Quản lý, sử dụng các khoản thu từ tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý sử dụng vốn ngân sách

Nguyễn Minh Hằng – Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính)

Ngày 01/10/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 70/2024/TT-BTC quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Thông tư này với nhiều điểm mới sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý trong quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách.

Một số vướng mắc phát sinh trong thực tiễn

Sau gần 3 năm thực hiện Thông tư số 108/2021/TT-BTC ngày 08/12/2021 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án (BQLDA) sử dụng vốn đầu tư công, nhiều bộ ngành và địa phương phản ánh về Bộ Tài chính gặp một số vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trong đó, về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, một số chủ đầu tư, BQLDA không thuộc phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Thông tư số 108/2021/TT-BTC, do đó không có cơ sở pháp lý để thực hiện quản lý, sử dụng các khoản thu quản lý dự án.

Các chủ đầu tư, BQLDA sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước (NSNN). Theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 35 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP quy định duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa trên 500 triệu đồng sử dụng vốn chi thường xuyên phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình, trong dự toán có chi phí quản lý dự án. Các Sở, ban ngành đặc biệt là Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… được giao quản lý duy tu, sửa chữa các công trình giao thông đường bộ, công trình nông nghiệp, xây dựng dân dụng… không thuộc đối tượng thực hiện Thông tư số 108/2021/TT-BTC, do đó không có cơ sở pháp lý để quản lý, sử dụng các khoản thu.

Quá trình thực hiện quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công theo quy định tại Thông tư số 108/2021/TT-BTC, Nghị định số 60/2020/NĐ-CP, Thông tư số 56/2022/TT-BTC, một số bộ, ngành và địa phương như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Văn phòng trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh Khánh Hòa, Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng, Sở Tài chính tỉnh Lào Cai, Sở Tài chính tỉnh Yên Bái... có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn cụ thể một số nội dung. Điển hình như, Nghị định số 60/2020/NĐ-CP, Thông tư số 56/2022/TT-BTC, Thông tư số 342/2016/TT-BTC, Thông tư số 137/2017/TT-BTC quy định lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán thu chi NSNN hằng năm theo mục lục ngân sách. Do đó, việc lập, thẩm định phê duyệt dự toán, lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán thu chi của Chủ đầu tư, BQLDA, BQLDA chuyên ngành, BQLDA khu vực khó áp dụng, lúng túng, không rõ cơ sở và cách thức thực hiện.

Bên cạnh đó, việc chuyển nguồn thu quản lý dự án sang các năm sau tiếp tục sử dụng để bảo đảm nguồn thu thực hiện nhiệm vụ quản lý dự án đến khi dự án quyết toán chưa được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và Thông tư số 56/2022/TT-BTC. Các quy định nêu trên hiện nay chỉ hướng dẫn nguồn thu trong năm được sử dụng chi, trường hợp chi không hết thì chuyển trích lập các Quỹ, không hướng dẫn việc chuyển nguồn thu trong năm sang thực hiện ở các năm sau.

Từ các nội dung trên, Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) đề xuất quy định cụ thể việc lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán hằng năm kèm theo hệ thống mẫu biểu; quy định xác định nguồn thu được trích theo từng dự án và năm kế hoạch, chuyển nguồn sang các năm sau sử dụng đảm bảo nguồn thu quản lý dự án theo tiến độ quản lý dự án để tạo điều kiện cho đơn vị dễ áp dụng, không phải tham chiếu nhiều văn bản quy phạm pháp luật, thuận lợi trong quá trình thực hiện (tương tự như đã quy định tại Thông tư số 72/2017/TT-BTC, 06/2019/TT-BTC và các Thông tư trước đây).

Điểm mới trong quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, ngày 01/10/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 70/2024/TT-BTC quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn NSNN (thay thế Thông tư số 108/2021/TT-BTC), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2024. Thông tư bao gồm 3 Chương và 15 Điều kèm theo 9 Mẫu biểu với nhiều điểm mới.

Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Thông tư quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, BQLDA sử dụng vốn NSNN. Đối tượng áp dụng mở rộng đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn NSNN. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng vốn NSNN tương tự tại Nghị định số 68/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng (cơ sở ban hành Thông tư số 72/2017/TT-BTC, Thông tư số 06/2019/TT-BTC và các Thông tư trước đây) sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về khoảng trống pháp lý trong quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án của các chủ đầu tư, BQLDA sử dụng vốn NSNN ngoài đầu tư công.

