Quan điểm của Đảng và Nhà nước về an ninh mạng và bảo vệ quốc gia trên không gian mạng
Vấn đề phát triển và làm chủ không gian mạng đã trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách được nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, bảo đảm an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng đang là ưu tiên hàng đầu được thể hiện rõ trong các quan điểm, chiến lược và hành động cụ thể của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Đặt vấn đề
Từ đầu thế kỷ 21, thế giới bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là cuộc cách mạng gắn liền với sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội đang trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống xã hội, làm thay đổi căn bản cách thức con người tạo ra sản phẩm, từ đó tạo nên “cuộc cách mạng” về tổ chức các chuỗi sản xuất-giá trị.
Sự kết nối và tương tác thông qua Internet đã mở ra một kỷ nguyên mới, làm thay đổi diện mạo mới của nhiều quốc gia, đem lại những thành tựu vượt bậc, thúc đẩy tiến trình phát triển xã hội của nhân loại. Không gian mạng đã trở thành một bộ phận cấu thành và đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng xã hội thông tin và kinh tế tri thức.
Bên cạnh những lợi ích to lớn không thể phủ nhận được, với tính toàn cầu và khả năng kết nối vô hạn của không gian mạng (không bị giới hạn bởi không gian, thời gian và bản chất xã hội của không gian mạng) cũng đặt ra nhiều thách thức rất lớn đối với an ninh của các quốc gia trên thế giới như: chiến tranh mạng, chiến tranh thông tin, khủng bố mạng, tội phạm mạng...
Vấn đề phát triển và làm chủ không gian mạng đã trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách được nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, bảo đảm an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng đang là ưu tiên hàng đầu được thể hiện rõ trong các quan điểm, chiến lược và hành động cụ thể của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Thách thức từ vấn đề an ninh mạng
Đối với Việt Nam đã xuất hiện nhiều cuộc tấn công mạng với quy mô lớn, cường độ cao, de doạ trực tiếp đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Hoạt động tội phạm mạng và những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng ngày càng gia tăng về số vụ, thủ đoạn và tính chất mức độ nguy hiểm, gây thiệt hại nghiêm trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Thời gian qua, tại Việt Nam phát hiện trên 3.000 trang web, blog, tài khoản mạng xã hội và gần 100 hội, nhóm trên mạng xã hội facebook, thường xuyên đăng tải thông tin chống Đảng, Nhà nước, kích động gây rối an ninh, trật tự. Các thế lực thù địch, phản động, tội phạm mạng đang triệt để không gian mạng để tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, tuyên truyền chống phá chế độ, kích động biểu tình, bạo loạn, thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”, xâm phạm chủ quyền của nước ta trên không gian mạng.
Trong thời gian đại dịch bệnh COVID-19 bùng phát, không gian mạng tiếp tục là môi trường chủ yếu để các thế lực thù địch, đối tượng phản động, chống đối phát tán thông tin bịa đặt về tình hình dịch bệnh, xuyên tạc, đả kích sự chỉ đạo, điều hành trong phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và chính quyền các cấp. Những hoạt động đó đã tác động tiêu cực tới tư tưởng, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân; gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ, làm suy giảm lòng tin vào chế độ xã hội chủ nghĩa và vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Tình hình trên đòi hỏi phải nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vai trò quan trọng của an ninh mạng và các thách thức, mối đe doạ từ không gian mạng đối với đất nước ta, từ đó, có định hướng chiến lược, quyết tâm mạnh mẽ trong nhận thức và hành động nhằm nâng cao năng lực bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Bảo vệ an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng có quan hệ biện chứng chặt chẽ, bảo vệ an ninh mạng là nền tảng, cơ sở quan trọng góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và ngược lại, tạo thành hệ thống chiến lược nhằm bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, góp phần bảo vệ vững Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Quan điểm của Đảng, Nhà nước về an ninh mạng và các vấn đề bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng
Để đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, Đảng và Nhà nước ta ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, trong đó nổi bật là Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược An ninh mạng quốc gia; về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, mang tính chỉ đạo chiến lược cho công cuộc bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Nhờ đó, bước đầu hình thành hệ thống pháp luật và cơ sở vật chất cho việc bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin quốc gia, không gian mạng quốc gia.
