Quy hoạch cây điều theo hướng mặt hàng xuất khẩu chủ lực

PV.

Là ngành hàng phát triển trên quy mô rộng, diện tích lớn, giải quyết việc làm cho hơn 900.000 lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nông dân, trong sản xuất nông nghiệp và chế biến, kim ngạch xuất khẩu xếp hạng thứ 4 sau lúa gạo, cà phê, cao su. Chính vì thế, hiện nay, ngành nông nghiệp cần phải có chiến lược phát triển phù hợp, tương xứng với tiềm năng của những vùng đất sản xuất điều, nhằm mục đích khai thác tối đa lợi thế xuất khẩu mặt hàng này trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực trạng sản xuất điều nước ta

Hiện nay, cả nước có trên 465 cơ sở chế biến điều, trong đó 30 doanh nghiệp chế biến đạt tiêu chuẩn HACCP, ISO 9001, ISO14000, ISO 22000, BRC. Để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng yêu cầu về công nghệ chế biến hạt điều theo tiêu chuẩn xuất khẩu, giảm áp lực về lao động, 100% doanh nghiệp lớn đã đầu tư tự động hóa nhiều khâu trong dây chuyền sản xuất (cắt, tách vỏ hạt, bóc vỏ lụa); đổi mới công nghệ chế biến. Năm 2013, các doanh nghiệp thu mua hạt điều sản xuất trong nước 285.000 tấn, giá bình quân từ 20.000 đến 23.000 đồng/kg, đáp ứng 30% nhu cầu chế biến của các nhà máy, số còn lại nhập khẩu; nhìn chung, chất lượng hạt điều nhập khẩu không đồng đều, nhiều lô hàng có chất lượng kém so với điều trong nước (về tỷ lệ nhân thu hồi, cỡ hạt, độ ẩm, tạp chất).

Những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công nhận và cho phép sản xuất thử 10 giống điều mới. Hiện nay, các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, tuyển chọn giống mới có nhiều ưu điểm nổi bật, vừa đạt năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh, thích nghi với điều kiện sinh thái của từng vùng và chịu đựng tốt với sự biến đổi khí hậu, đang được nhân rộng trong thời gian tới. Số liệu điều tra cho thấy, chỉ có khoảng dưới 34,4% diện tích điều hiện nay được trồng bằng các giống điều mới, diện tích điều trồng bằng cây thực sinh, giống cũ vẫn đang chiếm diện tích lớn, khoảng trên 65,6%, phần lớn diện tích điều này chất lượng giống kém, rất ít được chăm sóc, đã có một số biểu hiện sự thoái hóa. Những vườn điều mới trồng, đa số nông dân trồng bằng giống ghép, mới, nhưng khâu quản lý nguồn gốc xuất xứ, chất lượng giống còn nhiều bất cập, một số cơ sở cung cấp giống không đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật làm cho người trồng điều chưa thật sự yên tâm khi chuyển sang trồng giống điều ghép, mới.

Đặc biệt là trong những năm qua, nhiều tiến bộ kỹ thuật về cây điều đã được các cơ quan chuyên môn, hệ thống khuyến nông, Hiệp hội điều chuyển giao thông qua nhiều hình thức như xây dựng mô hình thâm canh, cải tạo vườn điều cũ, chăm sóc, bón phân, tỉa cành, tạo tán, phòng trừ sâu bệnh… đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, hội thảo, thăm quan, tuyên truyền quảng bá. Nhiều nông dân trồng điều học tập, làm theo và đã đạt kết quả rất khả quan, nhất là nông dân các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, tỉnh Bình Định.

Quy hoạch để từng bước nâng cao chất lượng vườn điều

Với quan điểm, phát triển ngành điều bền vững, theo hướng hiện đại, đồng bộ, sản xuất hàng hóa lớn với các sản phẩm đa dạng có chất lượng, mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp, từ nay đến năm 2020, ngành sản xuất điều phấn đấu tổng diện tích trồng điều khai thác 350 ngàn ha (phân bố ở 9 tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bình Định), trong đó diện tích thu hoạch 300 ngàn ha, chiếm 85,7%; cho năng suất 15-17 tạ hạt/ha; tổng kim ngạch xuất khẩu ngành điều 2,5 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu trên, ngành cần thực hiện một số nhóm giải pháp chính, đồng bộ. Đó là:

Một là: Rà soát, điều chỉnh vùng quy hoạch trồng điều. Hình thành vùng trồng trọng điểm, tập trung đầu tư thâm canh, hướng tới xây dựng vườn điều lớn; đầu tư xây dựng giao thông, thủy lợi, mạng lưới thu mua, chế biến. Phân loại các vườn điều hiện có: diện tích điều già cỗi, sâu bệnh nhiều, giống không đạt yêu cầu cần trồng tái canh, cải tạo; diện tích có đủ điều kiện thì tập trung thâm canh, tăng năng suất.

