời gian tới, chúng tôi đề nghị các Thứ trưởng và Phó Thống đốc tiếp tục thảo luận về các vấn đề liên quan đến định hướng tương lai của CMIM, bao gồm cả các vấn đề dài hạn và các sáng kiến mới để giải quyết các điểm yếu về cơ cấu mà các nước thành viên đang phải đối mặt trong giai đoạn hậu đại dịch, nhằm tăng cường hơn nữa Mạng lưới an toàn tài chính khu vực ASEAN+3. Chúng tôi cũng đề nghị AMRO cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và nội dung cho các cuộc thảo luận của các thành viên.
9. Chúng tôi hoan nghênh việc hoàn thành Chương trình thử nghiệm CMIM lần thứ 11, việc thử nghiệm thành công đã giúp ích trong việc giải quyết các lỗ hổng quy trình trong chuyển tiền thực tế nhằm hỗ trợ thanh khoản Thỏa thuận CMIM. Trong thời gian tới, chúng tôi chắc chắn rằng Chương trình thử nghiệm CMIM lần thứ 12, với sự hỗ trợ của AMRO, sẽ đồng thời cải thiện sự chuẩn bị của các thành viên trong việc ra quyết định cho Chương trình hỗ trợ phòng ngừa khủng hoảng CMIM của Khoản vay không gắn với IMF.
Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO)
10. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập AMRO trong năm nay, chúng tôi ghi nhận những tiến bộ vượt bậc của AMRO kể từ ngày thành lập. Chúng tôi cũng ghi nhận sự hỗ trợ mạnh mẽ của AMRO dành cho các thành viên ASEAN+3 trong giai đoạn nhiều khó khăn vừa qua, thông qua việc cung cấp các phân tích và tư vấn chính sách kịp thời để đối phó với đại dịch Covid-19 và tạo thuận lợi cho việc triển khai CMIM, nhằm đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính trong khu vực.
11. Chúng tôi hoan nghênh cập nhật Kế hoạch triển khai trung hạn của AMRO (MTIP) giai đoạn 2021 - 2025 đã được các Thứ trưởng và Phó Thống đốc phê duyệt nhằm thích nghi tốt hơn tình hình thực tế mới của COVID-19. Chúng tôi tin rằng việc cập nhật MTIP sẽ giúp nâng cao hơn nữa năng lực thể chế và củng cố vài trò như là một “bác sĩ gia đình” có năng lực và đáng tin cậy cho tất cả thành viên ASEAN+3. Chúng tôi cũng ghi nhận việc triển khai Chu trình đánh giá tích hợp và hoàn thiện Khung đánh giá năng lực của AMRO nhằm đảm bảo các hoạt động có hiệu quả và tăng cường sự tin tưởng của các nước thành viên hướng tới một tổ chức hoạt động dựa trên kết quả.
12. Chúng tôi khen ngợi các nỗ lực không ngừng của AMRO trong việc nâng cao năng lực đánh giá kinh tế vĩ mô và cung cấp nhiều báo cáo giám sát và các công cụ phân tích có liên quan. Chúng tôi hoan nghênh việc rà soát Sổ tay hướng dẫn đối với công tác giám sát kinh tế vĩ mô thường niên của AMRO nhằm mở rộng và làm sâu sắc các nỗ lực giám sát kinh tế vĩ mô khu vực của tổ chức, và kỳ vọng AMRO sẽ hoàn thiện khung chính sách về các biện pháp quản lý dòng vốn (CFMs) và các biện pháp chính sách vĩ mô (MPMs) của mình nhằm thể hiện các yếu tố đặc trưng của từng thành viên và tầm nhìn của khu vực tại các diễn đàn thảo luận chính sách quốc tế.
Chúng tôi ghi nhận những nỗ lực của AMRO trong việc hỗ trợ các thành viên ASEAN+3 giúp đảm bảo sự sẵn sàng hoạt động của CMIM, và khuyến khích AMRO mở rộng hơn nữa phạm vi các chương trình hỗ trợ kĩ thuật của mình để hỗ trợ các thành viên trong việc nâng cao năng lực. Chúng tôi cũng mong muốn AMRO đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cho các thành viên ASEAN+3 nhằm cải thiện Tiến trình Tài chính ASEAN+3, bao gồm cả việc cung cấp thông tin và hỗ trợ kỹ thuật cho các cuộc thảo luận về các sáng kiến tương lai của ASEAN+3, tiếp tục cung cấp các nghiên cứu và tư vấn về các thách thức của các thành viên đang gặp phải trong giai đoạn hậu đại dịch.
13. Chúng tôi đánh giá cao đội ngũ lãnh đạo cấp cao của AMRO, được lãnh đạo bởi ông Doi Toshinori – Giám đốc AMRO, về sự lãnh đạo của họ trong việc tăng cường sự phát triển của AMRO. Chúng tôi tái khẳng định sự hỗ trợ liên tục cho AMRO để hoàn thành nhiệm vụ của mình như là một tổ chức quốc tế độc lập, tin cậy và chuyên nghiệp với tư cách là một cố vấn đang tin cậy cho các thành viên ASEAN+3.
