Phục hồi thị trường lao động
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) nêu rõ: “Tạo môi trường và điều kiện để phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước”. Ðại hội XIII của Ðảng cũng đặt ra vấn đề một cách rất hệ thống, toàn diện, gồm xây dựng thị trường lao động, tạo việc làm, chính sách tiền lương, hỗ trợ thất nghiệp.
Theo đó, nước ta xác định các giải pháp mang tính đột phá chiến lược: Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hình thành đội ngũ lao động lành nghề; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; đẩy mạnh việc đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng, liên thông trong giáo dục, đào tạo gắn với nhu cầu của xã hội.
Thử thách và tầm nhìn
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH), sau 35 năm đổi mới đất nước, thị trường lao động Việt Nam có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế. Quy mô và chất lượng lao động tăng lên, chất lượng việc làm dần được cải thiện; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, thu nhập, tiền lương của người lao động được cải thiện, năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên.
Song, so với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp (trong quý II/2022 mới chỉ đạt 26,2%). Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới - WEF: “Chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam đã tăng 13 bậc. Trong các cuộc thi tay nghề khu vực và thế giới, đoàn Việt Nam đạt thứ hạng cao, chất lượng đào tạo nghề bước đầu được khẳng định ở tầm khu vực và thế giới”.
Mặt khác, lao động Việt Nam ở thị trường ngoài nước luôn thể hiện sự năng động và khả năng thích ứng ngày càng mở rộng. Hiện nay, Việt Nam có trên 600.000 lao động đi làm việc có thời hạn tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với thu nhập ổn định, gửi về nước lượng kiều hối lớn, khoảng 3,5 tỷ USD/năm. Số lượng lao động đưa đi tăng dần qua các năm, trung bình tăng 10%/năm. Dự kiến, năm 2022, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể đạt 105.000 người, đó là tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên, lao động ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó lớn nhất vẫn là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo nhận định của ông Ðào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LÐ-TB&XH: “Trong quý II/2022, cả nước vẫn còn hơn 8 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Trong đó, có 0,4 triệu người mất việc, 0,5 triệu người không tìm được việc làm, 2,2 triệu người phải tạm nghỉ, tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, 2,4 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động giảm thu nhập”.
Tín hiệu phục hồi
Dù thị trường lao động Việt Nam trong 7 tháng năm 2022 vẫn còn bị tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nhưng mức độ đã giảm đi rất nhiều. Nếu quý I/2022 có 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị tác động thì đến quý II/2022 chỉ còn 8 triệu người chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Một thống kê khả quan khác cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, so với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động đạt 51,4 triệu người, tăng 400.000 người; lao động có việc làm là 50,288 triệu người, tăng 417.000 người; thu nhập bình quân của lao động là 6,5 triệu đồng, tăng 326.000 đồng, tăng 5,3%. Ðây là những tín hiệu thị trường lao động phục hồi nhanh sau đại dịch COVID-19.
Từ những kết quả khả quan của đào tạo, giới thiệu, giải quyết việc làm cho lao động, Chính phủ đang xúc tiến thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, nhằm phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập. Theo đó, Việt Nam sẽ có cơ chế đào tạo, cải cách tiền lương, tạo môi trường làm việc tốt để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực Nhà nước, thu hút, giữ chân những lao động có trình độ, kỹ năng tay nghề cao để chính họ trở thành nguồn lực, động lực trong mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Mặt khác, trong mô hình tăng trưởng mới, quy mô thị trường lao động đến năm 2025 của Việt Nam khoảng 60 triệu người, trong đó hơn 70% lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, đây là thị trường lao động theo hướng hiện đại với nhiều ngành nghề mới, nhiều phân lớp thị trường nhân lực, đòi hỏi những tiêu chuẩn lao động mới, kỹ năng mới.
Hoà chung vào những thành công lớn của thị trường lao động cả nước, Cà Mau cũng đang nỗ lực tạo thị trường lao động năng động, đáp ứng cung - cầu và từng bước nâng cao tay nghề, nâng cao thu nhập.
Chỉ tính riêng trong tháng 7/2022, tỉnh Bạc Liêu đã giải quyết việc làm cho hơn 5.500 lao động, nâng tổng số lao động có việc làm từ đầu năm đạt 26.802 lao động. Trong đó có hơn 5.700 lao động làm việc trong tỉnh, hơn 20.800 lao động làm việc ngoài tỉnh và 149 lao động ngoài nước (Hàn Quốc, Nhật Bản, Ðài Loan (Trung Quốc). Song song đó, công tác đào tạo nghề cũng được chú trọng, đã tuyển sinh, đào tạo và bồi dưỡng nghề cho hơn 13.900 lao động.
Ðể đảm bảo các nhu cầu thiết yếu của thị trường lao động đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Cà Mau đã và đang xúc tiến thực hiện chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, tỉnh sẽ phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phục vụ các ngành mũi nhọn của địa phương và nhu cầu xuất khẩu lao động ra ngoài nước.