PVcomBank: Niềm tin phát triển bền vững
(Tài chính) Vượt qua nhiều thách thức do lịch sử của 2 tổ chức tham gia hợp nhất để lại, 1 năm sau tái cơ cấu, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã ổn định hoạt động, các chỉ số an toàn tài chính đạt yêu cầu đề ra, đặc biệt bước đầu xây dựng thành công 2 trụ cột chính: nhân lực và công nghệ, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững, dài hạn.
Ngày 1/10/2013, PVcomBank ra đời trên cơ sở hợp nhất giữa Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Tây (Western Bank).
Giới chuyên môn đã chỉ ra nhiều thách thức mà PVcomBank phải đối mặt, đơn cử như Ngân hàng sau hợp nhất chưa có định hướng chiến lược phát triển dài hạn, khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng đến chất lượng tài sản; hệ thống công nghệ thông tin lỗi thời và khác biệt của 2 tổ chức cũ. Trong khi đó, cơ chế, chính sách của hai tổ chức chưa đồng bộ; Hệ thống mạng lưới phân bổ không hợp lý, thiếu về mặt số lượng để phục vụ cho các kênh bán lẻ và thanh toán; Sản phẩm dịch vụ ngân hàng còn ở mức sơ khai.
Những lưu ý trong công tác nhân sự cũng được nhấn mạnh khi ngân hàng mới thiếu hụt nhân sự quản lý cấp cao, cấp trung và nhân viên nghiệp vụ chuyên môn cao cho hoạt động ngân hàng hiện đại. Sau hợp nhất, bản thân nhiều nhân sự trong ngân hàng cũng e ngại việc hội nhập văn hóa của 2 tổ chức còn nhiều bất cập. Trong khi đó, cạnh tranh trên thị trường ngân hàng, trong việc tìm kiếm các khách hàng tốt để có thể tăng trưởng đang ngày càng khốc liệt.
Để tìm ra hướng đi mới
Sau hợp nhất, PVcomBank đã hợp tác với BCG (Boston Consulting Group), nhà tư vấn hàng đầu về Ngân hàng tài chính trên thế giới, để xây dựng chiến lược dài hạn nhằm trở thành một ngân hàng hiện đại, an toàn và hiệu quả. Ban lãnh đạo ngân hàng đặt ra kế hoạch hành động với mục tiêu cụ thể: Xây dựng PVcomBank với hình ảnh một ngân hàng thân thiện, tận tụy vì sự thành công của khách hàng.
Theo định hướng trên, PVcomBank sẽ thực hiện 3 giai đoạn chuyển đổi. Giai đoạn 1 được thực hiện ngay trong năm đầu tiên, với việc xây dựng các năng lực cốt lõi nhằm phục vụ đối tượng khách hàng lớn nhất của PVcomBank là PVN và các đơn vị thành viên. Trong năm qua, PVcomBank đã nỗ lực xây dựng năng lực quản trị rủi ro, xây dựng các gói sản phẩm cho nhân viên của PVN, điều chỉnh tối ưu hóa mạng lưới chi nhánh, lựa chọn xong đối tác để triển khai thay thế hệ thống Corebanking.
Sau khi thiết lập các nền tảng cơ bản, PVcomBank sẽ bước vào giai đoạn 2 với mục tiêu: mở rộng năng lực để phục vụ thị trường rộng hơn. Cụ thể, ngân hàng sẽ đã dạng hóa sản phẩm, cải thiện chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh tài trợ thương mại, tập trung mở rộng mạng lưới, triển khai mô hình đối tác để mở rộng các phân khúc thị trường, nâng cao năng lực quản trị rủi ro để hỗ trợ việc kinh doanh các sản phẩm nguồn vốn phức tạp…
Sau 2 năm chuyển đổi, PVcomBank sẽ bước vào giai đoạn 3: tăng trưởng bền vững. Trong giai đoạn này, Ngân hàng tập trung vào 3 trụ cột chính gồm xây dựng các đơn vị kinh doanh mới; Xây dựng các phương pháp phân tích tiên tiến để hỗ trợ phát triển sản phẩm, phân khúc thị trường và quản trị rủi ro; Tự động hóa các quy trình kinh doanh cốt lõi để đạt được quy trình vận hành tự động.
Thành công bước đầu
Có định hướng rõ ràng, cách thức thực hiện cụ thể, toàn hệ thống PVcomBank bắt tay vào việc một cách quyết liệt. Sau 1 năm nỗ lực, kết quả đạt được theo công bố của PVcomBank, khá tích cực, tạo niềm tin cho nhiều cổ đông và khách hàng của Ngân hàng.
