“Phủ sóng” dịch vụ tài chính
Phát triển mô hình đại lý ngân hàng (NH) và phát triển các sản phẩm tài chính vi mô linh hoạt, có cấu trúc đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với nhu cầu đại bộ phận người dân, đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, đang là mục tiêu của Việt Nam để thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia .
Còn nhiều khoảng trống
Việt Nam đã gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình từ năm 2010. Tính đến năm 2017, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã đạt 5 triệu tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 53,5 triệu đồng/năm (tương đương 2.350USD). Dân số năm 2017 của cả nước ước tính 93,7 triệu người. Đối với khu vực nông thôn, cả nước có 8.978 xã, 79.898 thôn, ấp, bản với gần 16 triệu hộ gia đình.
Dân số nông thôn 60,8 triệu người, chiếm 64,9% tổng dân số cả nước. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tại khu vực nông thôn 37,15 triệu người, chiếm 67,8% tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước. Tính đến cuối năm 2017, tổng số hộ nghèo trong cả nước 1,64 triệu hộ (chiếm 6,7% tổng số hộ trong cả nước), tổng số hộ cận nghèo 1,3 triệu hộ (chiếm 5,32%).
Tuy nhiên, việc tiếp cận các dịch vụ tài chính - NH của người dân vẫn còn nhiều khoảng trống. Đặc biệt các đối tượng như người nghèo, người thu nhập thấp, người không có đủ điều kiện tài chính, người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa nơi thiếu cơ sở hạ tầng tài chính; lao động di cư, người làm nghề tự do không có tài sản thế chấp hay không có lịch sử tín dụng; phụ nữ và người trẻ tuổi bị phân biệt đối xử; doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ, hộ gia đình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn trong tiếp cận vốn.
Đến nay tỷ lệ người dân Việt Nam có tài khoản NH vẫn ở mức thấp, chỉ 30,8% người trưởng thành có tài khoản NH, theo số liệu công bố của NH Thế giới năm 2017, kém xa so với những quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan hay Malaysia.
Mặc dù các sản phẩm dịch vụ NH được cung cấp khá đầy đủ, đa dạng nhưng mới phổ biến ở thành thị, thiếu nhiều ở nông thôn. Nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ vẫn khó tiếp cận dịch vụ NH chính thức. Nguyên nhân xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có hạn chế về mạng lưới, kênh cung cứng dịch vụ và sản phẩm dịch vụ.
Phát triển mô hình đại lý NH
Phát triển mô hình đại lý NH
Phát triển đa dạng các kênh phân phối hỗ trợ cho việc tiếp cận những dịch vụ tài chính cơ bản một cách thuận tiện với chi phí hợp lý cho mọi người dân và doanh nghiệp, là một trong những mục tiêu của dự thảo Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia của NHNN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (lần thứ 3 đang gửi xin ý kiến).
Một trong những giải pháp là phát triển mô hình đại lý NH (agent banking) để mở rộng phạm vi bao phủ điểm cung cấp dịch vụ NH đến gần với người dân ở các vùng chưa hoặc ít có dịch vụ NH; vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.
Một trong những giải pháp là phát triển mô hình đại lý NH (agent banking) để mở rộng phạm vi bao phủ điểm cung cấp dịch vụ NH đến gần với người dân ở các vùng chưa hoặc ít có dịch vụ NH; vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.
Để triển khai, NHNN sẽ xây dựng và ban hành quy định quản lý và hướng dẫn hoạt động của mô hình đại lý NH, cho phép những chủ thể không phải NH, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, được làm đại lý cho NH để cung ứng một hoặc một số dịch vụ NH, bao gồm gửi tiền vào tài khoản, rút tiền từ thẻ ghi nợ, chuyển tiền qua tài khoản, thanh toán hóa đơn tiện ích, chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội, và đại lý thực hiện một số giao dịch được phép khác cho khách hàng của NH.
Theo dự thảo, NHNN sẽ từng bước triển khai hoạt động đại lý NH, trước mắt xem xét và cho phép những NHTM có điều kiện phù hợp mở các điểm cung cấp dịch vụ qua đại lý tại những nơi mật độ chi nhánh, phòng giao dịch của các NH quá thấp (vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng điều kiện giao thông, đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng yếu kém…).
Mở rộng các điểm cung cấp dịch vụ dưới hình thức đại lý trên cơ sở phát triển mạng lưới sẵn có của các tổ chức tín dụng, mạng lưới bưu điện, mạng lưới của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, mạng lưới của một số tổ chức khác không phải NH.
Tài khoản không phí quản lý
Dự thảo Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia cũng đưa ra ý tưởng phát triển hệ thống tài khoản theo cấp độ tương ứng với tính chất rủi ro của các giao dịch, để mở rộng phạm vi và tăng nhanh số người tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức, tiến tới mục tiêu mỗi người dân ít nhất có 1 tài khoản. Đặc biệt, dự thảo nghiên cứu, ban hành quy định về tài khoản cơ bản không chịu phí quản lý tài khoản và số dư tối thiểu, có tính năng hạn chế ở một số dịch vụ: nhận tiền, rút tiền, chuyển tiền giá trị nhỏ, thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ tiện ích, liên kết với thẻ ATM. Áp dụng tài khoản cơ bản cho những người có nhu cầu, trước mắt dành cho người về hưu, những người hưởng trợ cấp xã hội, những lao động di cư, người lao động tự do, sinh viên, học sinh… để sử dụng các dịch vụ chuyển tiền giá trị nhỏ, nhận lương hưu, trợ cấp xã hội và thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ.
Tài khoản không phí quản lý
Dự thảo Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia cũng đưa ra ý tưởng phát triển hệ thống tài khoản theo cấp độ tương ứng với tính chất rủi ro của các giao dịch, để mở rộng phạm vi và tăng nhanh số người tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức, tiến tới mục tiêu mỗi người dân ít nhất có 1 tài khoản. Đặc biệt, dự thảo nghiên cứu, ban hành quy định về tài khoản cơ bản không chịu phí quản lý tài khoản và số dư tối thiểu, có tính năng hạn chế ở một số dịch vụ: nhận tiền, rút tiền, chuyển tiền giá trị nhỏ, thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ tiện ích, liên kết với thẻ ATM. Áp dụng tài khoản cơ bản cho những người có nhu cầu, trước mắt dành cho người về hưu, những người hưởng trợ cấp xã hội, những lao động di cư, người lao động tự do, sinh viên, học sinh… để sử dụng các dịch vụ chuyển tiền giá trị nhỏ, nhận lương hưu, trợ cấp xã hội và thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ.
NHNN khuyến khích hợp tác giữa các tổ chức công nghệ tài chính (fintech) với NH và TCTD phi NH, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân trong việc phát triển mạng lưới đại lý cho NH. Mở rộng độ bao phủ các điểm cung cấp dịch vụ của các TCTD ở vùng nông thôn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức.