Quảng cáo gian dối bị phạt đến 140 triệu đồng
(Tài chính) Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 71/2014/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.
Theo đó, đối với mỗi hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, tổ chức cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính như cảnh cáo; phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung như: Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN); tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề...
Nghị định nêu rõ, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên, nếu người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng.
Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, nhãn hàng hóa và các yếu tố khác theo quy định của Chính phủ để làm sai lệch nhận thức của khách hàng vê hàng hóa, dịch vụ nhăm mục đích cạnh tranh;
Đối với hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi so sánh trực tiếp hàng hoá, dịch vụ của mình với hàng hoá, dịch vụ cùng loại của DN khác; Bắt chước một sản phẩm quảng cáo khác để gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 140 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về một trong các nội dung: Giá, số lượng, chất lượng, công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, xuất xứ hàng hoá, người sản xuất, nơi sản xuất, người gia công, nơi gia công; cách thức sử dụng, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành; các thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn khác.
Về thủ tục thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định xử lý vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh khác, Nghị định nêu rõ, DN bị xử lý vi phạm phải chấp hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và của cơ quan quản lý cạnh tranh trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật.
Hết thời hạn quy định, tổ chức, cá nhân bị xử lý vi phạm không tự nguyện thi hành, không khởi kiện ra Toà án theo quy định, bên được thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đó.
Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN, tước các giấy phép, chứng chỉ hành nghề do mình đã cấp cho các DN vi phạm pháp luật về canh tranh theo yêu cầu của Hội đông xử lý vụ việc cạnh tranh trong quyết định xử lý vụ việc canh tranh….
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2014.