Quốc hội thảo luận về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế và quy hoạch sử dụng đất quốc gia
Ngày 30/10, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Ngày 30/10, ngày làm việc cuối cùng của đợt 1 Kỳ họp thứ 2, trong phiên họp sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 . Sau đó, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trước đó, trong phiên họp chiều ngày 29/10, Quốc hội đã dược nghe tờ trình của Chính phủ về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã được thực hiện và mang lại nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, có 17/22 mục tiêu của Kế hoạch đã được hoàn thành, 5 nhóm nhiệm vụ đã được tập trung triển khai. Kết quả thực hiện kế hoạch đã góp phần quan trọng trong đổi mới mô hình và cải thiện chất lượng tăng trưởng, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô.
Trong phiên họp buổi chiều ngày 30/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025). Tiếp đó, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trước đó, tại phiên họp chiều ngày 29/10, trình bày trước Quốc hội về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đây là quy hoạch tài nguyên đặc biệt, phải đảm bảo có tầm nhìn dài hạn, tổng thể, đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Do vậy, quy hoạch sử dụng đất phải đi trước một bước, làm cơ sở cho quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất (quy hoạch xây dựng, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch hạ tầng, quy hoạch tỉnh) đảm bảo tính liên vùng, liên tỉnh, kết nối giao thông, hành lang kinh tế ven biển. Qua đó, tạo sự gắn kết hữu cơ giữa đô thị và nông thôn; giữa yêu cầu công nghiệp hóa với nhu cầu đô thị hóa trên bình diện quốc gia và từng địa phương.