Quản lý thị trường vàng tại Việt Nam
Trước những diễn biến phức tạp trong hoạt động kinh doanh vàng, ngày 3/4/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2012/NÐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Sau hơn 10 năm triển khai Nghị định này, về cơ bản, thị trường vàng tại Việt Nam đã phát triển ổn định, tình trạng đầu cơ tích trữ, buôn bán trái phép vàng được khắc phục, quyền, lợi ích của người dân được đảm bảo. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập tài chính sâu rộng như hiện nay cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường quản lý thị trường vàng, đảm bảo phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ, góp phần tạo nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế.
Đặt vấn đề
Thực tế những năm qua cho thấy, tại Việt Nam, nhiều giao dịch có giá trị thanh toán lớn trong nền kinh tế được định giá và giao dịch bằng vàng, tình trạng giữ vàng, USD khá phổ biến trong nền kinh tế, nguy cơ “vàng hoá, đô la hoá” đã được đặt ra. Trước tình hình đó, ngày 3/4/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2012/NÐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cơ quan quản lý tập trung các hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng.
Sau hơn 10 năm triển khai Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, về cơ bản, thị trường vàng Việt Nam đã phát triển ổn định, tình trạng đầu cơ tích trữ, buôn bán trái phép cơ bản được khắc phục, quyền và lợi ích người dân được đảm bảo. Các giao dịch trong nền kinh tế được thực hiện bằng Đồng Việt Nam, nguy cơ “vàng hoá, đô la hóa” được giải quyết, một lượng lớn vàng vật chất được chuyển hóa thành nguồn lực để đầu tư vào các hoạt động kinh tế.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh hội nhập tài chính như hiện nay, cần tiếp tục tăng cường quản lý thị trường vàng đảm bảo phát triển ổn định, lành mạnh, phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ, góp phần tạo nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế. Bài viết phân tích kết quả đạt được những vấn đề đặt ra trong quản lý thị trường vàng và đưa ra một số hàm ý về quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.
Tổng quan về thị trường vàng tại Việt Nam
Giai đoạn trước năm 2012
Trong thời gian dài, tích trữ vàng là hiện tượng khá phổ biến của người dân Việt Nam, cùng với đó, vàng còn được sử dụng làm công cụ định giá và phương tiện thanh toán trong nhiều giao dịch, nhất là những giao dịch tài sản có giá trị lớn như nhà đất, xe cộ, trang thiết bị… Tình trạng này xuất phát từ tập quán truyền thống khi coi vàng, bạc là những biểu hiện chính về sự giàu có và tài sản. Bên cạnh đó, các kênh đầu tư khác chưa thật sự đa dạng, ổn định làm gia tăng tâm lý nắm giữ và tích luỹ vàng như một phương tiện tiết kiệm, đảm bảo giá trị tài sản, phòng ngừa rủi ro mất giá của đồng nội tệ.
Giai đoạn 2008 - 2011, suy thoái kinh tế toàn cầu tác động mạnh đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam, lạm phát cao làm giảm sức mua của đồng nội tệ. Tình trạng nắm giữ vàng, ngoại tệ như một phương tiện tiết kiệm, tài sản, phòng ngừa rủi ro mất giá của đồng nội tệ có xu hướng tăng. Cùng với đó, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán suy giảm mạnh, gây ra những áp lực nhất định đến đồng nội tệ, dự trữ ngoại hối và thị trường ngoại tệ. Tình trạng “vàng hóa, đô la hoá” trong nền kinh tế trở nên hiện hữu khi vàng, đô la được sử dụng rộng rãi làm thước đo giá trị, là phương tiện thanh toán và cất trữ. Trên thị trường, nhu cầu vàng miếng tăng cao, biến động mạnh, xuất hiện hành vi thao túng giá, đầu cơ, tạo nên các cơn “sốt” gây bất ổn về cung cầu vàng, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội.
Mặt khác, chính sách huy động và cho vay vốn bằng vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh thị trường vàng biến động mạnh đã làm gia tăng hoạt động đầu cơ, xuất, nhập lậu vàng qua biên giới để thu lợi. Hoạt động này đã tác động mạnh đến tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ chính thức, từ đó ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Giai đoạn sau năm 2012
Để khắc phục những tồn tại trên thị trường vàng, ngày 3/4/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2012/NÐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong đó, quy định NHNN là cơ quan quản lý tập trung các hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng.
