Quản lý, điều phối cung ứng cát, khai thác mỏ theo hướng ưu tiên cho các công trình trọng điểm
Chiều ngày 11/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm có buổi làm việc với tỉnh Đồng Tháp về việc rà soát, điều phối nguồn vật liệu san lấp phục vụ thi công cho các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Tháp, năm 2023, tổng lượng cát dự kiến cung ứng cao tốc Trung ương là 4 triệu m3, gồm: cao tốc Cao Lãnh - An Hữu là 0,7 triệu m3; cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau là 3,3 triệu m3.
Về tình hình cung ứng cát cho các cao tốc, đối với cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, để đáp ứng nhu cầu cát thi công, ngay trong tháng 9 và tháng 10, trên cơ sở rà soát, đề xuất của các đơn vị liên quan, UBND tỉnh đã xem xét, thống nhất chủ trương tạm điều chuyển 121.011m3 cát để ưu tiên cung ứng cho cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thi công san lấp một số hạng mục công trình.
Đối với cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, thực hiện theo Thông báo số 175/TP-VPCP của Văn phòng Chính phủ, Đồng Tháp sẽ cung ứng 7 triệu m3 cát cho dự án. Đến nay, Đồng Tháp cung ứng xong 371.000 m3 cát và giới thiệu 6 mỏ cát (trong đó qua khảo sát có 5 mỏ cát đủ điều kiện để nhà thầu thi công theo cơ chế đặc thù theo quy định). Ngày 20/9/2023, UBND tỉnh đã bàn giao 1 mỏ cát tại thực địa (mỏ cát An Nhơn, huyện Châu Thành) để nhà thầu tiến hành khai thác, 4 mỏ còn lại, phấn đấu trong tháng 10/2023 hoàn thành thủ tục đưa vào khai thác.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho biết, đối với vấn đề quản lý khai thác, cung ứng cát cho dự án cao tốc, tỉnh cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc và có sự điều phối hợp lý để đáp ứng nhu cầu dự án cao tốc. Tuy nhiên, để đảm bảo vấn đề quản lý, điều phối nguồn vật liệu cát giữa các địa phương cần có sự thống nhất, Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị cần có một quy chế chung cho các địa phương trong vùng…
Đồng Tháp cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho khảo sát đánh giá tổng thể lượng cát và tác động môi trường trên các tuyến sông Tiền và sông Hậu. Hướng dẫn cụ thể trình tự, các bước triển khai thực hiện nạo vét chỉnh trị dòng chảy các bãi bồi, cồn nổi để hạn chế sạt lở;
Nghiên cứu, ban hành quy chế phối hợp thực hiện và trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ngành liên quan, chủ đầu tư, nhà thầu và địa phương đối với các mỏ cát thực hiện theo cơ chế đặc thù; đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ xem xét, thống nhất chủ trương về việc Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu và cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh được áp dụng cơ chế đặc thù trong cung ứng vật liệu…
Ghi nhận các kiến nghị của tỉnh Đồng Tháp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho rằng, Chính phủ áp dụng cơ chế đặc thù nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tiết kiệm ngân sách. Do đó không được phép lợi dụng chính sách để trục lợi.
Để thực hiện nghiêm công tác này, Bộ trưởng đề nghị địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, lắp đặt hệ thống giám sát việc khai thác mỏ và cung ứng cát cho các công trình giao thông trọng điểm; quan tâm công tác hoàn thành thủ tục đưa vào khai thác các mỏ còn lại.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ Lê Quốc Phong khẳng định, với trách nhiệm được giao, Đồng Tháp đã bắt tay vào lộ trình chuẩn bị công việc và cam kết sẽ cung ứng đầy đủ số lượng cát cho công trình giao thông trọng điểm theo yêu cầu của Chính phủ. Trong công tác rút ngắn thủ tục mở mỏ, Bí thư Tỉnh uỷ khẳng định đây là nhiệm vụ ưu tiên, hàng đầu nên sẽ đề nghị các ngành, địa phương có sự phối hợp chặt chẽ trong việc rút ngắn thủ tục, thời gian thực hiện. Bên cạnh đó, đối với khai thác yêu cầu nhà thầu có bản theo dõi tiến độ, khối lượng và đảm bảo an toàn môi trường.