Quản lý tài sản công đảm bảo hiệu quả cao nhất

Quách Lê Truyền

Công tác quản lý tài sản công của hệ thống Kho bạc Nhà nước có vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ được an toàn, thông suốt. Trước yêu cầu đổi mới để tạo thuận lợi cho khách hàng giao dịch, ngoài việc cải cách, hiện đại hóa các khâu nghiệp vụ, thời gian qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã rất chú trọng đến việc quản lý tài sản công để mang lại hiệu quả sử dụng và những giá trị cao nhất.

Kho bạc Nhà nước tập trung đào tạo nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý tài sản công.
Kho bạc Nhà nước tập trung đào tạo nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý tài sản công.
Quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công

Tài sản công của hệ thống KBNN bao gồm: đất đai, trụ sở làm việc, phương tiện, máy móc, thiết bị, tài sản dùng chung hữu hình và vô hình (như các phần mềm ứng dụng…) Công tác quản lý tài sản công của hệ thống KBNN có vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ KBNN được an toàn, thông suốt.

Từ ngày 01/01/2018, thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính, KBNN đã xây dựng và ban hành quy chế, quy trình quản lý và sử dụng tài sản công, quản lý tiêu chuẩn định mức trang bị, sử dụng tài sản trong toàn hệ thống đúng quy định, tiết kiệm và hiệu quả. Thủ trưởng các đơn vị và các cá nhân đã nhận thức được quyền và trách nhiệm của mình trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.

Việc lựa chọn danh mục tài sản, phương thức mua sắm tập trung và các hình thức lựa chọn nhà thầu phù hợp đã giúp sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí, giảm chi cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, việc mua sắm tập trung đã giúp KBNN trang bị được các tài sản đồng bộ về kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sử dụng… Ngoài ra, KBNN đã thực hiện việc phân cấp trong quản lý, tạo động lực cho các đơn vị KBNN chủ động trong triển khai thực hiện mua sắm và khai thác quản lý, sử dụng tài sản. Đặc biệt, qua ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tài sản đã hình thành được một hệ thống cơ sở dữ liệu trong hệ thống KBNN và dữ liệu chung của ngành Tài chính, giúp cung cấp thông tin kịp thời trong quản lý.

Tuy nhiên, công tác quản lý, sử dụng tài sản công trong toàn hệ thống KBNN vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là tại các đơn vị KBNN cấp tỉnh. Điển hình như tại KBNN Hải Dương, theo báo cáo của đơn vị này, Quyết định số 50/2017/ QĐ-TTg ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc thiết bị có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, qua thời gian thực hiện, một số tài sản công đã có sự biến động về giá, không còn phù hợp với thực tế gây khó khăn cho các đơn vị trong quá trình lập dự toán và thực hiện mua sắm tài sản.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn KBNN thực hiện dịch vụ công trực tuyến, các dữ liệu của đơn vị dự toán, các dự án từng bước được điện tử hóa để tiến đến số hóa, các KBNN phải thực hiện in phục hồi chứng từ nên nhu cầu sử dụng máy in tại các bộ phận giao dịch tăng so với tiêu chuẩn, định mức hiện có. Trong khi đó, một số máy móc thiết bị chuyên dùng khác có tần suất sử dụng giảm đi. Do đó, một số tiêu chuẩn, định mức tài sản chuyên dùng cần được điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Hay tại KBNN Tiền Giang, khó khăn của đơn vị đang gặp phải trong quản lý, sử dụng tài sản công là đơn vị vẫn thực hiện theo phương thức quản lý trước đây như: sử dụng chứng từ giấy; việc áp dụng công nghệ, trang thiết bị hiện đại chưa được chủ động, chủ yếu là do tiếp nhận hoặc quy định từ cấp trên. Bên cạnh đó, trình độ công chức quản lý tài sản công chưa đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công nghệ…

 

Thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công KBNN đã xây dựng và ban hành quy chế, quy trình quản lý và sử dụng tài sản công, quản lý tiêu chuẩn định mức trang bị, sử dụng tài sản trong toàn hệ thống đúng quy định, tiết kiệm và hiệu quả.  

Tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công

Để hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ KBNN nhằm đạt được các mục tiêu của Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, một trong những mục tiêu quan trọng đó là hoàn thành xây dựng Kho bạc số với nhiều nội dung cải cách, đổi mới. Đồng bộ với việc mọi quy trình giao dịch được hiện đại hóa, mọi giao dịch được số hóa cũng đặt ra vấn đề cấp thiết phải có một hệ thống quản lý tài sản được số hóa, đáp ứng được các yêu cầu khi vận hành hệ thống Kho bạc số.

Theo đó, KBNN yêu cầu các đơn vị KBNN trong toàn hệ thống tiếp tục phổ biến, quán triệt và triển khai các văn bản mới ban hành về lĩnh vực quản lý tài sản công và đưa ra các hướng dẫn quản lý, sử dụng các tài sản lớn như: máy phát điện, máy photocopy, hệ thống camera giám sát...; các quy chế về quản lý và sử dụng ô tô công. KBNN đặc biệt chú ý đến việc nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch, dự toán hàng năm; đẩy mạnh việc đấu thầu qua mạng; xây dựng phương án thuê tài sản; khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác và các tài sản phổ biến…

Với những khó khăn trong quản lý, sử dụng tài sản công tại các đơn vị KBNN cấp tỉnh đang gặp phải, KBNN Hải Dương đã đề xuất giải pháp đào tạo chuyên sâu cho cán bộ, công chức làm nhiệm vụ quản lý tài sản công. Thực tế hiện nay, công chức được giao nhiệm vụ thực hiện quản lý tài sản công tại các đơn vị KBNN mới chỉ đáp ứng yêu cầu cơ bản, chưa được đào tạo chuyên sâu. Do đó, trong thời gian tới, đội ngũ cán bộ này cần được đào tạo nâng cao trình độ, năng lực làm công tác quản lý tài sản công để đáp ứng với những yêu cầu và nhiệm vụ mới đặt ra.

Với mong muốn việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các đơn vị ngày càng tốt hơn, KBNN Tiền Giang cũng đề xuất giải pháp cần tăng cường hiện đại hóa trong kiểm kê tài sản bằng các công cụ hỗ trợ hiện đại, cải tiến quy trình kiểm kê từ tỉnh xuống huyện, rút ngắn tối đa thời gian kiểm kê cũng như hạn chế các rủi ro có thể xảy ra gây thất thoát thiệt hại, sai sót, không minh bạch so với kiểm kê hoàn toàn bằng thủ công như trước đây.

Đồng thời, các đơn vị KBNN cần tăng cường kiểm tra và tự kiểm tra nội bộ tại đơn vị, kết hợp với sử dụng các cảnh báo rủi ro từ kết quả kiểm tra, kiểm toán nội bộ của hệ thống KBNN để đối chiếu, rà soát, kịp thời khắc phục những tồn tại trong việc quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị mình.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2024