Quan hệ ASEAN - Ấn Độ: Chia sẻ giá trị, cùng chung vận mệnh
Nhiều năm qua, ASEAN và Ấn Độ đã xây dựng được mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, phát triển năng động vì lợi ích của hai bên. Nhân Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN - Ấn Độ và lễ lỷ niệm 69 năm Ngày Cộng hòa Ấn Độ (26/1), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao thăm Ấn Độ từ ngày 24 - 26/1. Với chủ đề “Chia sẻ giá trị, cùng chung vận mệnh”, Hội nghị là cơ hội thuận lợi để Việt Nam duy trì đà phát triển quan hệ với Ấn Độ, thể hiện vai trò tích cực điều phối quan hệ ASEAN - Ấn Độ.
Mối quan hệ phát triển không ngừng
Với vị trí địa - chính trị đặc biệt, án ngữ tuyến đường biển nối liền các khu vực có tiềm lực kinh tế, chính trị và quân sự lớn, khu vực Đông Nam Á đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia, trong đó có Ấn Độ. Trong khi đó, Ấn Độ cũng là cửa ngõ để Đông Nam Á giao lưu với Trung Á, Trung Cận Đông, một vùng có vị trí chiến lược quốc tế và dầu lửa lớn nhất thế giới.
Với tổng dân số hai bên lên đến 1,85 tỷ người, chiếm 1/4 dân số thế giới, tổng GPD của cả hai bên dự tính đạt hơn 3.800 tỷ USD, thị trường, nhu cầu rộng lớn của ASEAN và Ấn Độ, cùng với những tương đồng về địa lý, văn hóa và sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau đã thúc đẩy cho quan hệ ASEAN - Ấn Độ phát triển.
Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á đã có mối quan hệ từ lâu đời. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ấn Độ thiết lập quan hệ Đối thoại năm 1992, thời điểm Ấn Độ là một nền kinh tế hướng nội. Năm 1995, ASEAN và Ấn Độ nâng lên quan hệ Đối tác đối thoại toàn diện. Tháng 12/2012, Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Ấn Độ đã trở thành điểm mốc mang tính bước ngoặt trong quan hệ hai bên với tuyên bố nâng quan hệ lên Đối tác chiến lược.
Mối quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - ASEAN đã phát triển thành một trong những đối tác phát triển nhanh nhất, năng động và toàn diện nhất của ASEAN. Hiện nay, hai bên đã thiết lập được 30 cơ chế đối thoại, bao gồm hội nghị thượng đỉnh và các cuộc họp cấp bộ trên nhiều lĩnh vực. Hai bên đã hoàn tất việc triển khai Kế hoạch Hành động giai đoạn 2011 - 2015 và nhất trí sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ thông qua thực hiện hiệu quả Kế hoạch Hành động mới giai đoạn 2016 - 2020.
Về hợp tác chính trị - an ninh, Ấn Độ tái khẳng định ASEAN là trọng tâm trong chính sáchHành động hướng Đông, cam kết sâu hơn và hành động thiết thực hơn với khu vực, chia sẻ quan điểm ASEAN về xây dựng cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ, mở, toàn diện, cân bằng. Ấn Độ tiếp tục coi kết nối toàn diện với ASEAN là một trọng tâm thông qua việc bước đầu triển khai khoản tín dụng 1 tỷ USD cho các dự án kết nối, đề xuất lập Nhóm đặc trách ASEAN - Ấn Độ về kết nối, tăng thêm 50 triệu USD cho Quỹ hợp tác ASEAN - Ấn Độ...
Về Biển Đông, Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại không bị cản trở; giải quyết bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, bao gồm tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao, phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); các nguyên tắc thực thi Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC) và ủng hộ nỗ lực để sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận.
Việt Nam - người bạn lớn
Quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa Việt Nam và Ấn Độ hình thành từ những thập niên đầu thế kỷ XX, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlan Nehru đặt nền móng và các thế hệ lãnh đạo cùng nhân dân hai nước dày công vun đắp. Ấn Độ tích cực ủng hộ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất trước đây, cũng như trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế sau này.
Năm 2007, hai bên tuyên bố chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Đặc biệt, tháng 9/2016, quan hệ song phương được nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện, phản ánh sự phát triển sâu rộng, tin cậy và hiệu quả của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, đặc biệt trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2017.
Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng bình quân 16%/năm trong giai đoạn 2008 - 2013; riêng 2017 ước đạt khoảng 7,5 tỷ USD (tăng mạnh 37,7% so với 2016, đạt 5,4 tỷ USD).
Hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ đều là thành viên Hiệp định Đầu tư ASEAN - Ấn Độ trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ ký ngày 12/11/2014. Hai bên phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ LHQ… Trong vai trò điều phối viên quan hệ ASEAN - Ấn Độ (giai đoạn 2015 - 2018), Việt Nam ủng hộ Ấn Độ thực hiện Chính sách Hành động hướng Đông, các sáng kiến kết nối khu vực, hỗ trợ phát triển Tiểu vùng Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam, Sông Hằng - Sông Mê Kông (MGC).
Các nhà lãnh đạo Ấn Độ và ASEAN, trong đó có Việt Nam, tin tưởng rằng Hội nghị tổ chức tại New Delhi lần này sẽ đưa ra những quyết định quan trọng nhằm tiếp tục xây dựng quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ mạnh mẽ, hiệu quả hơn thời gian tới.