Quản lý rủi ro thông tin trên thị trường chứng khoán: Thực trạng và giải pháp
Mặc dù có rất nhiều loại hình rủi ro khác nhau, tuy nhiên rủi ro thông tin lại được coi là một trong những rủi ro ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán (TTCK) nói chung cũng như doanh nghiệp nói riêng bởi lẽ khi rủi ro xảy ra đều dẫn đến thiệt hại về tài chính cho doanh nghiệp và rộng hơn là cho nền kinh tế.
Tổng quan về rủi ro thông tin và quản lý rủi ro thông tin trên TTCK
Trong lý thuyết kinh tế thị trường cạnh tranh, rủi ro luôn gắn liền với quá trình đầu tư và quá trình phát triển. Khi đầu tư, nhà đầu tư luôn mong muốn đạt được mục tiêu là tối đa hóa lợi nhuận, mong muốn sẽ có một khoản tiền nào đó trong tương lai, tuy nhiên không ai có thể chắc chắn được mình có thu được khoản tiền như dự tính hay không, đó chính là rủi ro.
Cho đến nay, chưa có được định nghĩa thống nhất về rủi ro, những trường phái khác nhau, các tác giả khác nhau đưa ra những định nghĩa khác nhau về rủi ro khác nhau. Những định nghĩa này rất phong phú và đa dạng, nhưng tập trung lại có thể chia thành hai trường phái lớn: Theo trường phái truyền thống, rủi ro được xem là sự không may mắn, sự tổn thất mất mát, nguy hiểm.
Nó được xem là điều không lành, điều không tốt, bất ngờ xảy đến. Đó là sự tổn thất về tài sản hay là sự giảm sút lợi nhuận thực tế so với lợi nhuận dự kiến. Rủi ro còn được hiểu là những bất trắc ngoài ý muốn xảy ra trong quá trình kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp, tác động xấu đến sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp.
Còn theo trường phái hiện đại, rủi ro là sự bất trắc có thể đo lường được, vừa mang tính tích cực, vừa mang tính tiêu cực. Rủi ro có thể mang đến những tổn thất mất mát cho con người nhưng cũng có thể mang lại những lợi ích, những cơ hội. Nếu tích cực nghiên cứu rủi ro, người ta có thể tìm ra những biện pháp phòng ngừa, hạn chế những rủi ro tiêu cực, đón nhận những cơ hội mang lại kết quả tốt đẹp cho tương lai.
Trong cuốn Sổ tay hướng dẫn nhận thức rủi ro của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho rằng rủi ro là khả năng một sự kiện có thể xảy ra và tác động (có thể đe dọa hoặc cơ hội) đến việc hoàn thành các mục tiêu kinh doanh đề ra.
Rủi ro trên TTCK được phân chia thành 2 loại chủ yếu:
(1) Rủi ro hệ thống là rủi ro tác động đến toàn bộ hoặc hầu hết các cổ phiếu. Sự bấp bênh của môi trường kinh tế nói chung như sự sụt giảm GDP, biến động lãi suất, tốc độ lạm phát thay đổi... là những minh chứng cho rủi ro hệ thống, những biến đổi này tác động đến sự dao động giá cả của các cổ phiếu trên thị trường;
(2) Rủi ro phi hệ thống xảy ra đối với một chứng khoán cụ thể, một công ty hay một ngành kinh doanh nào đó.
Rủi ro thông tin nằm trong rủi ro phi hệ thống và được hiểu là:
(i) Rủi ro trong việc truyền tin và bảo vệ tin (khỏi bị sai lệch, đánh cắp…), chủ yếu là thông tin từ bên trong một tổ chức tạo điều kiện thực hiện giao dịch gây tổn thất cho những đối tượng không được tiếp cận hoặc tiếp cận chậm;
(ii) Rủi ro trong việc tiếp nhận thông tin chủ yếu là thông tin từ bên ngoài.
Rủi ro thông tin là một trong những loại hình rủi ro chính trong đầu tư, cũng như trong các hoạt động khác. Nó thể hiện ở một số dạng chính như sau:
Thứ nhất, thông tin bất đối xứng (asymmetric information) tức là có người biết được nhiều thông tin hơn người khác, và trục lợi được từ việc biết các thông tin đó. Những nhà đầu tư không biết hoặc biết ít thông tin hơn, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ, hay bị thiệt thòi. Khi thông tin đến được nhà đầu tư nhỏ, thì thường nó đã quá muộn màng, nên không thể xử lý kịp vì giá cả thị trường đã thay đổi.
