Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi)

Trần Huyền

Với 462 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 95,06%), Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi).

Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi).
Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý vẫn giữ bố cục gồm 07 chương và 54 điều, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chỉ đạo, kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; bám sát 09 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định khi bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, về tổ chức chính quyền đô thị, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý theo hướng quy định cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền tại TP. Hà Nội không chỉ thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô mà cả quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đồng thời, bổ sung thẩm quyền của UBND phường trong việc quyết định các nội dung mà theo quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác phải do HĐND cấp xã quyết định hoặc phải được HĐND cấp xã thông qua trước khi quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Cùng với quy định về việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền của TP. Hà Nội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc phân cấp, ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành cho các cơ quan của TP. Hà Nội để cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền.

Đối với các chính sách xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và ý kiến của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý các quy định về quản lý, sử dụng đất tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê, bảo đảm phù hợp với quy hoạch và yêu cầu về phòng, chống lũ.

Về cải tạo, chỉnh trang đô thị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho rà soát các trường hợp cần thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị để bảo đảm không trùng lặp; bỏ quy định giao UBND Thành phố tổ chức bán nhà ở cũ; giao HĐND quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn Thành phố.

Về thử nghiệm có kiểm soát, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng không cho phép thử nghiệm trong lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lĩnh vực về biến đổi, chỉnh sửa gen người; đưa ra nguyên tắc giới hạn các nhóm quy định của pháp luật mà tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thử nghiệm có kiểm soát có thể được phép không áp dụng, trên cơ sở đó, HĐND Thành phố sẽ quyết định phạm vi không áp dụng các quy định của pháp luật phù hợp với từng dự án cụ thể cũng như yêu cầu, mục đích thử nghiệm.

Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể hơn việc miễn trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước, loại trừ trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, doanh nghiệp thử nghiệm, cá nhân thực hiện thử nghiệm trong trường hợp đã tuân thủ đúng và đầy đủ nội dung quy định và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, đã bổ sung, chỉnh lý quy định về điều chỉnh, gia hạn, chấm dứt thử nghiệm và làm rõ chế độ báo cáo của UBND Thành phố, của cơ quan hướng dẫn quá trình thử nghiệm; bổ sung trách nhiệm của Chính phủ trong việc tổ chức xem xét, đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện các nội dung thử nghiệm để hoàn thiện pháp luật làm cơ sở cho việc áp dụng chính thức...