Quản lý chủ động, kiểm soát hiệu quả nợ công
Nhờ có những biện pháp điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, Bộ Tài chính, các chỉ tiêu an toàn nợ công của Việt Nam đã được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn trần được Quốc hội phê chuẩn cho từng giai đoạn và có xu hướng giảm dần, cơ cấu vay nợ ngày càng bền vững. Việc quản lý chủ động, kiểm soát hiệu quả nợ công đã góp phần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và bồi đắp dư địa chính sách tài khóa.
Trong giai đoạn vừa qua, nợ công của Việt Nam được kiểm soát hiệu quả, giảm sâu từ mức 63,7% GDP năm 2017 xuống mức 55,9% GDP năm 2020 trên cơ sở GDP chưa đánh giá lại.
Trong năm 2021, với việc tiếp tục thực hiện chủ trương hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài về cho vay lại, theo đó nợ công tiếp tục xu hướng giảm, được kiềm chế ở mức 43,1% GDP trên cơ sở đánh giá lại.
Theo ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, kết quả này đạt được chủ yếu nhờ việc thực hiện kiên trì, hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngân sách nhà nước và nợ công với mục tiêu, giải pháp và lộ trình cụ thể trong giai đoạn trước khi làn sóng lần thứ tư của đại dịch COVID-19 bùng phát.
Xu hướng giảm dần bội chi giúp giảm gánh nặng nợ công. Việc thực hiện hiệu quả nghiệp vụ quản lý nợ chủ động để tái cấu và giảm rủi ro nợ Chính phủ, siết chặt việc cấp mới các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh đã góp phần đảm bảo bền vững tài khóa, an toàn nợ công.
Cơ cấu vay nợ trong nước, nước ngoài cũng được điều chỉnh theo hướng bền vững hơn. Đối với cơ cấu dư nợ Chính phủ, tỷ trọng các khoản vay nước ngoài ngày càng giảm, từ 60% dư nợ Chính phủ năm 2010 xuống khoảng 40% năm 2016 và gần 33% tính đến cuối năm 2021, qua đó cũng góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá đối với danh mục nợ Chính phủ. Đối với danh mục nợ trong nước, dư nợ của các khoản trái phiếu chính phủ chiếm gần 86% và các khoản phát hành kể từ năm 2017 đến nay đều có kỳ hạn dài hơn 5 năm.
Công tác trả nợ luôn đảm bảo đúng hạn, không để xảy ra nợ quá hạn làm ảnh hưởng tới các cam kết, góp phần cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia và tăng dư địa chính sách tài khóa để tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế trước cú sốc vĩ mô.
Những kết quả kiểm soát nợ công đã đóng góp tích cực vào củng cố nền tài chính công của Việt Nam, được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao trong bối cảnh rất nhiều quốc gia phải gia tăng vay mạnh để ứng phó với đại dịch COVID-19.
Điều này được phản ánh thông qua hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từng bước được cải thiện. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm điều chỉnh triển vọng lên Tích cực kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, mới đây nhất là đánh giá của tổ chức Fitch cuối tháng 3/2022.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng hợp 4 tháng đầu năm 2022, vay trong nước và nước ngoài của Chính phủ khoảng 53.786 tỷ đồng (đạt 8,0% kế hoạch năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), trong đó vay cho ngân sách trung ương khoảng 51.320 tỷ đồng, bằng 7,9% kế hoạch, vay về cho vay lại 2.466 tỷ đồng, tương ứng với 9,2% kế hoạch được Chính phủ phê duyệt.
Về trả nợ, lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, trả nợ Chính phủ khoảng 92.897 tỷ đồng (27,7% kế hoạch), trong đó trả nợ trong nước 70.976 tỷ đồng, nợ nước ngoài 21.921 tỷ đồng; trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 85.070 tỷ đồng (28,4% kế hoạch), trả nợ cho vay lại khoảng 7.827 tỷ đồng (21,8% kế hoạch).
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 448/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2022-2024 và Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022. Theo đó, công tác nợ công sẽ tiếp tục đảm bảo nhiệm vụ huy động vốn vay thông qua đa dạng hóa nguồn vốn và phương thức vay trong nước và ngoài nước để đáp ứng nhu cầu cân đối ngân sách nhà nước, bao gồm huy động vốn vay để thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ, đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội phê duyệt; thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn trong nước.