Một hiện tượng rất hay xảy ra trên thị trường là sau khi giá chứng khoán đã thay đổi rất mạnh thì mới xuất hiện thông tin trên phương tiện truyền thông đại chúng giải thích vì sao lại có sự thay đổi giá đó;
Thứ hai, loạn thông tin (information overload): trong khi nhà đầu tư không có được các thông tin thực sự quan trọng và khách quan để có thể dựa vào đó để đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn, thì lại luôn nhận được một đống “thông tin” có thể gọi là rác, vô giá trị, thậm chí giá trị âm vì phản ánh sai sự thật, khiến cho nhà đầu tư lại càng bị mất thời giờ hơn và khó khăn hơn trong việc xử lý thông tin.
Bản thân các “cá mập” trên thị trường tài chính cũng hay dùng chiến thuật tung hỏa mù để khiến cho các đối thủ của mình bị loạn thông tin, và trục lợi từ việc làm đó.
Quản lý rủi ro (QLRR) thông tin - rủi ro thông tin luôn là mối đe dọa đối với hoạt động kinh doanh phát sinh từ việc đối tượng tiếp nhận thông tin thiếu trung thực.
QLRR thông tin là động lực ban đầu để thúc đẩy minh bạch thông tin, phát triển hệ thống thông tin phức hợp nhằm đo lường các hoạt động có thể mang lại rủi ro. QLRR thông tin tạo điều kiện giám sát và kiểm soát thông tin hiệu quả không chỉ ở cấp vi mô mà cả môi trường vĩ mô.
QLRR thông tin sẽ hạn chế lỗ hổng về thông tin công bố, đặc biệt các thông tin nhạy cảm như thông tin tài chính, thay đổi nhân sự cấp cao… làm cho hoạt động kinh doanh cũng như điều hành minh bạch hơn.
Quá trình QLRR thông tin là một chuỗi khép kín có mối quan hệ phụ thuộc, không có bắt đầu và không có kết thúc, chuỗi khép kín gồm: nhận dạng rủi ro thông tin → phân tích rủi ro thông tích → xây dựng kế hoạch QLRR thông tin → thực hiện kế hoạch → giám sát quá trình QLRR thông tin → Kiểm soát rủi ro thông tin.
Thực trạng QLRR trên TTCK Việt Nam
Rủi ro thông tin trên TTCK phần nhiều liên quan đến vấn đề minh bạch thông tin không chỉ đối với tổ chức niêm yết (TCNY), trung gian tài chính mà cả các định chế cũng như tổ chức quản lý đang dần thiếu đi lòng tin của nhà đầu tư đối với chất lượng công bố thông tin (CBTT). Cùng với sự phát triển của TTCK, ngày càng xuất hiện nhiều dạng vi phạm mới, tinh vi hơn, phức tạp hơn.
Đặc biệt, vấn đề minh bạch thông tin trên TTCK Việt Nam lâu nay vẫn chưa đạt mức kỳ vọng của nhà đầu tư. Minh bạch kém cũng đồng nghĩa là thông tin chính thống “lép vế” trước các thông tin hành lang, tin đồn, tin nội gián. Bên cạnh đó, tình trạng chậm CBTT, thậm chí không CBTT tại một số công ty đại chúng (CTĐC) đã diễn ra trong một thời gian dài.
Đến nay, dù nhiều doanh nghiệp đã “đổi mới tư duy” về việc cần phải minh bạch thông tin, nhưng mức độ CBTT vẫn còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của cổ đông. Bên cạnh việc chờ đợi những giải pháp mạnh tay hơn từ phía cơ quan quản lý, nhà đầu tư mong muốn các công ty cần có ý thức hơn cũng như chủ động hơn trong việc đưa thông tin doanh nghiệp ra công chúng.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường, pháp luật về chứng khoán và TTCK đã liên tục bổ sung, ban hành mới các quy định về CBTT nhằm quản lý hiệu quả rủi ro thông tin trên TTCK, cụ thể:
Ngày 18/4/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 38/2007/TT-BTC hướng dẫn về việc CBTT trên TTCK (Thông tư 38). Tuy nhiên, trong giai đoạn này, TTCK Việt Nam có sự thay đổi và phát triển đột biến cả về quy mô và chủng loại hàng hóa từ làn sóng niêm yết, do đó dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường và đòi hỏi phải thay đổi hệ thống CBTT trên TTCK.