Quan điểm của Đảng, Nhà nước về an ninh mạng và các vấn đề bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng thể hiện sự nhất quán về nguyên tắc Ðảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; đồng thời thể hiện bước phát triển kịp thời về tư duy, sự đổi mới về nhận thức của Ðảng đối với công cuộc bảo vệ đất nước trong tình hình không gian mạng phát triển đa chiều và xuyên quốc gia. Quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về vấn đề này được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 29-NQ/TW, Nghị Quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và Chiến lược an ninh mạng quốc gia, như sau:
Một là, an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Không gian mạng là vùng lãnh thổ đặc biệt của quốc gia được xác định bằng phạm vi không gian do Nhà nước quản lý, kiểm soát bằng chính sách, pháp luật và năng lực công nghệ có vai trò quan trọng như những vùng lãnh thổ khác (đất liền, hải đảo, vùng biển, vùng trời).
Với những đặc tính vượt trội như tốc độ truyền tải, tìm kiếm thông tin nhanh, khả năng lưu trữ thông tin lớn, liên kết cộng đồng không giới hạn về không gian, thời gian; không gian mạng đang là môi trường “lý tưởng” cho các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, phát tán thông tin giả, kích động biểu tình, gây rối trật tự an toàn xã hội hòng thực hiện hoạt động “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang nhân dân. Hoạt động tội phạm và những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng ngày càng gia tăng về số vụ, thủ đoạn và tính chất, mức độ nguy hiểm, gây thiệt hại nghiêm trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Việt Nam thường xuyên nằm trong top 3 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất năm 2018 (theo số liệu thống kê của Kaspersky security network) và là quốc gia có tỷ lệ gặp phải mã độc tống tiền cao nhất Châu Á Thái Bình Dương năm 2019 (theo Báo cáo ngày 24/6/2020 của Microsoft, về các mối đe doạ bảo mật).
Chính vì vậy, bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách cần phải triển khai đồng bộ, quyết liệt, thường xuyên, liên tục, bền bỉ trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị đồng sức, đồng lòng quyết tâm giữ vững an ninh quốc gia trên không gian mạng, trật tự an toàn xã hội, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hiệu quả các hành vi xâm phạm an ninh mạng quốc gia; xác lập, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, góp phần bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và lợi ích quốc gia – dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước nhanh và bền vững. Luôn nêu cao cảnh giác, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá, xâm phạm chủ quyền, lợi ích quốc gia- dân tộc trên không gian mạng; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Hai là, phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” góp phần xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên không gian mạng.
“Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” nên việc xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc từ cơ sở là yêu cầu cấp thiết trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc trên bất kỳ vùng lãnh thổ nào. Kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn coi trọng, vun đắp cho sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố sự đồng thuận và lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong mọi lĩnh vực và trên mọi mặt trận.
Công cuộc bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng cũng không nằm ngoài quỹ đạo ấy. Để củng cố và phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân” trên không gian mạng cần quy tụ và phát huy cho được sức mạnh nội sinh của mỗi con người, của tập thể và của cả dân tộc; tuyên truyền, giáo dục, định hướng cho mỗi cá nhân hiểu được lợi ích cũng như tác hại tiền ẩn trên không gian mạng, nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng tránh và khả năng tự xử lý tình huống khi bị tiến công trên không gian mạng. Mỗi tài khoản trên không gian mạng là một chiến sĩ và mỗi bài viết tuyên truyền, đấu tranh phản bác là những vũ khí sắc bén bắn thẳng vào thế lực thù địch.
“Thế trận lòng dân” là nền tảng gốc rễ để xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lễ thành lập lực lượng công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) vào tháng 3/1959 “Công an và Quân đội là hai cánh tay của Nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của vô sản chuyên chính.
