Quản lý, giám sát ngành chứng khoán trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Theo Tạp chí Chứng khoán 12/2017

Giống như những cuộc cách mạng trước, cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư (The Fourth Industrial Revolution - 4IR) có khả năng tăng mức thu nhập toàn cầu và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân toàn thế giới. Đi cùng với biến đổi từ cuộc cách mạng này, ngành Tài chính nói chung hay lĩnh vực chứng khoán nói riêng là một trong những lĩnh vực hàng đầu luôn phải tiếp cận và đổi mới công nghệ thông tin (CNTT).

4IR đã và đang tác động mạnh mẽ khiến tần suất nghiên cứu và ứng dụng CNTT mới. Nguồn: Internet
4IR đã và đang tác động mạnh mẽ khiến tần suất nghiên cứu và ứng dụng CNTT mới. Nguồn: Internet

4IR đã và đang tác động mạnh mẽ khiến tần suất nghiên cứu và ứng dụng CNTT mới, hiện đại trong giao dịch, lưu trữ, phân tích xu thế, biến động thị trường ngày càng tăng. Bên cạnh những tác động tích cực nêu trên, việc áp dụng những tiến bộ khoa học từ 4IR cũng gây ra những tác động tiêu cực làm xáo trộn thị trường từ những hoạt động thiếu minh bạch, trục lợi cá nhân…

Thị trường chứng khoán (TTCK) có vai trò then chốt đối với sự phát triển thị trường tài chính nói riêng và với nền kinh tế nói chung. Vai trò này chỉ có thể được thực hiện khi các giao dịch trên thị trường được diễn ra một cách hợp pháp, công bằng và minh bạch, tạo điều kiện tăng tính hiệu quả và giảm thiểu rủi ro của thị trường. Trên cơ sở nhận diện cơ hội và thách thức mà ngành Chứng khoán phải đối mặt, bài viết đưa ra một số khuyến nghị trong quản lý, giám sát để thị trường hoạt động ổn định và phát triển, đảm bảo công bằng đối với các bên tham gia, đồng thời chủ động tiếp nhận thành công với xu hướng của cuộc 4IR. 

Đặt vấn đề

4IR được dự báo sẽ mang lại nhiều thay đổi đột phá cho tổng thể ngành Tài chính nói chung và lĩnh vực chứng khoán nói riêng. Với việc áp dụng các sáng tạo trong CNTT, vượt xa với việc áp dụng phần mềm hỗ trợ như hiện nay, việc chuyển đổi cấu trúc của giao dịch tài chính thông qua sử dụng các kỹ thuật lưu trữ thông tin bằng mã hóa và các công nghệ khác đã dần xóa nhòa ranh giới giữa các thị trường, các khu vực.

Điều này tạo ra rào cản khá lớn trong giám sát và thực thi các quy định xuyên quốc gia nhằm đảm bảo an ninh kinh tế của mọi quốc gia trên thế giới, đặc biệt đối với Việt Nam trong điều kiện đang nỗ lực thực hiện tái cấu trúc ngành Chứng khoán.

Bài viết này sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp để luận giải và làm rõ những vấn đề từ lý luận đến thực tiễn về 4IR, từ đó đánh giá và đưa ra một số khuyến nghị nên được xem xét trong quản lý, giám sát TTCK Việt Nam.

Các cuộc CMCN

C.Mác đã từng nhận xét: “Những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì, mà là ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào với những tư liệu lao động nào”. Đi sâu nghiên cứu nền sản xuất xã hội, C.Mác phát hiện ra quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ của lực lượng sản xuất. Trong lực lượng sản xuất, vai trò của khoa học công nghệ được thể hiện ở trình độ của người lao động và trình độ của công cụ lao động, là “sức mạnh của tri thức đã được vật thể hóa”.

Khi các tiến bộ của khoa học công nghệ trong lĩnh vực sản xuất có một sự thay đổi mang tính đột biến, triệt để, làm thay đổi cơ bản các điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa, kỹ thuật. Thời điểm đó, một “cuộc CMCN” được hình thành. Và trong lịch sử thế giới, rất nhiều cuộc cách mạng như vậy đã xảy ra, làm thay đổi sâu sắc trong các hệ thống kinh tế và kết cấu xã hội.

