Tác động của đại dịch COVID-19 đến thị trường lao động Việt Nam


Bài viết nghiên cứu tác động của đại dịch COVID-19 đến thị trường lao động Việt Nam. Kết quả cho thấy, thị trường lao động Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của đại dịch COVID-19, đó là sự gia tăng mất cân đối cung - cầu lực lượng lao động cũng như tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm. Qua bài viết, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm giúp khôi phục và phát triển thị trường lao động Việt Nam trong trạng thái bình thường mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đặt vấn đề

Đại dịch COVID-19 bùng phát tại TP. Vũ Hán – Trung Quốc và nhanh chóng lan rộng ra toàn thế giới, tác động đến hầu hết các lĩnh vực, trong đó có thị trường lao động. Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cuộc khủng hoảng thị trường lao động toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra ít nhất còn tiếp diễn đến năm 2023.

Ở Việt Nam, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến thị trường lao động Việt Nam, số người có việc làm giảm sâu, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao, thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều chủ sử dụng lao động lâm vào tình cảnh nợ nần, phá sản... Nguồn cung cho thị trường lao động bị suy giảm, cơ cấu việc làm và chuyển dịch trong thị trường bị đảo chiều.

Thị trường lao động bị chia cắt cục bộ giữa các vùng, các địa phương, làm mất cân đối cung cầu lao động, gây ra áp lực về giải quyết việc làm cho người lao động. Đại dịch COVID-19 tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội khiến nhiều doanh nghiệp và người lao động đối mặt với nhiều rủi ro, buộc họ phải thay đổi để thích ứng, an toàn, hòa nhập trong môi trường “bình thường mới”.

Tác động của đại dịch COVID-19 đến thị trường lao động Việt Nam

Đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới. Nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Thị trường lao động là một trong những lĩnh vực chịu tác động khá nặng nề.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp và gây tổn thương khá nặng nề với quy mô khoảng 50-60% người lao động. Trên 50% người trong độ tuổi lao động bị ảnh hưởng mất việc làm, giảm thu nhập. Đặc biệt, trong quý III/2021, dịch bệnh tăng mạnh khiến lao động việc làm thiếu hụt rất lớn, nhất là cuối thời kỳ giãn cách xã hội; thu nhập bình quân của người lao động tại thành phố giảm đến 40% so với bình quân trên cả nước.

Tác động của dịch bệnh COVID-19 còn làm gia tăng khoảng cách về kỹ năng của người lao động hiện tại và các kỹ năng mà các doanh nghiệp cần để thích ứng với thay đổi về công nghệ và thị trường. Dịch bệnh đã làm cơ cấu việc làm thay đổi, trước đây, số việc làm trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản giảm, lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp tăng, nhưng hiện nay đã đảo chiều ngược lại. Lao động trong ngành dịch vụ giảm 2-3 triệu người so với cùng kỳ năm trước, nay còn khoảng 17,1 triệu người; lao động có việc làm ngành công nghiệp và xây dựng là 15,7 triệu người, giảm 960.000 người so với cùng kỳ năm 2020.

Trong quý III/2021, lực lượng lao động có 49,1 triệu lượt người, giảm 22 triệu lượt người so với cùng kỳ năm 2020; lao động việc làm là 47,2 triệu người, giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2020; tỷ lệ thiếu việc làm là 4,46% (hơn 1,8 triệu người), tăng 1,86% so với quý trước; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,98% (hơn 1,7 triệu người), tăng hơn 1,25% so với cùng kỳ năm 2020; 14,7 triệu lao động tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; hơn 10 triệu lao động giảm giờ làm, tạm dừng việc làm. Như vậy, năm 2021, số lượng lao động giảm việc làm khá lớn. Đặc biệt, vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nặng nề, với 4,59% lao động vùng Đông Nam Bộ và 44,7% lao động vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng do ngừng việc, giãn việc, nghỉ việc.

Đợt dịch bệnh COVID-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và kéo dài đã làm tăng tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi ở quý III/2021 lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22% (quý I/2021 là 2,42%; quý II/2021 là 2,62%; quý III/2021 là 3,98%; quý IV/2021 là 3,56%). Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động năm 2021 là 3,1% (quý I/2021 là 2,2%; quý II/2021 là 2,6%; quý III/2021 là 4,46%; quý IV/2021 ước tính 3,37%).

Tác động của đại dịch COVID-19 đến thị trường lao động Việt Nam - Ảnh 1

Theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam, như bị chia cắt cục bộ giữa các vùng, các địa phương, gây ra thiếu lao động cho sản xuất - kinh doanh. Việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch khiến việc di chuyển giữ các vùng trở nên khó khăn hơn, gia tăng sự mất cân đối cung cầu lao động cục bộ, gây ra áp lực về giải quyết việc làm cho người lao động. Đặc biệt, dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều nơi, trong đó có các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo ra một làn sóng dịch chuyển lao động lớn chưa từng có từ các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương về các địa phương khác trên cả nước. Điều này cũng tạo ra lo ngại về thiếu hụt lao động tại các thành phố lớn trong thời gian tới.