Vì vậy, càng phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, ra sức phát triển ưu điểm, khắc phục những tư tưởng không đúng”, lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đã phối hợp chặt chẽ với nhau xây dựng, bố trí lực lượng, tiềm lực, thiết lập thế trận an ninh liên hoàn trên không gian mạng trên tinh thần “trinh sát kịp thời, ngăn chặn hiệu quả, phòng thủ vững chắc, sẵn sàng chiến đấu”.
Ba là, xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ “tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng: … an ninh mạng và đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao …”.
Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng được bố trí tại Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức quản lý hệ thống thông tin về an ninh, chủ quyền quốc gia. Đây là một trong số những lực lượng đang được Đảng, Nhà nước quan tâm, ưu tiên nguồn lực để xây dựng và đào tạo tiến nhanh lên “hiện đại”, làm chủ công nghệ thông tin, thích ứng kịp thời, thậm chí là vượt trước thời đại, nhạy bén với những tình huống bất ngờ, thủ đoạn tinh vi, chủ động đấu tranh có hiệu quả.
Để công tác bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng đạt hiệu quả, lực lượng chuyên trách tại các đơn vị phải chủ động liên kết, phối hợp chặt chẽ với nhau trong hành động, tác chiến, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công, phân nhiệm rõ ràng đến từng cấp, từng lực lượng. Theo đó, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an; hoạt động tác chiến trên không gian mạng theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng; bảo đảm an toàn thông tin mạng theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu, thông tin sai trái theo chức năng, nhiệm vụ của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Bốn là, đẩy mạnh công tác đối ngoại trong an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng
An ninh mạng là vấn đề toàn cầu tác động trực tiếp đến sự hoà bình, ổn định, và phát triển của mỗi quốc gia. Vì vậy, việc tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trên không gian mạng là hết sức cần thiết, tạo vành đai an ninh bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng hợp tác với các đối tác nhằm xây dựng một môi trường không gian mạng hòa bình, ổn định, an toàn, vì người dân và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, chú trọng vận dụng linh hoạt, đúng đắn quan điểm của Đảng, Nhà nước về “đối tác, đối tượng” trên không gian mạng, tranh thủ “đối tác” để thiết lập quan hệ quốc tế rộng rãi, đề cao tinh thần chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các hoạt động chống phá của “đối tượng”.
Năm là, kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng
Phát triển kinh tế số là một trong những xu thế lớn trên thế giới được nhiều quốc gia nghiên cứu, ứng dụng. Tại Việt Nam, xu hướng số hóa được triển khai mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực hướng tới mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số. Bước đầu xây dựng và phát triển hạ tầng thông tin viễn thông, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển đổi, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo nền tảng thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực gắn liền với đầu tư cho công tác an ninh mạng, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Phát huy ý chí tự lực, tự cường, phát huy mạnh mẽ nhân tố con người, con người là trung tâm là chủ thể, là nguồn lực chính để xây dựng và sớm hình thành ngành công nghệ mạng Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam từng bước làm chủ về công nghệ, thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghệ mang thương hiệu “Việt Nam”, hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào các sản phẩm công nghệ nước ngoài.
Kinh tế số, xã hội số phát triển manh mẽ đặt ra hai vấn đề. Kinh tế phát triển đồng nghĩa với việc sẽ có sự đổi mới, cải tiến về kỹ thuật, công nghệ là tiền đề quan trọng để đổi mới công nghệ an ninh mạng, góp phần nâng cao năng lực xử lý tình huống, phát hiện đấu tranh với các thế lực trên không gian mạng.
Song song với những lợi ích trên, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số, xã hội số làm gia tăng nguy cơ xâm phạm hệ thống an ninh mạng, xâm phạm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Vì vậy, phát triển quốc gia số, kinh tế số, xã hội số phải luôn đi liền với bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Mọi hoạt động kinh tế trong thời đại công nghiệp 4.0 phải tuyệt đối tuân thủ luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của các ban, bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là sự tích cực, chủ động trong vai trò nòng cốt của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng luôn được giữ vững góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Kết cấu hạ tầng viễn thông được xây dựng khá đồng bộ, công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi từ Trung ương đến địa phương; kinh tế số được hình thành và phát triển nhanh dần trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Kịp thời kiểm soát các hoạt động lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền, phát tán các quan điểm thù địch, sai trái chống phá Đảng, Nhà nước, kích động tập trung đông người gây rối an ninh, trật tư.
