PMI tháng 4, đạt mức cao nhất trong 4 tháng đầu năm
Theo số liệu của Nikkei, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 4/2019 đạt 52,5 điểm, cao nhất trong 4 tháng đầu năm 2019. Điều này cho thấy, lĩnh vực sản xuất tiếp tục có sự cải thiện mạnh mẽ.
Nếu như trong tháng 3/2019, chỉ số PMI của Việt Nam đạt mức 51,9 điểm, được đánh giá là có sự tăng trương cao so với các tháng trược đó, thì trong tháng 4 chỉ số này tiếp tục có sự cải thiện mạnh mẽ.
Các công ty tiếp tục có số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh trong tháng 4, với tốc độ tăng hầu như ngang bằng với tháng 3. Tình trạng tương tự xảy ra với số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới. Cả hai trường hợp đều xuất hiện tình trạng cải thiện nhu cầu của khách hàng.
Số lượng đơn đặt hàng mới đã làm tăng một số tham số khác, bao gồm hoạt động mua hàng, việc làm và sản lượng. Sản lượng ngành sản xuất đã tăng tháng thứ 17 liên tiếp. Tốc độ tăng là nhanh, nhưng vẫn yếu hơn một chút so với tháng trước.
Việc làm trong đầu quý II/2019 đã tăng lần đầu tiên trong ba tháng. Tốc độ tăng việc làm nhanh hơn một chút so với mức trung bình của lịch sử chỉ số. Công suất hoạt động tăng cho phép các công ty kiểm soát được khối lượng công việc cho dù số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh. Kết quả là, lượng công việc tồn đọng đã giảm tháng thứ tư liên tiếp.
Hoạt động mua hàng tiếp tục tăng mạnh, với mức tăng gần đây nhất giúp hàng tồn kho trước sản xuất tăng lần đầu tiên kể từ tháng 1. Tồn kho thành phẩm cũng đã tăng, mặc dù mức độ tăng nhẹ và là mức yếu nhất trong thời kỳ tăng kéo dài bảy tháng qua.
Số lượng đơn đặt hàng mới được dự báo tăng tiếp trong năm tới, từ đó làm tăng mức độ lạc quan về sản lượng. Các kế hoạch mở rộng kinh doanh cũng được đưa ra để hỗ trợ tăng trưởng sản lượng. Mức độ lạc quan đã tăng thành mức cao của ba tháng trong tháng 4.
Tốc độ tăng chi phí đầu vào nhanh hơn thành mức mạnh nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Giá cả nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế nhìn chung tăng. Mặc dù, gánh nặng chi phí tăng mạnh, các nhà sản xuất Việt Nam tiếp tục giảm giá cả đầu ra.
Giá bán hàng đã giảm tháng thứ năm liên tiếp nhờ những nỗ lực duy trì số lượng đơn đặt hàng mới tăng, mặc dù vậy tốc độ giảm chỉ là nhỏ.
Thời gian giao hàng của nhà cung cấp gần như không thay đổi trong tháng 4. Nhu cầu hàng hóa đầu vào tăng đã làm một số nhà cung cấp giao hàng chậm hơn, tuy nhiên những người trả lời khảo sát cho biết các nhà cung cấp khác lại có thể đáp ứng yêu cầu giao hàng nhanh hơn.
Điểm tích cực chính của khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam mới đây là tình trạng việc làm tăng trở lại, và đây là lần tăng đầu tiên trong ba tháng khi các công ty lạc quan rằng sự trì trệ vào thời điểm đầu năm giờ đã thành chuyện quá khứ.
Tuy nhiên, vẫn có sự ngần ngại trong việc nâng giá bán hàng mặc dù chi phí đầu vào tăng nhanh hơn, nhưng điều này có thể sẽ thay đổi nếu số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh trong những tháng tới.