Quản lý nhà nước với hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở TP. Vinh, Nghệ An


Những năm gần đây, các địa phương trong cả nước nói chung và TP. Vinh (Nghệ An) nói riêng đã phát triển hàng loạt khu, cụm công nghiệp tập trung, khu đô thị mới, các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng, từ đất nông nghiệp chuyển thành đất công nghiệp, đất đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đã mang lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Bài viết đánh giá thực trạng quản lý nhà nước đối với chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở TP. Vinh và đưa ra một số kiến nghị, đề xuất trong thời gian tới.

Quản lý nhà nước đối với chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên địa bàn TP. Vinh

Những năm qua, TP. Vinh (Nghệ An) đẩy mạnh phát triển theo hướng trở thành trung tâm hạt nhân của quá trình đô thị hóa và động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An và vùng kinh tế Bắc Trung Bộ theo định hướng của Nghị quyết số 26/NQ-TW của Bộ Chính trị đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP. Vinh đạt khá, thu hút nhiều dự án trọng điểm thúc đẩy phát triển kinh tế; Nhịp độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2005-2010 đạt bình quân 14%/năm, giai đoạn 2010-2015 đạt 12,5%/năm, giai đoạn 2016-2018 đạt 12%/năm…

Tuy nhiên, do đang ở giai đoạn đầu tư phát triển, vì vậy, đất đai được sử dụng nhiều hơn cho các mục đích sử dụng, dẫn đến sự biến động không ngừng, kể cả quyền sử dụng đất trong nhân dân… Nhìn lại công tác quản lý nhà nước về đất đai tại TP. Vinh thời gian qua, có những kết quả nổi bật sau:

Chuyển mục đích sử dụng đất đai thông qua việc giao đất, cho thuê đất:

Trong giai đoạn 2011-2015, thực hiện kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 69/2009/QĐ-TTg và Quyết định số 1256/QĐ-TTg, chỉ tiêu diện tích giao đất, cho thuê đất vào mục đích chuyên dùng và đất của TP. Vinh như sau: Năm 2009-2015 là 751,91ha, trong đó, đất sử dụng vào mục đích chuyên dùng là 675,6 ha, đất sử dụng vào mục đích làm nhà ở là 76,31 ha. Kết quả đến ngày 14/1/2015, diện tích giao đất, cho thuê đất sử dụng vào mục đích chuyên dùng và đất ở là: 383,47 ha đạt 51% kế hoạch Thủ tướng phê duyệt.

Bảng 1: Diện tích chuyển mục đích sử dụng đất đai

TT

Chỉ tiêu

Cả thời kỳ

Giai đoạn 2011-2015

Giai đoạn 2016 -2020

1

Đất nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp

1.974,07

1.201,68

772,39

1.1

Đất sản xuất nông nghiệp

1.086,61

690,31

396,30

1.1.1

Đất trồng cây hàng năm

185,39

76,28

109,11

 

Đất chuyên trồng lúa nước

188,93

100,54

88,39

1.1.2

Đất trồng cây lâu năm

28,00

28,00

 

1.2

Đất lâm nghiệp

28,00

28,00

 

1.3

Đất nuôi trồng thuỷ sản

188,93

100,54

88,39

2

Đất phi nông nghiệp

108,75

67,58

41,17

2.1

Đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp

3,70

3,70

 

2.2

Đất quốc phòng

6,32

6,32

 

2.3

Đất khu công nghiệp

8,67

 

8,67

2.4

Đất cơ sở sản xuất kinh doanh

13,16

5,54

7,62

2.5

Đất di tích danh thắng

6,79

6,79

 

2.6

Đất nghĩa trang, nghĩa địa

5,19

3,19

2,00

2.7

Đất phát triển hạ tầng

33,44

19,62

13,82

3

Đất đô thị

43,50

36,74

6,76

4

Đất khu du lịch

18,16

18,16

 

5

Đất khu dân cư nông thôn

173,98

39,57

134,41

 

Trong khi đó, giao đất làm nhà ở đô thị với tổng diện tích là 480,2 ha, đạt 71,4 % so với kế hoạch. Các hạng mục giao gồm: Giao đất cho công nhân làm nhà ở với diện tích 45,3 ha; Giao đất cho các doanh nghiệp (DN) là 434,9 ha; Giao đất cho khu dân cư nông thôn: 134,57 ha đạt 79,34% so với kế hoạch được Thủ tướng phê duyệt.