Mặc dù, đại dịch COVID-19 gây ra nhiều thách thức với thị trường lao động Việt Nam, song cũng tạo ra nhiều cơ hội lớn để thị trường lao động phát triển. Đó là cơ hội để các doanh nghiệp sắp xếp, cơ cấu sản xuất kinh doanh phù hợp với Cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội điều chỉnh, phân bổ lại lao động giữa các vùng, các ngành kinh tế, góp phần nâng cao năng suất, thúc đẩy chuyển đổi kinh tế số, kinh tế xanh. Đồng thời, đây là cơ hội phát triển các hình thức giao dịch việc làm, đổi mới giáo dục nghề nghiệp, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Vì vậy, cần có giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, thách thức và tận dụng thời cơ để từng bước khôi phục và phát triển thị trường lao động Việt Nam trong trạng thái bình thường mới.

Giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động trong trạng thái bình thường mới

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm ứng phó với dịch bệnh, phát triển kinh tế đi đôi với chăm lo phúc lợi, an sinh xã hội như: Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch bệnh COVID-19; Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp...

Những chính sách này nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, nhất là các đối tượng bị ảnh hưởng, tác động bởi đại dịch, cũng như những ngành, nghề bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch trên tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, tình hình lao động và việc làm ở nước ta vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức, do đó, để từng bước khôi phục và phát triển thị trường lao động Việt Nam trong trạng thái bình thường mới, cần phải triển khai có hiệu quả các giải pháp đồng bộ, trước hết là kiểm soát được dịch bệnh, người lao động phải được an toàn, sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất, cụ thể:

Một là, tiếp tục có chính sách hỗ trợ kịp thời đối với người lao động bị tác động bởi đại dịch COVID-19. Các cơ quan chức năng, doanh nghiệp nên có sự phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sau đại dịch; xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách khuyến khích người lao động, đặc biệt là thanh niên tích cực học tập, nâng cao trình độ để có các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Hai là, cần có chính sách khuyến khích các địa phương thiết lập kênh thông tin chính thống, chuyên ngành để cập nhật cho doanh nghiệp và người lao động về chiến lược phát triển kinh tế, các chính sách hỗ trợ lao động và thu hút lao động để cải thiện bức tranh lao động. Ngoài ra, cần công bố kế hoạch về xét nghiệm, kiểm soát dịch bệnh của địa phương để họ xây dựng và thực hiện các kế hoạch khôi phục, phát triển sản xuất; nâng cấp sàn giao dịch việc làm, một mặt góp phần giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, mặt khác gia tăng cơ hội việc làm cho người lao động thông qua hoạt động tư vấn, giới thiệu, kết nối người lao động với người sử dụng lao động và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến tại hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, chủ động cung ứng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Ba là, đào tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh và tạo việc làm cho người lao động thì phải đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động để tăng năng suất lao động và thích ứng với những thay đổi của thị trường lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Các doanh nghiệp cần tạo nơi làm việc an toàn và lành mạnh với các chính sách làm việc linh hoạt, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút và giữ chân người lao động. Tập trung hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, đào tạo lại người lao động đáp ứng yêu cầu mới; đẩy mạnh kết nối cung, cầu lao động trong nước, gắn với thị trường lao động quốc tế. Trong chính sách hỗ trợ đào tạo cần có hỗ trợ đào tạo đối với đối tượng là người lao động đang nghỉ việc hưởng trợ cấp thất nghiệp, hiện nay chưa quay trở lại làm việc.

Bốn là, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, phù hợp với xu thế mới, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế với những cơ chế, chính sách thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư quốc tế và trong nước; hỗ trợ cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhanh chóng tiếp cận các hình thức sản xuất kinh doanh mới, hiện đại, hiệu quả, phù hợp để đủ sức tham gia ngay các chuỗi giá trị mới, mở rộng quan hệ đối tác gắn với mở rộng thị trường khi cấu trúc kinh tế thế giới có sự thay đổi, điều chỉnh. Từ đó, tạo cơ hội tăng việc làm cho người lao động.

Năm là, người lao động cũng cần chia sẻ cùng doanh nghiệp để vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, tranh thủ thời gian nghỉ dịch để tự học tập, nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của bản thân; cần nắm bắt nhu cầu lao động của nền kinh tế trong bối cảnh chuyển đổi phương thức sản xuất đáp ứng yêu cầu mới.

Kết luận

Đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến thị trường lao động Việt Nam, thị trường lao động thay đổi, tình trạng mất việc làm và thu nhập tăng lên. Do đó, việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi, ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân của Đảng và Chính phủ, đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, bảo đảm đời sống ổn định cho người dân.      

Tài liệu tham khảo:

1. Tổng cục Thống kê (2021), Một số nét chính tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2021, Hà Nội;

2. Nguyễn Trang (2022), Thị trường lao động 2022: Làm gì để doanh nghiệp "sống", người lao động có việc làm?, https://vov.vn;

3. Thanh Vũ (2022), Thị trường lao động thích ứng với dịch COVID-19 - Bài cuối: Xây dựng nền tảng phát triển bền vững, https://baotintuc.vn.

(*) Bùi Thùy Dung - Học viện Cảnh sát Nhân dân

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 03/2022