Về nguồn thu và phân chia nguồn thu

Các khoản thu quản lý dự án giữa chủ đầu tư và BQLDA đối với dự án được giao quản lý được sắp xếp lại cho phù hợp hơn, đảm bảo thống nhất cơ chế tài chính trong đơn vị, bao gồm: Thu từ chi phí của dự án được giao quản lý, bao gồm nguồn trích chi phí quản lý dự án và nguồn thu khác từ dự án được giao quản lý; Thu hợp pháp khác của Chủ đầu tư, BQLDA theo quy định, bao gồm thu từ hoạt động tư vấn cho các dự án khác và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật; Nguồn NSNN hỗ trợ (nếu có).

Tài khoản giao dịch tương ứng đối với các nguồn thu nêu trên cũng được sắp xếp lại cho phù hợp hơn. Việc sắp xếp lại các khoản thu và tài khoản giao dịch nhằm đảm bảo cơ chế quản lý tài chính phù hợp với từng loại khoản thu của đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thực hiện thống nhất cơ chế tài chính trong đơn vị, tránh chồng chéo giữa các nguồn.

Quy định về phân chia nguồn thu quản lý dự án giữa chủ đầu tư và BQLDA đối với dự án được giao quản lý được quy định chặt chẽ hơn, do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư quyết định bằng văn bản (Thông tư số 108/2021/TT-BTC quy định tỷ lệ phân chia được ghi trong quyết định thành lập BQLDA hoặc văn bản giao nhiệm vụ cho BQLDA, chủ đầu tư).

Bổ sung quy định về phân loại Ban quản lý dự án

BQLDA nhóm I gồm: Chủ đầu tư tổ chức thực hiện quản lý dự án, BQLDA do chủ đầu tư thành lập theo đúng quy định của pháp luật (trừ BQLDA chuyên ngành, BQLDA khu vực là đơn vị sự nghiệp công lập). BQLDA nhóm II gồm: BQLDA chuyên ngành, BQLDA khu vực là đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập theo quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập. Phân loại Ban Quản lý dự án để quy định cơ chế tài chính phù hợp với đặc thù riêng của mỗi loại hình đơn vị.

Bổ sung quy định về lập dự toán thu, chi hằng năm

Thông tư quy định cụ thể cách thức lập dự toán thu, chi hằng năm của chủ đầu tư, BQLDA; cách xác định nguồn chi phí trích của từng dự án được giao quản lý và dự kiến số thu để triển khai quản lý dự án cho các năm triển khai thực hiện dự án; cơ sở lập dự toán thu, chi kèm theo 03 biểu mẫu hướng dẫn lập chi tiết. Nội dung quy định chi tiết, cụ thể (bao gồm và phần nội dung và hệ thống biểu mẫu) tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho đơn vị tổ chức triển khai thực hiện.

Bổ sung quy định chi tiết liên quan đến ban quản lý dự án nhóm I

- Về nội dung dự toán chi (theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng) và cơ chế tài chính tương ứng. Đối với Chủ đầu tư, BQLDA quản lý dự án có sử dụng vốn NSNN thuộc cơ quan hành chính nhà nước, cơ chế tài chính thực hiện theo quy định của đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư. Đối với Chủ đầu tư, BQLDA quản lý dự án có sử dụng vốn NSNN thuộc doanh nghiệp, cơ chế tài chính thực hiện theo quy định của doanh nghiệp được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư.

- Về thẩm định, phê duyệt dự toán hằng năm, quy định cụ thể thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt dự toán; Nội dung thẩm định dự toán; Thời hạn thẩm định và phê duyệt dự toán; Điều chỉnh dự toán năm và 01 biểu mẫu hướng dẫn chi tiết. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt đối với Chủ đầu tư, BQLDA thuộc cơ quan hành chính nhà nước là thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư. Đối với Chủ đầu tư, BQLDA thuộc doanh nghiệp, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự toán theo quy định của doanh nghiệp được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư. Thời hạn thẩm định, phê duyệt dự toán tối đa 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ thẩm định, phê duyệt dự toán. Thời gian phê duyệt dự toán chậm nhất đến ngày 31/12 năm trước năm kế hoạch.

