Quan chức Fed bất đồng về triển vọng kinh tế Mỹ
Mặc dù lộ trình chính sách tiền tệ của Fed đã được xác lập theo hướng duy trì nới lỏng và mang tính hỗ trợ và sẽ được duy trì trong vài năm tới để hỗ trợ nền kinh tế. Thế nhưng trong một loạt các phát biểu công khai gần đây, các nhà hoạch định chính sách của Fed đang đưa ra những quan điểm trái ngược hoàn toàn về triển vọng phục hồi của nền kinh tế Mỹ sau cuộc khủng hoảng do đại dịch coronavirus gây ra.
Theo đó Chủ tịch Fed Boston Eric Rosengren và Chủ tịch Fed Chicago Charles Evans tỏ ra khá bi quan về triển vọng kinh tế và cho rằng Quốc hội Mỹ cần sớm ban hành thêm các biện pháp kích thích tài khóa.
Phát biểu với Yahoo Finance hôm thứ Năm tuần trước, Chủ tịch Fed Boston Eric Rosengren - một thành viên của Ủy ban thị trường mở liên bang cho biết, nền kinh tế Mỹ còn cách xa so với mục tiêu của Fed là việc làm tối đa và lạm phát 2%. Ông cũng cho rằng lãi suất sẽ ở mức thấp trong vài năm tới, một quan điểm được chia sẻ bởi hầu hết các nhà hoạch định chính sách của Fed kể từ cuộc họp chính sách tháng 9 diễn ra mới đây.
Trong bối cảnh đó, Rosengren cho rằng, Quốc hội cần cung cấp nhiều hỗ trợ tài khóa hơn để giúp người tiêu dùng có thu nhập thấp đến trung bình, các doanh nghiệp nhỏ và chính quyền địa phương vượt qua cuộc khủng hoảng. “Tôi rất lo lắng rằng chúng tôi đang ở khá xa so với những gì chúng tôi nghĩ là việc làm tối đa và tôi nghĩ rằng sẽ có những khó khăn đáng kể để sớm đạt được điều đó”, ông nói.
Trong khi đó Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard lại đưa ra quan điểm khá lạc quan về sự phục hồi kinh tế. Theo Bullard, tỷ lệ tử vong do Covid-19 “khó có thể đạt đến mức của tháng 3 và tháng 4”. Bên cạnh đó, những thành tựu trong phương pháp điều trị và sự nâng cao cảnh giác ở những người có nguy cơ cao sẽ cho phép sự phục hồi kinh tế tiếp tục.
Còn nhớ tại cuộc họp chính sách tháng 9, Fed cho biết lãi suất sẽ duy trì ở mức gần 0 cho đến khi nền kinh tế đạt được việc làm tối đa và lạm phát đạt mục tiêu 2% của Fed. Bullard cho biết, Fed có thể đạt mục tiêu lạm phát 2% sớm nhất là trong năm tới. Đây là dự báo tích cực nhất trong số các quan chức của Fed.
Tuy nhiên Bullard cũng nói thêm rằng, ngay cả khi các nhà hoạch định chính sách chấp nhận triển vọng kinh tế tích cực hơn, khuôn khổ chính sách mới của Fed có nghĩa là lãi suất sẽ được duy trì ở mức thấp trong thời gian dài hơn để giải quyết tình trạng thiếu việc làm và có thêm thời gian để đẩy lạm phát tăng lên.
Các bình luận trên được đưa ra ngay khi Chủ tịch Fed Jerome Powell có phiên điều trần thứ 3 trong tuần trước các nhà lập pháp Mỹ. Theo đó phát biểu trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ hôm thứ Năm tuần trước, Chủ tịch Fed một lần nhấn mạnh nhu cầu kích thích tài khóa mạnh hơn, đồng thời cảnh báo về nguy cơ các hộ gia đình sẽ bị cắt giảm chi tiêu và một số người Mỹ có thể mất nhà.
Hiện phần lớn viện trợ cho các doanh nghiệp nhỏ cũng như các quỹ phụ dành cho người thất nghiệp đã cạn kiệt. Các nhà lập pháp cần mở rộng viện trợ cho những người lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi mất việc làm, bao gồm cả những người lao động có thu nhập thấp và cộng đồng người da đen và gốc Tây Ban Nha, Chủ tịch Fed Chicago Charles Evans cho biết. “Chúng ta đang gặp rủi ro rất nghiêm trọng nếu chúng ta không mở rộng hỗ trợ liên bang cho các hộ gia đình không có việc làm”, ông nói. Ông cũng dự báo Fed chỉ có thể đạt được mục tiêu lạm phát 2% vào cuối năm 2023.
Cho đến nay các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa và Dân chủ vẫn chưa thông qua bất kỳ khoản viện trợ mới nào kể từ gói hỗ trợ trị giá 2,3 nghìn tỷ USD vào tháng 3, được cho là đã giúp nền kinh tế Mỹ tránh khỏi tình trạng mất việc làm và làn sóng phá sản doanh nghiệp. Nhưng một nhà lập pháp cũng tiết lộ hôm thứ Năm tuần trước rằng, đảng Dân chủ tại Hạ viện đang nghiên cứu một gói kích thích mới trị giá 2,2 nghìn tỷ USD để có thể được bỏ phiếu thông qua vào tuần này.