Sáng kiến thị trường trái phiếu Châu Á (ABMI)
14. Chúng tôi ghi nhận tiến trình đang diễn ra của ABMI trong Định hướng trung hạn ABMI giai đoạn 2019 – 2022 tập trung vào hỗ trợ tài chính cho cơ sở hạ tầng thúc đẩy trái phiếu xanh và trái phiếu thuộc Khung phát hành trái phiếu đa tiền tệ ASEAN+3 (AMBIF), thúc đẩy tiêu chuẩn hóa và sự hài hòa của các quy tắc có liên quan đến thị trường trái phiếu; cải thiện cơ sở hạ tầng của thị trường trái phiếu nhằm tạo thuận lợi cho các giao dịch xuyên biên giới, và tăng cường hợp tác giữa các sáng kiến trong khu vực.
15. Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực bền bỉ của Quỹ Bảo lãnh tín dụng đầu tư (CGIF) trong việc thúc đẩy phát hành trái phiếu bằng nội tệ dù cho những điều kiện khó khăn trong đại dịch. Chúng tôi sẽ hỗ trợ phát triển các trái phiếu xanh, xã hội và bền vững trong khu vực nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính bền vững tăng cao sau đại dịch. Chúng tôi hoan nghênh những cải thiện của AsianBondsOnline (ABO) và sự phát triển bền vững đối với hội nhập thị trường cũng như khởi động một nghiên cứu mới về vấn đề “mất cân đối kép” trong khu vực và lộ trình sắp tới trong khuôn khổ Diễn đàn Thị trường trái phiếu ASEAN+3.
Chúng tôi hoan nghênh việc khởi động sáng kiến kết nối giao hàng - thanh toán (DvP) xuyên biên giới do Cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Công và Ngân hàng Nhật Bản phối hợp triển khai trong khuôn khổ Diễn đàn Cơ sở hạ tầng thanh toán qua biên giới (CSIF). Chúng tôi ghi nhận tiến trình của Diễn đàn Tài sản thế chấp Châu Á (APCF), nhằm thúc đẩy việc sử dụng tài sản thế chấp trong khu vực ASEAN+3. Chúng tôi mong đợi những chương trình hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực cho các nước thành viên do Nhóm Điều phối Hỗ trợ Kỹ thuật (TACT) thực hiện.
Hợp tác tài chính ASEAN+3 trong tài trợ và bảo hiểm rủi ro thiên tai
16. Chúng tôi tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của Công cụ tài trợ rủi ro thiên tai Đông Nam Á (SEADRIF) nhằm tăng cường khả năng phục hồi tài chính của các nước thành viên ASEAN chống lại các rủi ro thiên tai và khí hậu, với sự hỗ trợ của Ban Thư ký ASEAN và Ngân hàng Thế giới. Chúng tôi hoan nghênh quá trình nhằm tiến tới việc vận hành nhóm bảo hiểm rủi ro thiên tai dành cho CHDCND Lào và My-an-ma và việc thành lập nhóm công tác kỹ thuật về Chương trình Bảo vệ Tài sản công nhằm mở rộng phạm vi bảo hiểm sang các nước thành viên ASEAN khác. Chúng tôi chào mừng tất cả các nước thành viên ASEAN+3 khác tham gia SEADRIF và khuyến khích các đối tác tài trợ ngoài khu vực ASEAN+3 ủng hộ sáng kiến này.
Định hướng chiến lược của Tiến trình Tài chính ASEAN+3
17. Chúng tôi ghi nhận tiến trình thảo luận tại “Định hướng Chiến lược Tiến trình Tài chính ASEAN+3” và chúng tôi hoan nghênh việc thành lập bốn nhóm công tác (WGs) bao gồm “Tài chính Cơ sở hạ tầng (WG1)”, “Các công cụ cơ cấu vĩ mô (WG2)”, “Củng cố bền vững tài chính ứng phó rủi ro thiên tai (WG3)” và “Tăng cường phối hợp chính sách đối với sự tiến bộ công nghệ (WG4)”. Chúng tôi kỳ vọng các hoạt động hiệu quả của các nhóm công tác sẽ mở ra tiềm năng trong việc triển khai các sáng kiến mới.
18. Chúng tôi ghi nhận sự cải thiện hiệu quả thảo luận theo chủ đề trong phiên họp ERPD đã đem lại nhiều cơ hội để tập trung sức mạnh tư duy của các thành viên khu vực nhằm giải quyết các thách thức đang nổi lên, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi cơ cấu, theo một cách tích cực. Chúng tôi ghi nhận sự hỗ trợ của AMRO trong việc thành lập Kho lưu trữ trực tuyến Tiến trình Tài chính ASEAN+3 và chúng tôi trông đợi vào sự kiện ra mắt chính thức và triển khai hoạt động một cách thông suốt trong tương lai. Chúng tôi khuyến khích các Thứ trưởng và Phó Thống đốc tiếp tục cải thiện hiệu quả của tiến trình tài chính ASEAN+3.
Kết luận
19. Chúng tôi bày tỏ sự trân trọng đối với Chính phủ Bru-nây và Hàn Quốc vì công tác tổ chức tuyệt vời với tư cách là Đồng chủ trì của Tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN +3 trong năm 2021. Chúng tôi mong đợi hội nghị sắp tới tại Colombo, Sri Lanka vào năm 2022. Campuchia và Trung Quốc sẽ là Đồng chủ tịch của Tiến trình các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 vào năm 2022.