Bên cạnh đó, TTCK mới hình thành và được coi là non trẻ của Việt Nam trong những năm này bị ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và những biến động phức tạp của nền kinh tế trong nước. Sự biến động đó tất yếu dẫn đến sự thay đổi các quy định pháp luật nói chung và pháp luật về TTCK nói riêng.
Sự ra đời của Thông tư số 09/2010/TT-BTC ngày 15/01/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc CBTT trên TTCK (Thông tư 09) thay thế Thông tư 38 là minh chứng cho sự thay đổi đó. Thông tư 09 đã bổ sung thêm đối tượng CBTT là “tổ chức đăng ký giao dịch” và bước đầu yêu cầu các tổ chức này CBTT, đồng thời yêu cầu CTĐC phải lập website với đầy đủ các chuyên mục về quan hệ cổ đông, trong đó phải có Điều lệ công ty, quy chế quản trị nội bộ, báo cáo thường niên, báo cáo tài chính (BCTC) và các vấn đề liên quan đến họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ).
Đây là cơ sở để các CTĐC áp dụng hệ thống CBTT điện tử, qua đó đảm bảo tính kịp thời và phổ biến của thông tin công bố. Đối với BCTC, ngoài việc kế thừa quy định TCNY phải công bố BCTC năm đã được kiểm toán và BCTC quý, Thông tư 09 còn bổ sung quy định TCNY phải CBTT BCTC bán niên (6 tháng đầu năm) đã được soát xét bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.
Ngoài ra, Thông tư cũng bổ sung nhiều trường hợp CTĐC phải CBTT, đặc biệt là các thông tin phải công bố bất thường trong vòng 24 giờ; đồng thời quy định nguyên tắc UBCKNN chấp thuận tạm hoãn CBTT trong trường hợp các đối tượng CBTT không thể thực hiện đúng thời hạn vì những lý do bất khả kháng và buộc công ty phải thực hiện công bố ngay sau khi sự kiện bất khả kháng đã được khắc phục. Có thể nói, sự ra đời của Thông tư 09 đánh dấu sự thay đổi toàn diện về chế định CBTT trên TTCK trước đòi hỏi minh bạch hóa thị trường cũng như đáp ứng nhu cầu về thông tin của nhà đầu tư.
Thông tư này cùng với các văn bản pháp quy khác như Nghị định số 84/2010/NĐ-CP ngày 02/8/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (thay thế Nghị định số 14/2007/NĐ-CP); Nghị định số 85/2010/NĐ-CP ngày 02/8/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK (thay thế Nghị định số 36/2007/NĐ-CP) và sau đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán ngày 24/11/2010 đã tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ điều chỉnh hoạt động CBTT trên TTCK nói chung cũng như hoạt động CBTT của CTĐC nói riêng.
Với nỗ lực công khai hóa, minh bạch hóa TTCK và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của nhà đầu tư, ngày 05/4/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 52/2012/TT-BTC hướng dẫn CBTT trên TTCK (Thông tư 52) thay thế cho Thông tư 09 với nhiều quy định mới. Tại Thông tư này, lần đầu tiên chế định CBTT đối với CTĐC áp dụng theo quy mô công ty.
Thuật ngữ “CTĐC quy mô lớn” được quy định cụ thể, đồng thời các công ty này (công ty có vốn điều lệ thực góp từ 120 tỷ đồng trở lên và có số lượng cổ đông không thấp hơn 300 cổ đông) không phụ thuộc vào việc có niêm yết chứng khoán hay không đều phải thực hiện nghĩa vụ CBTT như các TCNY.
Bên cạnh đó, thời hạn CBTT báo cáo tài chính của CTĐC cũng được rút ngắn lại, phù hợp với quy định về kế toán và kiểm toán. Ngoài ra, nghĩa vụ CBTT của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ CTĐC và nghĩa vụ CBTT của công ty chứng khoán cũng được điều chỉnh theo hướng chặt chẽ hơn. Tại Thông tư 52, nguyên tắc xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ CBTT cũng lần đầu tiên được ghi nhận.
