Quy chế riêng cho Ủy ban giám sát tài chính quốc gia?
Nếu Quy chế riêng này không trao cho Ủy ban giám sát tài chính quốc gia một chiếc gậy đủ mạnh thì nhiệm vụ tham mưu cho Chính phủ trong quản lý, điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính quốc gia của ủy ban này sẽ không thực hiện được.

Nhiệm vụ giám sát, phát hiện cũng như răn đe và ngăn chặn những dấu hiệu, hay những hành động ảnh hưởng tới sự lành mạnh cũng như an toàn của hệ thống tài chính quốc gia... vì thế cũng khó có thể hoàn thành. Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh và một số quốc gia khác thì các cơ quan giám sát quốc gia phải là những cơ quan siêu bộ, bao gồm cả lập quy, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; là cơ quan cấp phép, thanh tra, kiểm tra và cưỡng chế thực thi, xử phạt đối với các hoạt động trong lĩnh vực tài chính.
Hiện nay, nguồn số liệu thông tin cung cấp cho Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia được lấy ngay từ các bộ, ngành. Liệu yếu tố độc lập trong hoạt động của cơ quan này có được bảo đảm không? Việc tham mưu cho Chính phủ cần dựa trên số liệu độc lập chứ không thông qua số liệu của các bộ, ngành. Để làm được điều này, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phải có hệ thống chân rết để theo dõi, kiểm tra và thu thập số liệu. Tuy nhiên để có được hệ thống như vậy không hề đơn giản và phải tốn rất nhiều thời gian, công sức. Trên thực tế, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia chỉ mới được thành lập, và việc đòi hỏi thiết lập được hệ thống chân rết đáp ứng được yêu cầu công việc chỉ sau vài tháng thành lập là điều không tưởng.
Việc giám sát hệ thống tài chính đối với Việt Nam lúc này rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh các tổ chức tài chính lớn trên thế giới, như Ngân hàng Thế giới World Bank, Quỹ Tiền tệ thế giới IMF, Ngân hàng Phát triển ADB… đều đang có nhiều quan ngại với gói kích cầu của Chính phủ Việt Nam. Quy mô, liều lượng và cách phân bổ của gói kích cầu này nếu không thực hiện khéo sẽ làm méo mó nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới. Sự phục hồi nhờ gói kích cầu chỉ là trong ngắn hạn còn những nguy cơ, rủi ro đối với nền kinh tế sẽ là dài hạn.
Câu hỏi mà các chuyên gia kinh tế đặt ra lúc này là có hay không sự bắt tay giữa các doanh nghiệp Nhà nước, các tập đoàn Nhà nước, các ngân hàng thương mại Nhà nước trong việc hợp pháp hóa, lợi dụng kẽ hở pháp luật để định hướng những dòng vốn lớn của quốc gia vào những kênh đầu tư không đem lại hiệu quả hoặc tác động xã hội tích cực? Có hay không sự bắt tay giữa các ngân hàng và các đại gia tư nhân với những gian lận về thế chấp, gian lận về dự án đầu tư và kể cả những thủ thuật kế toán để ẩn nợ, treo nợ, che dấu thực trạng tài chính yếu kém của doanh nghiệp…? Nếu không trả lời được những câu hỏi này, thì việc kiểm tra giám sát coi như thất bại, và sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sẽ không thể được nhìn nhận một cách khách quan, thậm chí còn gây ra những lầm tưởng.
Gói hỗ trợ kích cầu của Chính phủ đang được giải ngân rất nhanh. Một lượng tiền lớn đã được đưa vào lưu thông. Lượng tiền này phần nào đang phát huy tác dụng, giúp các doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, những dấu hiệu nóng lên bất thường của thị trường chứng khoán cũng như thị trường bất động sản trong những ngày qua là điều rất đáng lưu tâm. Mối nghi ngại về một lượng tiền kích cầu đã được đổ vào chứng khoán không phải là không có căn cứ.
Dường như tốc độ tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam tương ứng với mức độ giải ngân của gói kích cầu. Vẫn biết thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế nhưng liệu nền kinh tế Việt Nam có hồi phục tốt đến mức mà chỉ trong khoảng thời gian ngắn Vn-Index đã tăng điểm liên tục và gấp đôi (so với thời điểm được cho là đáy vào cuối tháng 2). Và lượng tiền giao dịch trên thị trường chứng khoán trong nhiều phiên giao dịch còn cao hơn nhiều so với những phiên khởi sắc ở cuối năm 2007, đầu 2008 - thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam trong tình trạng phát triển bong bóng.
Khi hệ thống tài chính vận hành trong sự mù mờ, nguồn tiền lưu thông không rõ ràng, mọi hoạt động đầu tư theo tâm lý đám đông, niềm tin chỉ là sự phấn khích tức thời thì lúc đó nền kinh tế vẫn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Rõ ràng nếu không có sự quản lý, giám sát hiệu quả hệ thống tài chính thì những giả thuyết và những nghi ngờ đều có thể được đưa ra một cách hỗn độn.