- Về quyết toán thu, chi hằng năm, quy định cụ thể thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt; Phân bổ chi phí cho các dự án được giao quản lý hằng năm; Hồ sơ báo cáo quyết toán thu, chi quản lý dự án; Thời gian thẩm tra và phê duyệt; Nội dung thẩm tra và 02 biểu mẫu hướng dẫn chi tiết; quy định về quyết toán chi phí của dự án sau khi hoàn thành.

- Thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt quyết toán thu, chi hằng năm đối với Chủ đầu tư, BQLDA thuộc cơ quan hành chính nhà nước là thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư. Trước khi phê duyệt quyết toán thu, chi năm, chủ đầu tư dự thảo quyết định phê duyệt quyết toán kèm theo nội dung thẩm tra quyết toán của chủ đầu tư (kèm hồ sơ báo cáo quyết toán do BQLDA nhóm I lập) gửi lấy ý kiến của đơn vị có chức năng quản lý tài chính trực thuộc cấp quyết định phê duyệt dự án đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp xã (đối với dự án do cấp xã quản lý) để có ý kiến. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, đơn vị được gửi lấy ý kiến phải có ý kiến bằng văn bản trả lời chủ đầu tư về sự phù hợp giữa số liệu đề nghị quyết toán trong Báo cáo quyết toán thu, chi năm kế hoạch theo Mẫu số 01/QT-QLDA với dự toán được duyệt và quy định của nhà nước để chủ đầu tư thực hiện phê duyệt quyết toán thu, chi. Đối với Chủ đầu tư, BQLDA thuộc doanh nghiệp, thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt quyết toán theo quy định của doanh nghiệp được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư.

- Thời gian thẩm tra và phê duyệt báo cáo quyết toán thu, chi tối đa 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ báo cáo quyết toán năm hợp pháp, hợp lệ. Quyết toán chi phí của dự án do BQLDA nhóm I quản lý sau khi hoàn thành bổ sung trường hợp đối với dự án dừng thực hiện vĩnh viễn có khối lượng thi công dở dang trên cơ sở giá trị của chi phí xây dựng, thiết bị (chưa có thuế GTGT) đã được nghiệm thu đúng quy định. Trường hợp chi phí quyết toán lớn hơn chi phí được tính theo giá trị của chi phí xây dựng, thiết bị (chưa có thuế GTGT) đã được nghiệm thu đúng quy định, BQLDA nhóm I báo cáo người quyết định phê duyệt dự án đầu tư xem xét, quyết định.

Nội dung quy định trên đảm bảo cơ chế quản lý chặt chẽ, tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện thời gian vừa qua và thuận lợi khi tổng hợp quyết toán dự án hoàn thành.

Bổ sung quy định chi tiết liên quan đến ban quản lý dự án nhóm II

Nguồn thu của BQLDA từ chi phí của dự án được giao quản lý và thu hợp pháp khác của chủ đầu tư, BQLDA theo quy định gồm: Thu từ hoạt động tư vấn cho các dự án khác và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật là nguồn thu xác định mức tự chủ tài chính của đơn vị.

Đối với hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư xây dựng của BQLDA nhóm II cho các chủ đầu tư, BQLDA khác phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, phù hợp với khả năng chuyên môn và tài chính của đơn vị, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ quản lý các dự án đã được giao và không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính của đơn vị. Giao quyền tự chủ tài chính và xác định kinh phí hỗ trợ từ NSNN (nếu có), quy chế chi tiêu nội bộ và phân phối kết quả tài chính trong năm thực hiện theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Việc lập và chấp hành dự toán hằng năm thực hiện theo quy định của pháp luật về NSNN, pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; trong đó quy định cụ thể về nguồn thu và nhiệm vụ chi và 3 mẫu biểu chung BQLDA, 01 mẫu biểu riêng BQLDA nhóm II và thời hạn phê duyệt.

Về nguồn thu và nhiệm vụ chi, trên cơ sở nguồn thu và nhiệm vụ chi thực hiện tương ứng theo từng dự án, BQLDA nhóm II chịu trách nhiệm xác định nguồn thu được sử dụng trong năm (khoản để sử dụng, đảm bảo dự toán chi trong năm). Nguồn thu chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng (khoản thu chưa thực hiện nhiệm vụ chi trong năm kế hoạch và nguồn thu tương ứng với nhiệm vụ chi chưa hoàn thành trong năm được duyệt trong dự toán năm) để chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Thời hạn phê duyệt chậm nhất đến ngày 31/12 năm trước năm kế hoạch, dự toán năm kế hoạch phải được phê duyệt; chậm nhất đến ngày 25/01 năm sau năm kế hoạch, dự toán điều chỉnh (nếu có) năm kế hoạch phải được phê duyệt. Đối với BQLDA có sử dụng kinh phí NSNN cấp, việc lập, phân bổ, giao dự toán, thời hạn phê duyệt và thực hiện dự toán được thực hiện theo quy định pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, NSNN và các quy định khác có liên quan.