Theo kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, diện tích đất chuyên dùng và đất ở sẽ được giao đất trong các năm sau là 39,41 ha. Trong đó, riêng năm 2017, trên địa bàn TP. Vinh đã giao đất, cho thuê đất, thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất 76 dự án, diện tích 587,5 ha đạt 103% kế hoạch phê duyệt.

Thu hồi đất các dự án vi phạm Luật Đất đai:

Từ 2013 đến 2017, TP. Vinh đã thu hồi 54 dự án với tổng diện tích là 7.791.384,88 m2, trong đó: Năm 2013 là 7 dự án, diện tích 164.106,4m2, năm 2014 là 8 dự án, diện tích 6.807.518,58m2, năm 2015 là 19 dự án, diện tích  6.569,2m2, năm 2016 là 17 dự án, diện tích 670.366,0m2; Năm 2017 là 3 dự án, diện tích 142.854,70m2.

Công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư:

Về giải phóng mặt bằng (GPMB), từ năm 2013 đến nay, toàn Thành phố đã rà soát, lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư GPMB cho 416 dự án với tổng diện tích là 2.842 ha, liên quan đến 38.905 hộ, 198.691 nhân khẩu. Tổng số tiền bồi thường là 2.282 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ ổn định cuộc sống và chuyển đổi nghề lao động trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Về công tác tái định cư, từ năm 2013 đến năm 2017, tổng số hộ gia đình bị thu hồi đất ở có nhu cầu tái định cư là 5.226 hộ gia đình, nhu cầu đất đai tái định cư là 52 ha, số hộ đã được giao đất tái định cư là 4086 hộ. Hiện còn 1.027 hộ chưa bố trí tái định cự chủ yếu nằm trong dự án khu dân cư Quang Trung. Nguyên nhân chủ ỵếu do mặt bằng chưa xong để giao đất tái định cư, một số hộ chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ do liên quan đến chính sách đền bù.

Hỗ trợ, đào tạo nghề, ổn định cuộc sống cho người có đất bị thu hồi:

Từ năm 2013 đến nay, để GPMB giao cho các dự án, TP. Vinh đã phê duyệt phương án bồi thường, trong đó, dành trên 300 tỷ đồng hỗ trợ cho hàng nghìn lượt người lao động, góp phần quan trọng vào việc ổn định cuộc sống cho người có đất bị thu hồi. Trong giai đoạn từ 2011-2015, trên địa bàn Thành phố do thu hồi đất, có 5.675 lao động phải tìm việc làm mới, chiếm 41% tổng nguồn lao động của Thành phố. Đã có 4.426 lao động được bố trí hoặc tìm được việc làm (chiếm 78%), một bộ phận lao động được tuyển vào làm việc tại các dự án có thu hồi đất tại địa phương, một bộ phận chuyển làm công việc dịch vụ, còn 1.249 lao động tạo việc làm tại chỗ thông qua chính sách cho vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm.

Về công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất đai sau chuyển đổi

Từ khi có Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung năm 2013 đến nay, TP. Vinh đã rất chú trọng tới công tác này và các đơn vị thực hiện thanh tra chủ yếu là thanh tra thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoạt động tích cực và có hiệu quả. Trên địa bàn Thành phố đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai với 574 trường hợp, với diện tích 4.408,4 ha đất tại 235 tổ chức, DN. Từ 2012 đến 2017 đã kiểm tra 9.236 hộ gia đình sử dụng đất, kiểm tra sử dụng đất nông nghiệp với diện tích 70.343 ha, kiểm tra sử dụng đất chuyên dùng 526,8 ha.

Việc chuyển mục đích sử dụng đất thông qua việc giao đất, cho thuê đất trong những năm qua  tại TP. Vinh đã góp phần quan trọng vào việc thu hút đầu tư, tăng trưởng GDP của Thành phố. Thông qua việc thu ngân sách về đất, tạo điều kiện cho phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hình thành nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn, phát triển kinh tế xã hội của Thành phố, tạo quỹ đất cho việc xây dựng, cải tạo và chỉnh trang đô thị theo tiêu chí đô thị loại I - cấp quốc gia.

Một số giải pháp và đề xuất

Nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn TP. Vinh, trong giai đoạn từ 2016 đến 2020, bài viết đề xuất một số giải pháp, cụ thể:

Một là, tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo thực hiện tốt việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất:

- Nguyên tắc đảm bảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt: Ngày 09/5/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 46/NQ-CP về điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Nghệ An. Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các huyện, thành, thị, sở ngành, triển khai thực hiện, việc thực hiện đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo ổn định và phát triển các dự án được thuận lợi.

