Quy định mức xử phạt mới trong lĩnh vực chứng khoán
Ngày 1/11/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 145/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, thị trường chứng khoán. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2016.
Theo đó, Nghị định sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 3 về mức phạt tiền cụ thể như sau mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực chứng khoán đối với tổ chức vi phạm là 2 tỷ đồng và đối với cá nhân vi phạm là 1 tỷ đồng.
Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định này là 5% tổng số tiền đã huy động trái pháp luật nhưng không vượt quá 2 tỷ đồng đối với tổ chức và 1 tỷ đồng đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 6 và khoản 2 Điều 15 Nghị định này là 5 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không vượt quá 2 tỷ đồng.
Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này được áp dụng đối với tổ chức; cá nhân thực hiện cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức…
Bên cạnh đó, Nghị định số145/2016/NĐ-CP bổ sung quy định phạt tiền từ 400-700 triệu động đối với hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tổ chức có hành vi vi phạm quy định nêu trên phải thu hồi chứng khoán đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặc cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành. Thời hạn thu hồi chứng khoán, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư là 60 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực.
Nghị định bổ sung quy định phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với hành vi nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn quy định từ trên 24 - 36 tháng; phạt tiền từ 70-100 triệu đồng đối với hành không nộp hoặc nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn quy định trên 36 tháng.
Đối với hành vi vi phạm quy định về niêm yết chứng khoán, đăng ký giao dịch chứng khoán, Nghị định bổ sung quy định phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng đối với hành vi đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán thời hạn đến 1 tháng; phạt tiền từ 30 -70 triệu đồng đối với hành vi đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán quá thời hạn từ trên 1 tháng đến 3 tháng.
Về hành vi vi phạm quy định của công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam, Nghị định quy định mức phạt tiền từ 50 -70 triệu đồng đối với các hành vi: Không ban hành đầy đủ hoặc không tuân thủ quy định nội bộ, quy trình nghiệp vụ, quy trình kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro, quy tắc đạo đức hành nghề phù hợp với nghiệp vụ kinh doanh; Không tuân thủ quy định của Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và quy định pháp luật khác về quản trị, điều hành…
Đồng thời, Nghị định cũng bổ sung quy định phạt tiền từ 70-100 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện mở tài khoản phong tỏa tại ngân hàng thương mại; không chuyển số tiền thu được từ đợt chào bán vào tài khoản phong tỏa; giải tỏa hoặc sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán trước khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thông báo bằng văn bản về việc xác nhận kết quả chào bán.