Quản lý hiệu quả hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu


Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 431/QĐ-TTg ngày 27/3/2020 theo đề nghị của Bộ Tài chính. Đề án đề ra 03 nhóm giải pháp trọng tâm nhằm quản lý hiệu quả hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Nguồn: internet
Tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Nguồn: internet

03 nhóm giải pháp trọng tâm

Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đề ra 03 nhóm giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả hoạt động này, cụ thể:

Một là, hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Trong đó, thủ tục hải quan phải đơn giản, nhanh chóng, đảm bảo việc quản lý của cơ quan hải quan, thu đúng, thu đủ thuế xuất khẩu nhập khẩu, phòng chống gian lận thương mại. Để đáp ứng được yêu cầu này thì các bên tham gia vào hoạt động giao dịch thương mại điện tử gửi trước đến Hệ thống quản lý hải quan.

Hai là, xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Để đảm bảo có cơ sở dữ liệu để thực hiện việc quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử thì cần thiết phải xây dựng một Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có các đặc điểm: Hệ thống được xây dựng nằm trong Hệ thống tổng thể quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Tiếp nhận, lưu giữ thông tin liên quan đến các giao dịch thương mại điện tử; Cập nhật các thông tin về các sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử bán hàng và các cơ chế, chính sách quản lý về thương mại điện tử; Xử lý các thông tin được tiếp nhận và chia sẻ thông tin đến Hệ thống khác phục vụ nhu cầu quản lý...

Ba là, xây dựng chính sách quản lý giao dịch trong hoạt động thương mại điện tử và xây dựng cơ chế thanh toán, bảo lãnh điện tử liên quan đến các giao dịch trong hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới

Tạo thuận lợi trong kiểm soát giao dịch, thông quan hàng hóa

Đề án được ban hành nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng một hệ thống để tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch thương mại điện tử trên nền cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kiểm soát giao dịch, tăng tốc độ thông quan hàng hóa do có đầy đủ cơ sở dữ liệu.

Đồng thời, xây dựng chính sách liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được giao dịch qua thương mại điện tử như: quy trình thủ tục hải quan, cách xác định trị giá hải quan, việc cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành, miễn cấp phép, miễn điều kiện, miễn kiểm tra chuyên ngành.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định trình Chính phủ ban hành về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử đảm bảo việc thực hiện các giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý trong quý IV/2020.

Bộ Tài chính xây dựng, hoàn thiện Hệ thống quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử từ năm 2020 đến năm 2022; Chủ trì tổng hợp, đánh giá hiệu quả của công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu từ năm 2020 đến năm 2025, đề xuất việc quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử trong thời gian tiếp theo, báo cáo Chính phủ trong quý I/2026.

Thủ tướng giao các bộ, ngành được giao quản lý việc cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chủ động rà soát danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành để đưa vào danh mục hàng hóa được miễn cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành khi giao dịch qua thương mại điện tử về mã HS, mô tả hàng hóa, số lượng được miễn theo năm gửi Bộ Tài chính trong quý II/2020 để đưa vào Nghị định trình Chính phủ.

Các bộ, ngành xây dựng quy trình về việc cập nhật kết quả cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành đảm bảo đúng tiến độ về thời gian cập nhật; Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc theo dõi cấp phép, cập nhật thông tin trên Hệ thống quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.