- Nguyên tắc thị trường, tính dân chủ, công khai cần áp dụng nhiều trong việc xác định giá đất, bao gồm cả giá trong công tác bồi thường. Mặt khác, các thông tin về giá, về quy hoạch… đã được luật hóa yêu cầu phải công khai.

- Để đất đai sau chuyển đổi có hiệu quả, tiết kiệm thì vấn đề chế tài, hậu kiểm sau khi chuyển mục đích sử dụng đất cho người sử dụng tránh đầu cơ, huỷ hoại, chuyển nhượng phải có các biện pháp thanh tra, kiểm trả, xử lý nghiêm.

Hai là, nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch về sử dụng đất:

Sử dụng đất tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thông qua việc thực hiện nghiêm việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất (chuyển mục đích sử dụng đất) cho các dự án trong kế hoạch. Đất chuyển mục đích sử dụng phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thông qua việc thu hồi đất cho các dự án.

Bảng 2: Diện tích đất phải thu hồi

TT

Loại đất phải thu hồi

Cả thời kỳ

Giaiđoạn 2011-2015

Giai đoạn 2016-2020

1

Đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp

1.974,07

1.201,68

772,39

1.1

Đất lúa nước

1.086,61

690,31

396,30

1.2

Đất trồng cây lâu năm

185,39

76,28

109,11

1.3

Đất nuôi trồng thuỷ sản

188,93

100,54

88,39

2

Chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp

28,00

28,00

 

2.1

Đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp

3,70

 

3,70

2.2

Đất quốc phòng

6,32

 

 

2.3

Đất cơ sở sản xuất kinh doanh

5,54

0,18

4,16

2.4

Đất di tích danh thắng

6,79

 

 

2.5

Đất nghĩa trang, nghĩa địa

3,19

1,20

1,50

2.6

Đất phát triển hạ tầng

19,62

0,77

4,99

3

Đất đô thị

36,74

2,64

7,99

4

Đất khu du lịch

18,16

 

 

5

Đất khu dân cư nông thôn

39,57

1,80

12,33

 

Quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong ngành Nông nghiệp, thông qua Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và chính quyền xã, phường, thị trấn, đảm bảo, đất chuyển đổi thực hiện đúng theo kỳ kế hoạch đã được phê duyệt, nhằm quản lý chặt chẽ quỹ đất, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thành phố và đất nước. Bên cạnh đó, phải “mạnh tay” với dự án “treo”, quy hoạch “treo”, dự án “treo”, thúc đẩy các chủ đầu tư thực hiện dự án. Trường hợp không thể thực hiện được thì có biện pháp thu hồi nhằm đưa đất vào sử dụng…

Ba là, hoàn thiện chính sách phục vụ chuyển đổi mục đích sử dụng đất:

- Thường xuyên cập nhật, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy cụ thể hóa chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thực hiện phương châm chủ động bồi thường. Chủ động thực hiện thu hồi đất bồi thường GPMB, tái định cư ngay từ khi có quy hoạch xây dựng mà chưa có dự án xây dựng giá trị bồi thường sát với mục đích sử dụng đất trước khi xây dựng công trình. Thu hồi đất rộng hơn phần đất xây dựng công trình trong một tổng thể công trình gắn với khu dân cư phụ cận, đảm bảo công bằng giữa người bị thu hồi đất, người bị thu hồi một phần đất, người có đất liền kề bị thu hồi.

-  Khuyến khích đào tạo nghề, hỗ trợ bằng tiền, kiên quyết thực hiện quy định giao đất dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp bị thu hồi nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo hài hoà lợi ích nhà nước - địa phương và người sử dụng đất. Khuyến khích các DN sản xuất kinh doanh khi được giao đất thực hiện dự án ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương vào làm việc. Đối với các hộ bị thu hồi 30% đến 50% đất nông nghiệp tuyển dụng 01 lao động, trên 50% điện tích tuyển dụng 02 lao động…

-   Lập quỹ nhà, quỹ đất tái định cư đảm bảo đủ nhu cầu GPMB, đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, đảm bảo tiêu chuẩn của khu đô thị mới, có nhà chung cư cao và thấp tầng, chuẩn bị đón đầu.