Hai là: Để từng bước nâng cao chất lượng vườn điều, tăng năng suất, hiệu quả và nâng cao đời sống cho người dân, từng địa phương xây dựng kế hoạch thâm canh phù hợp ở mức cao nhất nhằm phát huy tiềm năng lợi thế, nâng cao hiệu quả kinh tế của cây điều và xây dựng kế hoạch, bước đi cụ thể để tái canh, cải tạo, khôi phục vườn điều già cỗi, nhiễm sâu bệnh, giống không đạt yêu cầu hoặc chuyển sang trồng cây lâm nghiệp hoặc cây trồng khác đối với diện tích điều trồng nơi không phù hợp, hiệu quả thấp hơn.

Ba là: Chú trọng trồng xen, nuôi xen tổng diện tích điều với các cây trồng, vật nuôi phù hợp. Cụ thể, trên đất có nước tưới bổ sung sẽ trồng điều xen ca cao; trên đất có điều kiện giữ ẩm sẽ trồng điều xen gừng, nghệ, sa nhân; trên đất dốc, sườn đồi, ven biển sẽ trồng điều kết hợp nuôi gà thả vườn, nuôi ong lấy mật…

Bốn là: Nghiên cứu chọn tạo và đưa vào sản xuất giống điều có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với từng vùng sinh thái, chống chịu một số sâu bệnh chủ yếu và thích nghi với sự biến đổi khí hậu. Xây dựng vườn đầu dòng, vườn nhân giống gốc. Đối với giống ghép, 100% cành ghép, gốc ghép phải lấy từ cây đầu dòng có chứng nhận; thường xuyên kiểm tra, đánh giá cây giống bảo đảm yêu cầu. Đơn vị được chọn nhân, cung ứng giống phải cam kết thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và chịu trách nhiệm vật chất về chất lượng cây giống.

Năm là: Tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng cường liên kết ngang giữa các nông hộ trồng điều với nhau, hình thành các tổ chức sản xuất: hợp tác xã, tổ kinh tế hợp tác, tổ đoàn kết sản xuất, câu lạc bộ trồng điều năng suất cao, liên minh nông dân trồng điều...Tập hợp được các nông hộ trồng điều (hiện cả nước có 456.410 nông hộ trồng điều) nhằm tạo sự đồng thuận để họ tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật; thông tin thị trường, giá cả; tiếp nhận các chính sách của Nhà nước và phối hợp cùng nhau thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao thu nhập cho cộng đồng.

Sáu là: Tăng cường liên kết giữa người trồng điều với doanh nghiệp, xây dựng mô hình vườn điều mẫu lớn, tiến đến xây dựng vùng nguyên liệu điều cho từng doanh nghiệp. Quy hoạch, sắp xếp lại các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều theo hướng giảm đầu mối, hình thành các cơ sở chế biến lớn, thiết bị và công nghệ hiện đại. Khuyến cáo không thành lập mới cơ sở chế biến và không tăng thêm công suất chế biến hạt điều khi thị trường cung cấp hạt điều nguyên liệu trong nước còn chưa phát triển vượt công suất chế biến. Xây dựng mô hình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO, HACCP, GMP, BRC và quy chuẩn kỹ thuật cơ sở chế biến hạt điều, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bẩy là: Đẩy mạnh tiêu thụ điều trong nước, tìm kiếm thị trường xuất khẩu sản phẩm chế biến có chất lượng và giá trị cao. Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Mở rộng hệ thống thông tin giúp nông dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường và tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả. Tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, khuyến khích xuất khẩu thông qua Hiệp hội Điều Việt Nam. Chuyển từ chính sách trợ cấp xuất khẩu sang hỗ trợ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của điều Việt Nam, chuẩn bị điều kiện tốt để tham gia hiệp định TPP.

Tăng cường cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp điều phát triển

Để thực hiện trồng tái canh, cải tạo, khôi phục và trồng mới, trồng xen cây thuộc vùng quy hoạch điều, phía nhà sản xuất rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ Nhà nước bằng các chính sách cụ thể. Đó là, hỗ trợ 80% giá trị cây giống đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cho nông dân được sản xuất từ các đơn vị cung ứng giống được chỉ định; 40% phân bón cho trồng điều trong năm đầu tiên khi thực hiện cải tạo, khôi phục diện tích điều và trong 3 năm đầu sau khi trồng tái canh. Về vốn vay đầu tư, hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi 6%/năm với thời gian 7 năm đối với vốn đầu tư trồng tái canh, cải tạo khôi phục và trồng mới bằng giống mới có chất lượng, thời gian hoàn trả vốn và lãi bắt đầu từ năm thứ 4 và kết thúc vào năm thứ 7.

Bên cạnh sự hỗ trợ về vốn, các nhà sản xuất điều cũng mong muốn có được những cơ chế, chính sách bảo đảm cho phát triển sản xuất được ổn định: các cơ quan hữu quan sớm xây dựng, ban hành giá sàn thu mua hạt điều hằng năm để làm căn cứ các doanh nghiệp thu mua giá an toàn; hình thành Quỹ Bảo hiểm rủi ro ngành điều, bằng cách huy động từ các nguồn hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước, đóng góp của doanh nghiệp điều và các nguồn đóng góp khác; giảm thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm điều tiêu thụ trong nước.