Bên cạnh Thông tư 52, các văn bản pháp quy khác như Thông tư số 121/2012/TT-BTC ngày 26/6/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản trị công ty (QTCT) áp dụng cho các CTĐC, trong đó có quy định nghĩa vụ CBTT của CTĐC liên quan đến QTCT và Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán (thay thế Nghị định số 85/2010/NĐ-CP) đã quy định cụ thể các hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm chế độ báo cáo và CBTT.
Các văn bản này đã tạo ra hệ thống văn bản thống nhất, đồng bộ điều chỉnh hoạt động CBTT của các chủ thể tham gia thị trường, trong đó có CTĐC.
Ngày 6/10/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 155/2015/TT-BTC (Thông tư 155) hướng dẫn CBTT trên TTCK, thay thế Thông tư 52, với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung so với Thông tư 52, đảm bảo thống nhất với quy định mới tại Luật Doanh nghiệp 2014.
Ngoài ra, để ngăn chặn các rủi ro thông tin mà căn nguyên chủ yếu do thiếu minh bạch trong CBTT đã được bổ sung, quy định tại Bộ luật Hình sự như sau:
Đối với tội cố ý CBTT sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán theo quy định của Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 được quy định tại Điều 181a Bộ luật Hình sự quy định nội dung về tội cố ý CBTT sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán.
Trên thực tế, chủ thể của tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán có thể rơi vào một trong ba trường hợp sau:
(i) Nhóm người có chức vụ và cổ đông lớn gồm: thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc của CTĐC; thành viên ban đại diện quỹ đại chúng; cổ đông lớn của CTĐC, quỹ đại chúng;
(ii) Nhóm người được tiếp cận thông tin nhờ vị trí công tác: người kiểm toán BCTC của CTĐC, quỹ đại chúng; công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và người hành nghề chứng khoán của công ty; cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh, cung cấp dịch vụ với CTĐC, quỹ đại chúng và cá nhân làm việc trong tổ chức đó;
(iii) Nhóm người khác tiếp cận được thông tin nội bộ trong CTĐC, quỹ đại chúng; cá nhân, tổ chức trực tiếp hoặc gián tiếp có được thông tin nội bộ từ những đối tượng trên.
Đây là tội phạm có cấu thành vật chất, do đó tội phạm hoàn thành khi người phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng ở đây được hiểu là hành vi đó gây lũng đoạn thị trường giao dịch chứng khoán hoặc gây thiệt hại đến quyền lợi của nhà đầu tư hoặc gây thiệt hại đến quyền lợi của doanh nghiệp bị thông tin sai sự thật.
Khung hình phạt cho tội này, gồm: Khung cơ bản: phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm; Khung tăng nặng: phạt tù từ 1 năm đến 5 năm nếu có một trong các tình tiết định khung tăng nặng sau: Có tổ chức, thu lợi bất chính lớn, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; Hình phạt bổ sung: phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 150 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Khuyến nghị QLRR thông tin hiệu quả trên TTCK
Rủi ro thông tin chủ yếu bắt nguồn từ sử dụng thông tin thiếu minh bạch, do vậy để QLRR thông tin hiệu quả đòi hỏi phải có sự kết nối thông qua hệ thống thông tin hiện đại có sự kiểm soát hạn chế hiện tượng CBTT sai sự thật, xây dựng chế tài phù hợp, đảm bảo đủ sức răn đe trước các nguy cơ thao túng thông tin trên TTCK.
Để quản lý hiệu quả rủi ro thông tin, cần phải tăng cường giám sát hoạt động trên TTCK - giải pháp để hạn chế tình trạng không công bằng trong việc CBTT thì cơ quan quản lý cần phải xây dựng cơ chế giám sát loại trừ rủi ro thông tin theo hướng:
Thứ nhất, thiết lập bằng hệ thống các văn bản pháp luật kiểm soát hoạt động của bên tham gia TTCK, bằng bộ phận giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, của Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK), các hiệp hội ngành nghề.
Đồng thời, cơ chế giám sát còn phải thể hiện ở việc xử lý các trường hợp vi phạm minh bạch hóa thông tin để đảm bảo các TCNY, các nhà đầu tư tham gia trên thị trường được tuân thủ đúng quy định pháp luật và tạo sân chơi lành mạnh bình đẳng về mặt thông tin cho tất cả các đối tượng trên thị trường. Hơn nữa, bản thân các nhà đầu tư hay chủ sở hữu cũng có thể thiết lập cơ chế giám sát TCNY thông qua cơ cấu HĐQT, ban kiểm soát nội bộ của TCNY.
