Phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố: Nhiều nỗ lực trong hành động

PV.

(Tài chính) “Kiên quyết, mạnh tay với tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố…” là cam kết và hành động của Việt Nam trong những năm qua. Với sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các cấp, các ngành với nòng cốt là ngành An ninh và Ngân hàng, hoạt động phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Hành động thiết thực

Với quyết tâm chính trị và nỗ lực thực hiện Kế hoạch hành động mà Chính phủ Việt Nam cam kết với Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF), đưa đưa Việt Nam ra khỏi quy trình rà soát của FATF sau gần 4 năm nằm trong quy trình rà soát của tổ chức này. Những hành đồng thiết thực của Việt Nam trong việc thiết lập và hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế quản lý dòng tiền từ các ngân hàng, các tổ chức tài chính đã được ghi nhận. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, tác động tích cực đối với các vấn đề chính trị, xã hội và đặc biệt là sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Mặc dù đã ra khỏi danh sách các nước nằm trong quy trình rà soát của FATF, nhưng không vì thế những nỗ lực của Việt Nam dừng lại. Việt Nam vẫn tiếp tục kiểm soát tốt và thực hiện đúng theo những cam kết và quy định trong hoạt động phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định pháp luật nhằm phòng, chống tội phạm rửa tiền, đặc biệt là tội phạm rửa tiền thông qua hệ thống ngân hàng như quy định mức giá trị giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo. Hay như quy định về việc mang vàng của cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh: cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu mang theo vàng trang sức, mỹ nghệ có tổng khối lượng từ 300g trở lên phải khai báo với cơ quan Hải quan.

Trong lĩnh vực ngân hàng, công tác phòng, chống khủng bố, tài trợ khủng bố cũng được đẩy lên cao, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hầu hết các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và một số tổ chức tín dụng đã xây dựng quy định, phương án cụ thể về phòng, chống khủng bố và xử lý các tình huống liên quan tại đơn vị. Ngành Ngân hàng đã tiến hành điều tra, xác minh một số đối tượng có giao dịch qua hệ thống ngân hàng nghi tài trợ cho khủng bố; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định liên quan đến phòng, chống khủng bố, tài trợ khủng bố…

Bên cạnh đó, để đảm bảo các đối tượng báo cáo tuân thủ pháp luật về phòng, chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra có nội dung liên quan đến chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố.

Không dừng lại ở đó, để công tác phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố đạt hiệu quả cao, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố giai đoạn 2014 – 2020.

Với mục tiêu hướng đến là xây dựng một cơ chế phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố có hiệu quả ở Việt Nam nhằm đáp ứng tình hình thực tiễn, các quy định của pháp luật Việt Nam và các chuẩn mực quốc tế; bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, tổ chức, cá nhân cũng như góp phần chống tội phạm nói chung và tội phạm tham nhũng nói riêng; tăng cường sự ổn định, kích thích tăng trưởng kinh tế.

Tiếp tục triển khai nhiều biện pháp

Công tác phòng, chống khủng bố là rất quan trọng và đòi hỏi phải thực hiện liên tục, không chỉ cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành mà còn rất cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài, trong đó vai trò của ngành Ngân hàng là hết sức quan trọng.

Nhận thực rõ vai trò này, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành cần xây dựng quy định, phương án cụ thể về phòng, chống khủng bố và xử lý các tình huống liên quan tại đơn vị phù hợp với Phương án phòng, chống khủng bố trong ngành Ngân hàng, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo phòng chống rửa tiềnvà tài trpj khủng bố để thực hiện có hiệu quả quy định, phương án đã xây dựng. Theo Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm ngành Ngân hàng, công tác phòng, chống khủng bố trong ngành Ngân hàng là rất quan trọng, góp phần ổn định hoạt động ngân hàng nên cần được thường xuyên triển khai thực hiện.

Theo đó, các đơn vị trong toàn ngành cần xây dựng quy định, phương án cụ thể về phòng, chống khủng bố và xử lý các tình huống liên quan tại đơn vị phù hợp với Phương án phòng, chống khủng bố trong ngành Ngân hàng, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm ngành Ngân hàng để thực hiện có hiệu quả quy định, phương án đã xây dựng.

Hiện Ban Chỉ đạo đã được kiện toàn gồm có 20 đồng chí là lãnh đạo các đơn vị thuộc NHNN, Hiệp hội Ngân hàng và một số tổ chức tín dụng; Tổ Thường trực giúp việc gồm 19 đồng chí. Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo cũng đã được ban hành. Trong đó, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban, các Phó Trưởng Ban, các thành viên Ban Chỉ đạo, nhiệm vụ của đơn vị Thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo cũng đã ban hành Phương án phòng, chống khủng bố trong ngành Ngân hàng. Phương án này nêu rõ công tác phòng, chống khủng bố phải lấy phòng ngừa là chính, vô hiệu hóa mọi kế hoạch khủng bố, không để bị động bất ngờ; Bảo đảm đến mức cao nhất an ninh, an toàn về người và tài sản và hoạt động ngân hàng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra; Nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần cảnh giác của các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức ngành Ngân hàng; Phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành động khủng bố, tài trợ cho khủng bố; Kịp thời đưa ra phương án xử lý khi có các hành động khủng bố…