Cụ thể, PVcomBank đã xây dựng khá hoàn thiện mô hình tổ chức của một ngân hàng hiện đại với những yêu cầu cao về hệ thống quản trị rủi ro, hàng ngàn quy trình, quy chế văn bản đã được chỉnh lý cho phù hợp… theo đúng quy chuẩn của ngân hàng TMCP hiện đại.
Về công nghệ, yếu tố được coi là chìa khóa thành công của các ngân hàng, PVcomBank đã đầu tư, triển khai hệ thống core banking T24 mới nhằm nâng cao năng lực công nghệ, tạo ra nền tảng cho việc phát triển các sản phẩm mới và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng hiện tại.
Một trụ cột khác được Ngân hàng quan tâm là thực hiện cơ cấu lại đội ngũ nhân sự như phân công, phân nhiệm lại cho hợp lý, tuyển dụng mới, bổ sung, đào tạo… Đến PVcomBank thời điểm này có thể ghi nhận tâm lý ổn định, phấn chấn của người lao động. Họ đã “sẵn sàng” đáp ứng mọi yêu cầu điều động của ngân hàng và phấn chấn làm việc vì một tương lai tốt đẹp hơn. PVcomBank đã xây dựng chính sách tiền lương mới với sự tư vấn của Công ty tư vấn nhân sự hàng đầu của Mỹ (Hay Group), đảm bảo tính công bằng nội bộ và mặt bằng lương của thị trường, thu hút nhân sự chất lượng cao. Không cắt giảm lao động như nhiều đơn vị thực hiện tái cơ cấu, PVcomBank còn thực hiện chính sách “cầu hiền”. Tổng lao động tại thời điểm 30/9/2014 là 2.750 người, tăng 461 người so với 31/12/2013 (2.289 người).
Đặc biệt, thương hiệu PVcomBank đã có được chỗ đứng vững chắc trong cộng đồng doanh nghiệp và dân cư cùng với việc sắp xếp hợp lý hệ thống mạng lưới với 109 điểm giao dịch phân bổ đều trên các vùng trọng điểm kinh tế trên cả nước và không ngừng phát triển thêm các chi nhánh trong năm 2014 như Quảng Ninh, Thái Bình, Khánh Hòa, Cà Mau, Nghệ An, khai trương thêm 3 chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh.
Về hoạt động kinh doanh, dù chưa công bố báo cáo tài chính quý 3 nhưng lãnh đạo PVcomBank cho biết, đến thời điểm 30/9, ngân hàng đạt tổng tài sản xấp xỉ 100 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận vượt 5% so với kế hoạch cổ đông đề ra, các tỷ lệ an toàn đều đạt theo quy định và nợ xấu được kiểm soát theo đúng lộ trình tái cơ cấu.
PVcomBank cũng đã quyết liệt tái cơ cấu danh mục tài sản, đặc biệt danh mục đầu tư qua nhiều hoạt động bán ra lượng lớn cổ phần, thu hồi vốn… để có bảng cân đối kế toán lành mạnh. Nhiều khách hàng lớn đã tăng cường hợp tác với PVcomBank qua các bản thỏa thuận hợp tác chiến lược như Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Công ty TNHH một thành viên Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower), TCT Xây dựng Bạch Đằng…
Đạt được một số thành công bước đầu, song nhìn nhận về chặng đường trước mắt, lãnh đạo PVcomBank cho rằng, còn nhiều thách thức cần phải vượt qua. Còn giới phân tích tài chính thì đánh giá, với chiến lược phát triển rõ ràng, có lộ trình thực hiện từng mục tiêu và phương thức cụ thể để đi đến đích, PVcomBank sẽ có bước phát triển tốt trong tương lai và sẽ đạt được mục tiêu chiến lược đề ra để trở thành 01 trong những Ngân hàng đa năng an toàn, hiệu quả.
Qua những gì ngân hàng mới làm được, có thể nhận xét rằng, quyết định hợp nhất PVFC và Western Bank là hoàn toàn đúng đắn. Hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có thêm một thương hiệu lớn, hoạt động lành mạnh, ổn định. 1 năm không phải là quãng thời gian dài, song PVcomBank đã tạo lập được nền tảng bền vững trên hành trình trở thành một trong những định chế tài chính hàng đầu Việt Nam./.