Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch COVID-19

Việt Hoàng

Trong Phiên họp tập trung tại Hội trường sáng ngày 8/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội sáng ngày 8/11
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội sáng ngày 8/11

Trong phiên họp sáng ngày 8/11, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, đa số các ý kiến nhất trí cho rằng, đất nước ta thực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 với muôn vàn khó khăn. Trên tất cả các mặt đời sống, kinh tế, xã hội đều phải đối mặt những ảnh hưởng nghiêm trọng mà dịch COVID-19 gây ra.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã hết sức nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống nhân dân. 

Quyết sách của Chính phủ chuyển trạng thái từ chống dịch sang thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh là cần thiết, phù hợp với bối cảnh tình hình thực thế. Đến nay, tình hình dịch bệnh ở nước ta cơ bản được kiểm soát, các hoạt động kinh tế đang dần được phục hồi trong trạng thái bình thường mới trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, trước dự báo dịch bệnh còn phức tạp, cả nước phải hết sức tránh tâm lý chủ quan, lơ là, coi thường dịch bệnh, phải luôn đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. Cùng với các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, nâng cao tỉ lệ bao phủ vắc xin, cần hết sức quan tâm xây dựng kịch bản phục hồi, tái cơ cấu kinh tế ở các ngành, lĩnh vực trong trạng thái bình thường mới hiện nay.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận

Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc, bao gồm không chỉ là kết nối cung - cầu lao động, mà còn là việc kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn, tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống.

Bên cạnh đó, cần chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cũng như một số các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe phù hợp, giúp tạo tâm lý yên tâm quay trở lại làm việc cho người lao động.  Các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp lâu dài về nguồn lực để bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản nhằm tránh rủi ro và bảo đảm cơ hội công bằng cho toàn dân. Chính phủ có thể phải cân nhắc đến việc bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình huống bất thường.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Báo cáo của Chính phủ đã xác định rõ 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội và Chính phủ tăng đầu tư toàn xã hội bằng việc tăng vòng quay tiền thông qua cải cách hành chính trong triển khai thực hiện dự án đầu tư ngoài ngân sách và đầu tư công, các thủ tục trong lĩnh vực đất đai, cấp phép xây dựng, phê duyệt tác động môi trường...

Về công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian tới, các đại biểu nhận định, trong thời gian qua, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã quan tâm, quyết liệt, chỉ đạo, điều hành quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch với những cách làm sáng tạo, linh hoạt, thực hiện mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết; gắn liền với đó là duy trì hiệu quả các hoạt động phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống nhân dân; vận động để có vắc xin tiêm chủng miễn phí cho nhân dân như thành lập Quỹ Vắc xin phòng, chống COVID-19; tích cực triển khai ngoại giao vắc xin, tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng với quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam...

Đại biểu đánh giá cao vai trò của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể, nhân dân, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, các tình nguyện viên đã chủ động tham gia tích cực trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch. Chính phủ đã huy động tối đa được các nguồn lực tài chính, trang thiết bị cho công tác chống dịch. Nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã tham gia hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.  

Tuy nhiên, cho rằng thực tiễn chống dịch ở cơ sở thời gian qua đã bộc lộ hạn chế của hệ thống y tế dự phòng, vừa yếu về đội ngũ lại thiếu trang bị, thiếu trang thiết bị và nguồn lực triển khai nhiệm vụ, các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần dành nhiều nguồn lực hơn nữa để đầu tư cho hệ thống y tế dự phòng với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh...

Đại biểu Trần Văn Khải - đoàn đại biểu Hà Nam:

Trong khó khăn do đại dịch, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đất nước ta không những không bị tê liệt, chia rẽ mà lại càng nung nấu ý chí vượt qua khó khăn, thách thức để vươn lên; tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết dân tộc ngày càng được củng cố và tăng cường.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - đoàn đại biểu Quảng Bình:

Kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, nước ta đã trải qua 4 làn sóng dịch với nhiều cung bậc cảm xúc, mức độ ảnh hưởng khác nhau. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch với những cách làm sáng tạo, linh hoạt, thực hiện mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết; gắn liền với đó là duy trì hiệu quả các hoạt động phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống nhân dân.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh - đoàn đại biểu Bắc Giang:

Báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ rất đầy đủ, có số liệu minh chứng khá rõ ràng. Đặc biệt, Chính phủ đã không né tránh mà nhìn thẳng vào những vấn đề còn hạn chế, tồn tại để có các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 là rất linh hoạt và sáng tạo, phù hợp với tình hình dịch bệnh, nhất là việc Chính phủ đã chuyển hướng chiến lược từ “zero COVID” sang thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Với chiến lược đúng đắn này, tin tưởng sâu sắc rằng, bên cạnh kiểm soát tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, các hoạt động kinh tế của đất nước sẽ sớm được phục hồi và phát triển một cách nhanh chóng trong thời gian tới.