Sửa đổi Luật Đầu tư công: Góc nhìn đa chiều
Sau 4 năm triển khai thực hiện, bên cạnh kết quả tích cực, Luật Đầu tư công đã bộc lộ những hạn chế. Do đó, việc sửa đổi Luật Đầu tư công để có thể đến gần hơn các đối tượng liên quan và bị tác động đang được đặt ra cấp thiết.
Còn nhiều bất cập
Sau 4 năm triển khai và đi vào thực hiện, Luật Đầu tư công đã đạt được kết quả khá tích cực. Kỷ luật tài chính được tăng cường, kế hoạch đầu tư công trung hạn được luật hóa, “căn bệnh” đầu tư tràn lan đã được ngăn chặn, từng bước nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN). Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018, hệ số sử dụng vốn đầu tư (ICOR) của Việt Nam 3 năm sau khi áp dụng Luật Đầu tư công đã giảm từ mức 6,42 (năm 2016) xuống 6,11 (năm 2017) và còn 5,97 (năm 2018). Tuy nhiên, sau hơn 4 năm thực hiện, một số vấn đề tồn tại và phát sinh cần tiếp tục giải quyết.
Chia sẻ tại Tọa đàm Đối thoại chính sách “Sửa đổi Luật Đầu tư công - Bàn luận từ góc nhìn đa chiều” diễn ra mới đây, GS.,TS. Trần Thọ Đạt -thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng - nêu ý kiến: Hoạt động đầu tư công đang còn nhiều hạn chế. Cơ cấu vốn đầu tư công chưa hợp lý. Từ khi áp dụng Luật Đầu tư công mới, tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển từ NSNN đang giảm dần, chi tiêu cho đầu tư phát triển giai đoạn 2012-2017 chỉ đạt 6% mỗi năm, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 14% giai đoạn 2012-2016.
Nguyên nhân được GS.,TS. Trần Thọ Đạt đưa ra là vì chưa có nguồn lực thay thế ngay khoản đầu tư này. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, tình trạng giải ngân đầu tư công đang chậm trễ, ước tính đến ngày 31/12/2018, vốn giải ngân đầu tư từ NSNN chỉ đạt 67,6% dự toán (cùng kỳ năm 2017 cũng chỉ đạt 70,7% dự toán). Đã xuất hiện tình trạng Chính phủ phát hành trái phiếu để phục vụ đầu tư nhưng không giải ngân được dẫn đến việc Kho bạc Nhà nước phải đem gửi ở ngân hàng thương mại…
Liên quan đến vấn đề này, PGS.,TS. Nguyễn Văn Hùng - Trưởng khoa Đầu tư (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) - nhận xét, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, NSNN có tiền nhưng không tiêu được, trong khi nhiều công trình lại phải chờ vốn là những tồn tại cần tháo gỡ.
Định nghĩa lại nguồn vốn
Những vấn đề còn tồn tại nêu trên đã đặt ra yêu cầu cần sửa đổi Luật Đầu tư công nhằm tăng cường cơ chế, chính sách quản lý đầu tư công trong cơ chế thị trường. PGS.,TS. Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - kiến nghị, cần định nghĩa lại nguồn vốn đầu tư công trong Luật Đầu tư công, trong đó chỉ phân ra 3 loại nguồn vốn, phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, thay đổi kế hoạch đầu tư công hàng năm thành kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm cuốn chiếu, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước cũng như tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa kế hoạch vốn đầu tư công với kế hoạch tài chính ngân sách…
Bà Phạm Thúy Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Xây dựng pháp luật (Văn phòng Chính phủ) - cho rằng, chính sách đầu tư công cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng đảm bảo vai trò của nhà nước trong điều hành kinh tế thị trường, tách bạch giữa chức năng quản lý kinh tế và chức năng đầu tư nhà nước.
Một số chuyên gia cho rằng, Luật Đầu tư công (sửa đổi) cần áp dụng mạnh mẽ hơn các nguyên tắc công khai, minh bạch, chịu trách nhiệm cá nhân; lựa chọn và đánh giá dự án đầu tư công dựa trên các tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường. Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới, Quốc hội khóa XIV cũng sẽ xem xét sửa đổi Luật Đầu tư công.
Dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư công sẽ được tiếp tục lấy ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV tới đây.