Quy định mới về BHXH, BHYT và chi phí khám chữa bệnh
Từ tháng 12/2018, nhiều chính sách mới liên quan tới tiền lương, phụ cấp, chi phí khám chữa bệnh… có hiệu lực thi hành, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cán bộ, công chức, người lao động.
Điều chỉnh lương hưu cho lao động nữ
Nghị định số 153/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 24/12/2018 quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng.
Mức điều chỉnh sẽ được tính bằng mức lương hưu theo quy định của Luật BHXH 2014 tại thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu nhân với tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng BHXH và thời điểm hưởng lương hưu.
Cụ thể: Nếu nghỉ hưu năm 2018, tỷ lệ điều chỉnh cao nhất là 12,3%; thấp nhất là 1,08%, tùy thuộc vào thời gian đã đóng BHXH; Nếu nghỉ hưu năm 2019, tỷ lệ điều chỉnh cao nhất là 9,23%, thấp nhất là 0,81%, tùy thuộc vào thời gian đã đóng BHXH…
Người lao động nước ngoài phải đóng 8% BHXH bắt buộc
Chính phủ đã ban hành Nghị định số143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật BHXH và Luật An toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Theo đó, từ ngày 01/01/2022, hàng tháng người lao động nước ngoài đóng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó, thời gian này không được tính để hưởng BHXH. Nghị định số143/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2018.
Năm trường hợp được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh
Đây là một trong những nội dung được nêu tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/12/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đối với các trường hợp khác, mức hưởng bảo hiểm y tế chỉ từ 80 - 95%.Theo Nghị định, hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh (KCB) đối với 5 trường hợp, trong đó có: Hỗ trợ 100% chi phí KCB đối với người có công với cách mạng; người được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; Hỗ trợ 100% chi phí KCB đối với người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn…; Hỗ trợ 100% chi phí KCB tại tuyến xã; Hỗ trợ 100% chi phí KCB đối với các trường hợp chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% lương cơ sở.
Bổ sung thêm nhóm đối tượng tham gia BHYT
Nghị định số 146/2018/NĐ-CP cũng bổ sung thêm nhóm đối tượng tham gia BHYT do người sử dụng lao động đóng gồm:
- Thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội.
- Thân nhân của công nhân công an đang phục vụ trong Công an nhân dân.
- Thân nhân của người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.
Cụ thể, thân nhân của các nhóm đối tượng trên bao gồm:
- Cha đẻ, mẹ đẻ; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng.
- Vợ hoặc chồng.
- Con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học phổ thông.