Nghị định bao gồm quản lý kinh doanh vàng, cụ thể cấm dùng vàng làm phương tiện thanh toán/phương tiện trao đổi, chuyển sang tiếp quản độc quyền sản xuất vàng miếng trong cả nước, duy nhất được nhập khẩu và xuất khẩu nguyên liệu vàng, và quy định kinh doanh vàng miếng chỉ được thực hiện bởi các tổ chức được cấp phép. NHNN có thể lữu giữ vàng thỏi như một cách dự trữ chính thức. NHNN đã ban hành Thông tư số 38/2012/TT-NHNN ngày 28/12/2012 quy định các ngân hàng (tổ chức tín dụng) đã được cấp giấy phép mua và bán vàng miếng chỉ có thể có số dư vàng cuối ngày dưới 2% số vốn của họ.
Đối với thị trường vàng miếng, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. NHNN tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng; tổ chức thực hiện xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và thực hiện mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Mua, bán vàng miếng là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Đối với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Đối với việc xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, doanh nghiệp (DN) được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực khai thác vàng có nhu cầu nhập khẩu vàng do DN khai thác ở nước ngoài được NHNN xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. DN có giấy phép khai thác vàng được NHNN xem xét cấp giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu do DN khai thác được.
DN kinh doanh vàng có hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài được NHNN xem xét cấp giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm. Các hoạt động kinh doanh vàng khác là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được NHNN cấp giấy phép.
Thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, thị trường vàng trong nước đã được kiểm soát, diễn biến giá vàng đã ổn định hơn, hiện tượng buôn lậu, đầu cơ tích trữ vàng đã phần nào được hạn chế. Tuy nhiên, giá vàng trong nước vẫn chịu tác động mạnh của yếu tố tâm lý thị trường nên vẫn còn xảy ra hiện tượng giá vàng trong nước tăng đột biến vào một số thời điểm, đặc biệt khi giá vàng thế giới tăng mạnh.
Tuy nhiên, biến động của giá vàng vào thời điểm này đã không còn quá nóng và thị trường đã bắt đầu có khả năng điều chỉnh thích ứng; đồng thời, hiện tượng giá vàng biến động gây sức ép lên tỷ giá như đã xảy ra vào các năm trước đây cũng đã không lặp lại. Hoạt động của thị trường vàng đã đi vào ổn định. Quyền sở hữu, tích trữ, mua, bán vàng miếng hợp pháp của người dân được bảo đảm, về cơ bản, trật tự, kỷ cương trên thị trường đã được xác lập, tạo tiền đề phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người dân. Sự công khai, minh bạch của hoạt động đấu thầu vàng đã giải tỏa sức ép các yếu tố tâm lý về sự khan hiếm vàng giả tạo, cũng như các hoạt động đầu cơ, buôn lậu, găm giữ vàng. Qua đó, bảo vệ lợi ích chính đáng và lâu dài của người tiêu dùng và của Nhà nước.
Thực trạng này cho hay những nỗ lực của NHNN trong công tác quản lý thị trường vàng những năm qua, sự liên thông giữa thị trường vàng và thị trường ngoại tệ đã được hạn chế và kiểm soát tốt. Mục tiêu ổn định thị trường vàng, hạn chế tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã đạt được, góp phần làm tăng niềm tin của người dân vào VND và từng bước nâng cao tính chuyển đổi của VND, tạo ra những cơ sở tiền đề quan trọng cho ổn định vi kinh tế vĩ mô.
Vấn đề đặt ra đối với thị trường vàng tại Việt Nam
Thực hiện chủ trương chống “vàng hóa”, từ khi triển khai Nghị định số 24/2012/NĐ-CP và nhất là từ năm 2014 trở lại đây, NHNN đã không nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng đã tác động đến nguồn cung vàng miếng trong nước, dẫn đến hiện tượng chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước nhất là vàng miếng SJC – thương hiệu vàng miếng của Nhà nước – tăng cao trong những năm gần đây gây ra một số lo ngại về nguy cơ nhập lậu vàng từ nước ngoài và nhà nước thất thu thuế.