- Trong khu tái định cư chủ yếu là tái định cư bằng đất, khuyến khích các hộ dân nhận tiền hỗ trợ tái định cư; Kêu gọi các chủ đầu tư có tiềm lực kinh tế, tài chính nhận làm chủ đầu tư các dự án tái định cư và được hoàn trả người đầu tư bằng tiền sử dụng đất của các hộ vào dự án.

- Nâng cao năng lực và trách nhiệm thẩm định các dự án đầu tư, chống đầu cơ đất và phân cấp trong công tác GPMB hoặc kéo dài thời gian xây dựng cơ sở hạ tầng, không đưa đất vào sử dụng, hoặc chỉ sử dụng một phần, hoặc tổ chức chuyển nhượng ngầm, hoặc găm đất chờ giá cả tăng rồi chuyển nhượng.

- Có giải pháp chống đầu cơ đất: Áp dụng đánh thuế luỹ tiến không chỉ với hộ gia đình, cá nhân mà với cả DN, tổ chức, giảm thiểu tình trạng lãng phí đất như hiện nay, bởi DN không khẩn trương triển khai thực hiện dự án sẽ phải nộp thuế nhiều.

Bốn là, nâng cao vai trò, năng lực và hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước đối với chuyển đổi mục đích sử dụng đất:

- Các tổ chức Đảng, chính quyền, các đoàn thể và quần chúng cần vào cuộc vừa chỉ đạo, vừa tổ chức các đợt vận động học tập sâu rộng để nhân dân hiểu mục tiêu, trình tự và các bước tiến hành, các trình tự, thủ tục theo chính sách quy định của pháp luật, về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

- Nâng cao vai trò của chính quyền cấp xã trong việc giải quyết các tranh chấp về đất đai rất quan trọng muốn vậy phải đào tạo quản lý nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ cho chủ tịch, cán bộ địa chính cấp xã phường, tăng cường lực lượng cán bộ trẻ có chuyên môn về cơ sở, bộ máy chính quyền cơ sở phải công tâm trong sạch có trách nhiệm với công việc, thực hiện tốt công tác dân vận...

- Tăng cường nâng cao công tác cán bộ, các sai phạm về quản lý đất đai mà cán bộ không giữ vững đạo đức, hám lợi gây ra như tham nhũng, lợi dụng chức quyền, chiếm đoạt đất công. Đặc biệt, cần có biện pháp giáo dục thích hợp, có cơ chế xử lý, răn đe nghiêm khắc làm sai lệch hồ sơ, chế độ chính sách.

Năm là, tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh những sai phạm luật pháp có liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng về đất:

- Tăng cường kỷ cương luật pháp, giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về đất đai đảm bảo thực hiện nghiêm Luật Đất đai. Phải thực hiện nghiêm, triệt để xử lý đối với các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, không có hiệu quả, cố ý huỷ hoại đất, không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

- Thiết lập cơ chế giải quyết khiếu nại tố cáo về đất đai, giải quyết tranh chấp đất đai, nâng cao hiệu quả của thanh tra đất đai. Bên cạnh đó, cần đặt công tác giải quyết kiến nghị, khiếu nại như một công cụ đặc biệt song hành công tác GPMB nhằm giải quyết kịp thời, triệt để các kiến nghị của người có đất bị thu hồi, đồng thời thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm về đất chuyển đổi của người sử dụng đất...

Sáu là, tăng cường thông tin, tuyên truyền và giáo dục, thuyết phục quần chúng nhân dân:

- Tuyên truyền sâu rộng cho người dân hiểu rõ sự cần thiết và ý nghĩa quan trọng, mục tiêu, các bước tiến hành, các thủ tục phải thực hiện và chính sách của Nhà nước trong việc thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Thành phố cần xây dựng một chương trình phát thanh, truyền hình tuyên truyền cho người dân, cung cấp những thông tin về quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị, về tiến độ thời gian thực hiện, về cơ hội nghề nghiệp cho người dân…

- Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên, thuyết phục và hướng dẫn người dân có đất bị thu hồi thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2003), Luật Đất đai;
  2. Bộ Chính trị (2013), Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020;
  3. Chính phủ (2014), Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất;
  4. Chính phủ (2014), Nghị định số 69/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất;
  5. Bộ Tài chính (2014), Thông tư số 37/2014/TT-BTC ngày 30/6/2014, quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
  6. UBND TP. Vinh (2016), Báo cáo tổng hợp ra soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP. Vinh đến năm 2020.