CMCN đầu tiên sử dụng năng lượng hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. CMCN lần thứ hai đã tạo ra điện năng và phương thức sản xuất theo quy mô. Lần thứ ba sử dụng điện tử và CNTT để tự động hóa sản xuất.

4IR đang được hình thành trên nền tảng của CMCN lần thứ 3. Cuộc cách mạng này đặc trưng bởi Internet ngày càng phổ biến, công nghệ số với phần cứng máy tính, phần mềm và hệ thống mạng đang trở nên ngày càng phức tạp hơn, được tích hợp nhiều hơn và vì vậy đang làm biến đổi xã hội và nền kinh tế toàn cầu.

Đó là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống thực và ảo, Internet kết nối vạn vật (IoT) và các hệ thống kết nối Internet (IoS). Nói một cách ngắn gọn thì viễn cảnh các nhà máy thông minh, trong đó các máy móc được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định có vẻ sẽ không còn xa xôi nữa.

4IR và tương lai ngành Chứng khoán

4IR thể hiện trong lĩnh vực chứng khoán được tạo dựng trên cơ sở đổi mới công nghệ tài chính hay còn gọi là Fintech (Financial technology), những thay đổi này đã bắt đầu từ nội tại của các doanh nghiệp và TTCK được kích hoạt bởi sự kết thúc của tài chính hóa và những đổi mới tập trung vào lĩnh vực CNTT và truyền thông. Các công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ tài chính để hiện đại hóa hạ tầng giao dịch, cải tiến các sản phẩm và dịch vụ…

Những đổi mới trong lĩnh vực CNTT, truyền thông và một số lĩnh vực thiết yếu khác sẽ đóng vai trò tạo động lực thay đổi cơ bản trong hệ thống kinh tế trung và dài hạn, chẳng hạn thay đổi nền kinh tế dựa vào tín dụng sang nền kinh tế tín dụng dựa vào nền tảng mảng, gia tăng các thị trường giao dịch phi thị trường, mất dần ranh giới giữa các cá nhân, các tập đoàn và các thị trường dẫn đến việc cân nhắc lại vai trò của các tổ chức trung gian tài chính trên TTCK (xem Bảng 1).

Trong lĩnh vực chứng khoán, Fintech cho phép phát triển các sản phẩm mới và dịch vụ có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng hiệu quả hơn với chi phí thấp hơn, nâng cao hiệu quả phân phối sản phẩm và dịch vụ. Từ đó mang lại lợi ích cho nền kinh tế vĩ mô thông qua hội nhập tài chính, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi. Theo Báo cáo của McKinsey Global Institute gần đây, dự đoán việc áp dụng rộng rãi công nghệ số trong tài chính có thể làm tăng GDP của tất cả các nền kinh tế mới nổi lên 6%, đạt 3,7 nghìn tỷ USD vào năm 2025.

Quản lý, giám sát thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời kỳ 4IR

TTCK Việt Nam sau hơn 17 năm hoạt động đã chứng tỏ vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính, đang dần trở thành một kênh huy động vốn hữu ích, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước. Tính đến ngày 31/8/2017, mức vốn hóa thị trường (không kể thị trường trái phiếu) đạt gần 2.642 nghìn tỷ đồng, tăng 35,7% so với cuối năm 2016, tương đương 58,7% GDP, mức cao nhất kể từ khi thị trường mở cửa.

Theo Quyết định số 450/QĐ-TTg về Chiến lược tài chính đến năm 2020 và Quyết định số 252/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 thì đến năm 2020, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu phấn đấu đạt khoảng 70% GDP và tổng dư nợ trái phiếu khoảng 30% GDP.

Để có thể đạt được mục tiêu này, rất cần có sự ủng hộ của Chính phủ, Bộ Tài chính và các cấp Bộ, ngành để thị trường có thể phát triển nhanh, mạnh, vững chắc và có mức tăng trưởng đột phá. Bên cạnh đó, chúng ta luôn nỗ lực tìm kiếm giải pháp để thị trường phát triển ổn định và bền vững, liên tục nghiên cứu, ứng dụng thành công công nghệ hiện đại không chỉ cho hệ thống hạ tầng cơ sở giao dịch, hệ thống giám sát hiện đại tương hợp với hệ thống của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, tiến trình thực hiện 4IR đã cho thấy ranh giới giữa các ngành, lĩnh vực, giữa các quốc gia đang dần bị xóa nhòa. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi cho hoạt động kết nối thị trường quốc tế, tiến trình hòa nhập thì 4IR cũng gây khá nhiều bất lợi cho hoạt động phòng chống rửa tiền, quản lý dòng vốn… từ đó ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững TTCK thậm chí là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng thị trường tài chính. Để tận dụng triệt để công nghệ hiện đại từ thành quả của 4IR, đồng thời hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực của 4IR đến thị trường tài chính nói chung và TTCK nói riêng, cần phải cân nhắc:

Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động giám sát tuân thủ - phát triển công nghệ đang thay đổi cơ bản bản chất cũng như văn hóa và thể chế của TTCK. Trọng tâm của các thay đổi này phát triển theo hướng sử dụng công nghệ để điều tiết, quản lý lĩnh vực cung cấp dịch vụ tạo điều kiện phát hiện và phản ứng tốt hơn đối với các hành vi vi phạm, chủ động trong phòng ngừa rủi ro, thông qua việc:

+ Trao quyền cho các doanh nghiệp để đào tạo nhân viên tốt hơn và quản lý rủi ro tuân thủ đối với doanh nghiệp;

+ Nâng cao khả năng phòng ngừa rủi ro do thiếu tuân thủ trong các doanh nghiệp, điều này được thể hiện từ đạo đức hành nghề của nhân viên phụ trách tuân thủ.

Thứ hai, tăng cường giám sát hoạt động của các tổ chức trung gian trên thị trường - dựa vào niềm tin của khách hàng mà các tổ chức trung gian thực hiện tư vấn thiếu trung thực, gian lận về các sản phẩm hoặc dịch vụ trên TTCK làm tăng nguy cơ gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Việc áp dụng công nghệ để nắm bắt, lưu trữ, và phân tích dữ liệu làm giảm nguy cơ dữ liệu bị lạm dụng, phát hiện và ngăn chặn những dấu hiệu bất thường.

Thứ ba, bảo mật thông tin - các dịch vụ tài chính tự động cho phép truy cập thông tin dữ liệu từ các kho lưu trữ theo yêu cầu của khách hàng, trong một số trường hợp các dữ liệu này được sử dụng với mục đích thao túng thông tin để trục lợi cá nhân hoặc gây ảnh hưởng xấu đến thị trường. Để đảm bảo an toàn thông tin của nhà đầu tư, cần phải áp dụng các hàng rào bảo vệ giới hạn phạm vi cho mỗi đối tượng được phép tiếp cận thông tin.

Thứ tư, thường xuyên thanh kiểm tra các giao dịch - thông qua việc áp dụng mô hình trực quan trên cơ sở dữ liệu thứ cấp để quan sát các mối liên hệ giữa người, hoạt động giao dịch thực và thời gian thực hiện giao dịch, từ đó phát hiện các giao dịch bất thường.

Thứ năm, hợp tác xuyên biên giới - nhằm quản lý và điều chỉnh các hoạt động giao dịch xuyên biên giới để kiểm soát chặt chẽ dòng vốn vào - ra một cách bất thường, ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường, thậm chí gây khủng hoảng do dòng vốn vào hoặc ra một cách ồ ạt. Đồng thời, hoạt động hợp tác này còn nhằm ngăn chặn các hành vi rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.

Kết luận

4IR đã liên tục đưa ra những nghiên cứu và được ứng dụng tốc độ ngày càng nhanh hơn, tạo ra những cơ hội mới không chỉ cho nhà đầu tư mà cho cả các bên tham gia thị trường khác. Điều này cũng là thách thức đối với cơ quan quản lý trong hoạt động giám sát thực thi nhiệm vụ bảo vệ nhà đầu tư, đảm bảo thị trường công bằng và ổn định tài chính.

Kỳ vọng 4IR thành công và ngành Chứng khoán nỗ lực liên tục đổi mới và tăng trưởng thông qua việc áp dụng thành quả kỹ thuật khoa học tài chính hiệu quả cho một tương lai TTCK Việt Nam ngày càng hòa nhập nhưng vẫn đảm bảo an toàn an ninh không chỉ trong lĩnh vực chứng khoán mà cả hệ thống tài chính Việt Nam.