Với thói quen tích trữ “găm vàng” của người dân vẫn còn diễn ra khá phổ biến, thì người có nhu cầu mua vàng trong nước có thể chịu thiệt. Bên cạnh đó, việc hạn chế nhập khẩu vàng cũng ảnh hưởng đến đầu vào của các doanh nghiệp ngành sản xuất vàng trang sức trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Những vấn đề đặt ra này đã và đang được NHNN nghiên cứu, xem xét, giải quyết để đảm bảo được tính thông suốt và lành mạnh của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và diễn biến kinh tế thế giới còn nhiều phức tạp.
Hoạt động quản lý thị trường vàng cần thiết phải được tổng kết, đánh giá thường xuyên đảm bảo đáp ứng được nhu cầu phát triển của thực tiễn theo hướng: Phát triển lành mạnh thị trường vàng, đảm bảo sự thông suốt trong phạm vi nền kinh tế và liên thông với thị trường quốc tế. Tuy nhiên, cần phải có lộ trình với những bước đi thận trọng, phù hợp với thực tiễn phát triển của thị trường tài chính cũng như các công cụ và hàng rào kỹ thuật. Tiếp tục xem xét hành lang pháp lý một cách chặt chẽ và đầy đủ nhưng linh hoạt liên quan đến hình thức, phạm vi, đối tượng tham gia thị trường.
Kết luận
Có thể khẳng định, thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, tình trạng “vàng hoá, đô la hoá” đến nay cơ bản đạt được kết quả tích cực. Mặc dù, tại một số thời điểm, giá vàng trong nước biến động mạnh theo giá vàng thế giới, nhưng khác với trước đây, những biến động này không ảnh hưởng đến công tác điều hành chính sách tiền tệ. Tỷ giá ngoại tệ trên thị trường tự do bám sát tỷ giá chính thức, nhiều thời điểm còn thấp hơn tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại. Diễn biến của thị trường vàng và thị trường ngoại tệ tự do không còn ảnh hưởng đến diễn biến tỷ giá và tình hình thị trường ngoại tệ chính thức, không gây bất ổn thị trường, nhu cầu doanh nghiệp và người dân, nhìn chung, được đáp ứng.
Hoạt động trên thị trường ngoại tệ chính thức ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Những thành công trong quản lý thị trường vàng là bài học kinh nghiệm hữu ích trong công tác xây dựng chính sách, đó là sự kết hợp tổng thể, hài hòa giữa biện pháp kinh tế, biện pháp hành chính và công tác truyền thông để đạt mục tiêu đề ra.
Tài liệu tham khảo:
- Chính phủ (2012), Nghị định số 24/2012/NÐ-CP về việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2012), Thông tư số 16/2012/TT-NHNN, ngày 25/5/2012 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 24/2012/NÐ-CP;
- Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá vàng các năm từ 2010 – 2022, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke ;
- Diệu Linh (2021), Hiệu quả quản lý thị trường vàng thời gian qua và một số đề xuất cho thời gian tới, https://tapchinganhang.gov.vn/hieu-qua-quan-ly-thi-truong-vang-thoi-gian-qua-va-mot-so-de-xuat-cho-thoi-gian-toi.html;
- Nguyễn Mạnh Hùng (2014), Đầu thầu vàng miếng – một quyết định góp phần thực thi có hiệu quả chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2012), Thông tư số 16/2012/TT-NHNN, ngày 25/5/2012 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 24/2012/NÐ-CP;
- Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá vàng các năm từ 2010 – 2022, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke ;
- Nguyễn Đức Trung, Phạm Đức Anh (2018), Kết quả 5 năm triển khai chủ trương chống vàng hóa và định hướng cho bối cảnh mới, https://tapchitaichinh.vn/ket-qua-5-nam-trien-khai-chu-truong-chong-vang-hoa-va-dinh-huong-cho-boi-canh-moi.html;
- Nguyễn Đức Trung (2013), Tầm nhìn dài hạn trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, https://tapchitaichinh.vn/tam-nhin-dai-han-trong-quan-ly-hoat-dong-kinh-doanh-vang.html;
- Đào Xuân Tuấn (2021), Nỗ lực không ngừng của Ngân hàng Nhà nước trong công tác quản lý thị trường vàng, Tạp chí Ngân hàng số Chuyên đề đặc biệt 2021;