EU điều tra chống bán phá giá nhựa PET từ Việt Nam

Bích Thuỷ

Liên minh châu Âu (EU) đã có thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm nhựa PET xuất khẩu của Việt Nam.

Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị điều tra nghiên cứu kỹ các thông tin tài liệu.
Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị điều tra nghiên cứu kỹ các thông tin tài liệu.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 22/5/2025, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm nhựa PET có xuất xứ từ Việt Nam, nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU).

Theo đó, mặt hàng nhựa PET đã được Cục Phòng vệ thương mại đưa vào danh sách cảnh báo nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại từ tháng 12/2024.

Hàng hóa bị điều tra là nhựa polyethylene terephthalate (PET) có độ nhớt 78 ml/g hoặc cao hơn, theo Tiêu chuẩn ISO 1628-5, hiện nằm trong mã CN 39076100.

Giai đoạn điều tra bán phá giá từ ngày 1/1/2024 đến ngày 31/12/2024; giai đoạn điều tra thiệt hại từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/12/2024. Vụ việc điều tra sẽ kết thúc trong vòng 1 năm, có thể được gia hạn nhưng không quá 14 tháng kể từ ngày ban hành Thông báo khởi xướng.

Theo số liệu của nguyên đơn, trong giai đoạn điều tra, Việt Nam đã xuất khẩu 402.545 tấn sản phẩm PET sang thị trường EU. Biên độ bán phá giá cáo buộc là 11 - 19%.

Trong Thông báo khởi xướng, Ủy ban châu Âu đã cung cấp chi tiết các nội dung liên quan tới Bên yêu cầu, hàng hóa bị điều tra, cáo buộc bán phá giá, thiệt hại và mối quan hệ nhân quả, cáo buộc về can thiệp giá nguyên liệu đầu vào, quy trình thủ tục điều tra và các thời hạn liên quan; các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, hướng dẫn về các thủ tục tải và đăng tải tài liệu trên hệ thống điện tử TRON của Ủy ban châu Âu.

Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị điều tra nghiên cứu kỹ các thông tin tài liệu gửi kèm. Đồng thời, hợp tác đầy đủ toàn diện với Ủy ban châu Âu để cung cấp các thông tin, tài liệu theo đúng thể thức và thời hạn quy định, thường xuyên phối hợp, cung cấp thông tin để nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ Cục Phòng vệ thương mại.