Thứ hai, cơ quan quản lý (UBCKNN) hay SGDCK, cần kiểm tra các thông tin mà doanh nghiệp công bố đã tuân thủ các quy định mà cơ quan chức năng ban hành hay chưa. Kiểm soát chặt chẽ hơn việc CBTT liên quan đến tình hình QTCT, đặc biệt là quy định về việc công bố thành viên độc lập, thành viên không điều hành trong báo cáo quản trị. Sau đó, kịp thời có những cảnh báo hoặc chế tài hợp lý các hành vi không tuân thủ để răn đe các doanh nghiệp khác cũng như tạo sự công bằng giữa đơn vị làm tốt và chưa tốt.
Thứ ba, định kỳ, SGDCK nên phối hợp với các tổ chức khác, khai thác thế mạnh của họ trong việc giám sát quá trình CBTT của các CTNY. Cách thức thực hiện là: tạo mối liên hệ gắn kết với các cơ quan điều hành và các tổ chức cung ứng các dịch vụ CBTT trên thị trường như: Hiệp hội kế toán, kiểm toán Việt Nam (VAA), Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) thông qua các cuộc gặp gỡ định kỳ, hội thảo thường xuyên để nhận được các ý kiến đóng góp cũng như nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức đó trong việc giám sát quá trình CBTT của các TCNY.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải:
(i) Tăng cường ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc gia tăng mức độ minh bạch của TTCK, CBTT không chỉ dừng lại ở việc cung cấp những thông tin tốt cho thị trường mà kèm theo đó là cả thông tin tiêu cực, thông tin cảnh báo về những rủi ro để nhà đầu tư đặt lòng tin vào doanh nghiệp.
Ngoài ra, giới truyền thông cũng cần tham gia vào việc thúc đẩy ý thức trách nhiệm của các TCNY về lợi ích của việc minh bạch hóa thông tin công bố dưới các hình thức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
(ii) Hoàn thiện hệ thống quản trị - Nhiều công ty CBTT chủ yếu nhằm mục đích đối phó (trích kết quả nghiên cứu của Tổ chức Tài chính Quốc tế - IFC, 2012), không xem đó là trách nhiệm và là cách để lấy lòng tin của nhà đầu tư.
Mặc dù Báo cáo “Thẻ điểm QTCT của IFC” năm 2013 cho rằng, các TCNY Việt Nam cũng đã có các nỗ lực tích cực trong năm 2013 và đã có cải thiện điểm số trong tất cả các khía cạnh đánh giá, tuy nhiên mức điểm vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực ASEAN. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, tính minh bạch và QTCT còn yếu kém là hai nguyên nhân khiến Việt Nam mất điểm trong việc đánh giá.
Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi của cổ đông, hạn chế hành vi lạm quyền hay lợi dụng kẽ hở để mưu lợi riêng tư của nhà quản lý, cụ thể: Sử dụng các công ty kiểm toán có uy tín và mang tính độc lập đúng nghĩa; Có những quy định và yêu cầu cụ thể về việc thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ hoạt động hiệu quả. Tăng cường hoạt động của kiểm toán nội bộ và bộ phận này phải chịu sự giám sát và quản lý của HĐQT; Xây dựng Bộ quy tắc ứng xử và đạo đức trong doanh nghiệp.
Nhiều tập đoàn và công ty lớn trên thế giới (Rolls Royce, ManpowerGroup, Regal…) đều xây dựng bộ quy tắc ứng xử như là những hướng dẫn về cách ứng xử và đạo đức cho toàn thể lãnh đạo, nhà quản lý và nhân viên. Đây cũng là cách thể hiện những cam kết của mình với bên thứ ba, trong đó có các cam kết với các cổ đông và nhà đầu tư.
(iii) Nâng cao công tác quan hệ với cổ đông, công chúng nhà đầu tư, bên cạnh những thông tin phải công bố theo quy định, TCNY có thể tiến hành CBTT tự nguyện. Việc CBTT tự nguyện vừa góp phần cung cấp thêm thông tin cho thị trường vừa là một hình thức tạo thêm tên tuổi cho chính bản thân công ty.