Quản lý đầu tư công: Kinh nghiệm từ Nhật Bản, Hàn Quốc
Tại nhiều quốc gia, tùy vào mức độ phát triển và thể chế, vai trò, lĩnh vực đầu tư công, chính sách quản lý hình thức đầu tư này có những điểm riêng.
Kinh nghiệm từ Hàn Quốc trong công tác quản lý đầu tư công được đánh giá là gần gũi và phù hợp với nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Hàn Quốc đã bắt tay xây dựng một Khung quản lý đầu tư công vào năm 1999. Đây là sáng kiến giúp cải thiện vấn đề tài khóa cũng như hiệu quả chi tiêu của chính phủ cho các phúc lợi xã hội cũng như bộ máy Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, đánh giá tính khả thi của các dự án cũng vô cùng quan trọng. Trong hệ thông quản lý đầu tư công của Hàn Quốc, Trung tâm Quản lý đầu tư hạ tầng công- tư (PIMAC) thuộc Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) là cơ quan chịu trách nhiệm tiến hành lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi (PFS) đối với các dự án đầu tư công có quy mô lớn.
Tiếp sau đó, Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc sẽ chịu trách nhiệm thẩm định, thông qua và quyết định việc loại bỏ hoặc chuyển sang giai đoạn nghiên cứu khả thi các dự án này.
Theo TS. Kim Jung Wook, để khuyến khích, chính phủ Hàn Quốc đã tăng cường việc thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào các dự án phát triển kết cấu hạ tầng cũng là một trong số các giải pháp hiệu quả cần tính đến trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn.
Bên cạnh đó, với Nhật Bản, chính sách tài khóa mở rộng của chính phủ đã giúp đất nước này quản lý đầu tư công hiệu quả bằng cam kết tăng nhu cầu trong nước nhằm hạn chế thặng dư thương mại với Mỹ và chủ động triển khai thực hiện kế hoạch về đầu tư công.
Trước đây, đầu tư công ở Nhật Bản tập trung chủ yếu vào lĩnh vực an sinh xã hội (chiếm từ 40 - 50% tổng mức đầu tư công), tiếp đến là ngành công nghiệp, chiếm khoảng 20%. Trong khi đó, đầu tư công trong ngành nông - lâm - ngư nghiệp và bảo tồn đất đai có tỷ trọng tương đối thấp. Từ thực tế này cho thấy, việc phân bổ ngân sách giữa các bộ chưa thực sự linh hoạt.
Do đó, từ giữa năm 2010, Chính phủ Nhật Bản quyết định thực hiện chiến lược quản lý tài khóa, trong đó đề ra các mục tiêu củng cố tình hình tài khóa chặt chẽ. Để hoàn thành mục tiêu đặt ra, Nhật Bản đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung quản lý chặt chẽ ngân sách trung ương và địa phương.
Kết quả là đến năm 2015, tổng thâm hụt ngân sách của Chính phủ ở cấp Trung ương và địa phương được cắt giảm một nửa so với năm 2010 và dự kiến chuyển sang thặng dư ngân sách vào năm 2020. Chiến lược này còn đề ra tỷ lệ dư nợ đến năm 2021 phải giảm so với GDP.
Đây chính là định hướng lớn nhằm tạo sự chuyển biến lớn cho hoạt động đầu tư công ở nước này, tạo thêm lợi ích kinh tế trong dài hạn. Mặt khác, các cơ quan chức năng Nhật Bản hiện sử dụng nhiều phương pháp phân tích chi phí - lợi ích để thẩm định hiệu quả của các dự án đầu tư công.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng Nhật Bản đã công khai phương pháp thẩm định các dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Chẳng hạn, đối với các dự án đường bộ/đường nội đô, Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Nhật Bản trước đây đã thực hiện các phương pháp thẩm định khác nhau.
Để đảm bảo tính minh bạch, Nhật Bản đã phải chuẩn hóa và công khai hóa quy trình và phương pháp thẩm định, với việc ban hành những hướng dẫn chi tiết về việc thẩm định dự án đầu tư công theo từng lĩnh vực cụ thể và thống nhất. Điều này giúp bảo đảm lựa chọn được các dự án tốt hơn, nhất là trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công hạn chế và các dự án hạ tầng thường có quy mô lớn.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý và điều hành đầu tư công ngoài Chính phủ và các cơ quan chính quyền quận, thành phố còn có sự tham gia của các tổ chức hợp tác đầu tư giữa nhà nước và khu vực tư nhân.
Về phía Trung Quốc, việc tổ chức giám sát các dự án đầu tư công được thực hiện thông qua nhiều cấp, nhiều vòng giám sát khác nhau. Mục đích giám sát đầu tư của cơ quan chính phủ là đảm bảo đầu tư đúng mục đích, đúng dự án, đúng quy định và có hiệu quả. Cơ quan có dự án phải bố trí người thực hiện giám sát dự án thường xuyên theo quy định của pháp luật.
Trên thực tế, ở hầu hết các quốc gia dù ở mức độ phát triển nào đêu luôn quan tâm quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư của nhà nước một cách hiệu quả nhất. Theo kinh nghiệm của các nước OECD, đầu tư công tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu như xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu (đường bộ, đường sắt, nhà ở, hệ thống giáo dục); hỗ trợ tài chính cho quỹ hưu trí, người lao động; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ; các dự án đào tạo...
Mặt khác, trong quá trình phát triển, các nước đều không ngừng nghiên cứu hoàn thiện các điều luật, chính sách về sử dụng vốn nhà nước đáp ứng yêu cầu quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này phù hợp với hoàn cảnh trong từng giai đoạn phát triển. Một số chuyên gia cho rằng cần thiết phải có một văn bản pháp lý đủ mạnh đề quản lý quá trình đầu tư công một cách toàn diện và hiệu quả.