Về quyết toán thu, chi hằng năm của BQLDA nhóm II, Thông tư quy định cụ thể về cơ quan thẩm định, phê duyệt quyết toán; Hồ sơ quyết toán năm; Phân bổ chi phí cho các dự án được giao quản lý hằng năm; Thẩm tra, phê duyệt quyết toán hằng năm; Thời hạn thẩm tra và phê duyệt quyết toán; Quyết toán chi phí của dự án do BQLDA nhóm II quản lý sau khi hoàn thành. Cơ quan thẩm tra, phê duyệt quyết toán hằng năm được quy định cụ thể hơn so với cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập là cơ quan tài chính cùng cấp.

Đối với BQLDA nhóm II thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, cơ quan tài chính cùng cấp do Thủ trưởng cơ quan trung ương xác định, giao nhiệm vụ. Đối với BQLDA nhóm II thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cơ quan tài chính cùng cấp là Sở Tài chính cấp tỉnh, Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện theo phân cấp quản lý.

Thời hạn thẩm tra và phê duyệt quyết toán tối đa 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ báo cáo quyết toán năm hợp pháp, hợp lệ. Quyết toán chi phí của dự án do BQLDA nhóm II quản lý sau khi hoàn thành bổ sung trường hợp đối với dự án dừng thực hiện vĩnh viễn có khối lượng thi công dở dang tương tự như quy định đối với BQLDA nhóm I.

Các quy định đối với BQLDA nhóm II nêu trên đảm bảo phù hợp, thống nhất với cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và tính đặc thù riêng của các Ban QLDA chuyên ngành, Ban QLDA khu vực.

Bổ sung trách nhiệm của các đối tượng liên quan

Thông tư đã bổ sung trách nhiệm của thủ trưởng Chủ đầu tư, BQLDA nhóm I; Giám đốc BQLDA nhóm II; Cơ quan kiểm soát, thanh toán; Các Bộ, ngành, địa phương; Cơ quan tài chính các cấp cho thống nhất với các nội dung bổ sung quy định. Trong đó, thủ trưởng Chủ đầu tư, BQLDA nhóm I; Giám đốc BQLDA nhóm II chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp, hợp lệ của chứng từ thu, chi; cung cấp kịp thời các tài liệu khác có liên quan để phục vụ công tác thẩm tra quyết toán thu, chi quản lý dự án khi được cơ quan thẩm tra quyết toán đề nghị bằng văn bản.

Cơ quan tài chính các cấp kiểm tra, hướng dẫn chủ đầu tư, BQLDA tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng các khoản thu, chi theo quy định. Trường hợp phát hiện có sai sót, vi phạm trong quản lý, sử dụng các khoản thu, chi cơ quan kiểm tra xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định; Có ý kiến tham gia bằng văn bản với chủ đầu tư về quyết toán của BQLDA nhóm I và thực hiện thẩm tra, phê duyệt quyết toán thu, chi của BQLDA nhóm II theo đúng quy định; trường hợp cần thiết được kiểm tra hồ sơ, chứng từ thu, chi của chủ đầu tư, BQLDA.

Quá trình thực hiện quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trước đây, các bộ, ngành và địa phương có nhiều văn bản gửi về Bộ Tài chính phản ánh gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt đối với công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán; lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán (thẩm quyền, nội dung, mẫu biểu...).

Nhìn chung, Thông tư số 70/2024/TT-BTC ngày 01/10/2024 của Bộ Tài chính với nội dung quy định và mẫu biểu kèm theo cụ thể sẽ tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các bộ, ngành và địa phương trong thời gian thực hiện vừa qua, tạo hành lang pháp lý trong quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các chủ đầu tư, BQLDA sử dụng vốn NSNN.

Tài liệu tham khảo:

  1. Chính phủ (2021), Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
  2. Chính phủ (2021), Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
  3. Chính phủ (2021), Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng;
  4. Chính phủ (2021), Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
  5. Chính phủ (2023), Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng;
  6. Bộ Tài chính (2022), Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 11/2024