Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật

Việt Hoàng (T/h)

Sáng ngày 10/1, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tổ chức phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Phiên họp cũng được nghe các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Cho ý kiến về Dự án Luật, đa số các ý kiến các đại biểu tán thành với các nội dung Tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều ý kiến cho rằng, dự án Luật nếu được thông qua sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách và quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, cụ thể hóa chủ trương đã được đề ra tại các văn kiện của Đảng và nghị quyết của Quốc hội.

Nhiều ý kiến cho rằng, Dự án Luật đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng; thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Bày tỏ quan tâm đến việc sửa đổi Điều 7 Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt, đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn TP. Đà Nẵng cho rằng, dự thảo Luật dã bổ sung điểm i khoản 4 Mục I Điều 7 về Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt so với mức hiện hành trong 5 năm đầu, kể từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều có hiệu lực thi hành, từ năm thứ 6 trở đi, điều chỉnh tăng mức thuế suất đối với xe ô tô điện chạy pin (áp dụng cả đối với xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước). 

Việc sửa đổi này đáp ứng được mục tiêu khuyến khích đầu tư sản xuất, kịp thời nắm bắt cơ hội để phát triển xe ô tô điện chạy pin, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ khí thải phương tiện giao thông, giảm phát thải khí nhà kính (thực hiện cam kết của Liên hợp quốc về bảo vệ môi trường), định hướng sản xuất, tiêu dùng theo hướng phát triển công nghiệp sạch, bảo vệ môi trường.

Đại biểu Đoàn TP. Đà Nẵng bày tỏ sự thống nhất cao với việc áp dụng thuế suất trong 5 năm đầu đối với xe chạy pin như dự thảo. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Chí Cường, đến năm thứ 6, khi luật này có hiệu lực thì bắt đầu tăng mạnh thuế suất cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn; bởi lẽ, ưu đãi trong vòng 5 năm còn chưa đủ, cần tăng thời gian lên 7 năm hoặc phải tính từ khi sản phẩm này ra đời để thật sự khuyến khích ngành xe ô tô điện chạy pin. Ông Trần Chí Cường cũng đề nghị, Chính phủ làm rõ những nội dung cơ sở căn cứ để nâng các mức thuế suất từ 3 lên 11%, từ 2% lên 7%, từ 2% đến 4%... 

Nêu ý kiến về việc sửa đổi điều khoản của Luật Đầu tư, trong đó có bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đại biểu Trần Chí Cường cũng đề nghị Chính phủ có quy định chi tiết hơn, nhằm cụ thể hóa nội dung này; đồng thời, cần bổ sung các chế tài xử lý nghiêm đối với các nhà mạng khi đưa các nội dung xấu, vi phạm pháp luật, kể cả các nhà mạng trong nước hay nước ngoài...

Từ điểm cầu Hậu Giang, đại biểu Lê Minh Nam cho rằng, các nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật đã tập trung vào đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; ủy thác; điều chỉnh mức thuế… nên về cơ bản đã bảo đảm tính phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, vị đại biểu này cũng đề nghị Chính phủ cần phân tích thêm một số quy định cụ thể, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, hiệu quả; một số nội dung cần được đánh giá tác động kỹ hơn nhằm có giải pháp bảo đảm tính khả thi và đạt mục tiêu của chính sách.

Trong đó, đối với nội dung sửa đổi của của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), dự thảo Luật cũng đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 12 của Luật PPP nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong đầu tư PPP đối với các dự án PPP sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi. Tuy nhiên, cần làm rõ quyền hạn gắn liền với trách nhiệm cũng như trình tự, thủ tục nhằm bảo đảm quản lý, kiểm soát cho chặt chẽ.

Đại biểu Lê Minh Nam đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ quy định của các luật khác có liên quan về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật.

Trước đó, tại phiên thảo luận Tổ, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.

Đồng thời, các đại biểu cho rằng, đây là dự án Luật lớn, tổng hợp nhiều chính sách quan trọng thuộc các lĩnh vực khác nhau; việc xem xét, cho ý kiến và thông qua dự án Luật thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao của Chính phủ và sự chủ động, năng động của Quốc hội đảm bảo tính kịp thời, tinh thần đồng hành với Chính phủ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn về thể chế, khơi thông các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, vì lợi ích của đất nước, đáp ứng sự mong mỏi của doanh nghiệp và người dân, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, để đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng; thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Theo chương trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua luật này vào chiều ngày 11/1. Việc Quốc hội thông qua 1 luật sửa đổi 8 luật tại kỳ họp lần này, nhất là trên lĩnh vực đầu tư được kỳ vọng sẽ gỡ nút thắt, đẩy nhanh quá trình triển khai các nguồn vốn đầu tư.