Trước, trong và sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các lực lượng chuyên trách đã gỡ bỏ hàng trăm trang web, hàng nghìn nhóm, tài khoản mạng xã hội phát tán thông tin xuyên tạc, đả kích lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xuyên tạc, bịa đặt về công tác nhân sự của Đảng; gỡ bỏ bài viết và xử phạt hành chính các đối tượng lợi dụng mối quan tâm của cộng đồng về công tác phòng chính dịch Covid-19 nhằm xuyên tạc những nỗ lực của Đảng, Chính phủ và toàn hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch bệnh và đánh cắp thông tin, dữ liệu cá nhân của người dùng.
Tuy nhiên, tình hình mất an toàn thông tin mạng tại một số nơi còn diễn ra phức tạp; công tác an ninh mạng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng còn nhiều vấn đề đang đặt ra: Đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều thách thức; công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược quốc phòng, an ninh có lúc chưa thật chủ động; công tác quản lý, đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng còn hạn chế.
Bên cạnh đó, việc chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan nhằm mang lại cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng đặt ra những thách thức với công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Với xu hướng Internet kết nối vạn vật và các hệ thống, hoạt động tấn công mạng của các thế lực thù địch, tội phạm mạng sẽ ngày càng gia tăng, không chỉ dừng lại ở mục đích thu thập thông tin bí mật, mà còn phá hoại cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin, thậm chí trở thành những loại vũ khí nguy hiểm, có sức tàn phá nặng nề, xâm phạm đến chủ quyền lợi ích quốc gia, dân tộc trên không gian mạng.
Một số nhiệm vụ cấp bách
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả quan điểm của Đảng, Nhà nước về an ninh mạng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng cần triển khai một số nhiệm vụ cấp bách sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng và bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Quy định rõ trách nhiệm của cấp uỷ và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp trong tổ chức triển khai và thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn an ninh mạng, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông và an ninh mạng; quản lý chặt chẽ các hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các ngành chức năng trong quản lý nhà nước về an ninh mạng. Xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng; cơ chế trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, đơn vị chủ quản hệ thống thông tin với các ban, ngành chức năng, doanh nghiệp an ninh mạng và quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên lĩnh vực này.
Thứ ba, tăng cường quản lý hoạt động báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, nhất là trang thông tin điện tử, báo điện tử theo quy định của pháp luật; kịp thời định hướng để báo chí tuyên truyền có hiệu quả, cung cấp thông tin chính thống đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về các sự kiện phức tạp, nhạy cảm, nhất là các sự kiện được dư luận quan tâm. Xây dựng quy chuẩn văn hóa của những người đưa thông tin lên mạng, như không đưa tin thất thiệt, không rõ nguồn lên mạng…; đồng thời, phải có chế tài đối với những người vi phạm, đưa tin thất thiệt, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, xã hội.
Thứ tư, làm tốt hơn nữa công tác thông tin tư tưởng để có thể “làm chủ” không gian mạng. Lực lượng Tuyên giáo, các cơ quan truyền thông cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về an ninh mạng cho người dùng; tăng cường thông tin chính thống, cổ vũ cái tốt, nhân rộng các điển hình; chủ động trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động trên không gian mạng.
Thứ năm, kiện toàn tổ chức, xây dựng và phát triển lực lượng chuyên trách an ninh mạng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng ngày càng tinh nhuệ, hiện đại, làm chủ thời cuộc, làm chủ công nghệ, chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; sẵn sàng đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên vùng lãnh thổ mới. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, phát triển đội ngũ chuyên gia giỏi, có phẩm chất đạo đức tốt làm việc trong các cơ quan, tổ chức bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, tác chiến không gian mạng, tác chiên điện tư, công nghệ thông tin; tích cực tham gia các hoạt động duy trì hoà bình, ổn định và phát triển an ninh mạng của các tổ chức quốc tế, hướng tới xây dựng giải pháp toàn cầu đối với an ninh mạng và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.