Quý I/2013: Kinh tế vĩ mô có nhiều tín hiệu đáng mừng!
(Tài chính) Tại buổi Họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 3/2013, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, trong quý I/2013 dù có nhiều khó khăn song tăng trưởng GDP cao hơn so với cùng kỳ năm trước, 4,89% so với 4,75%, đặc biệt có 7.650 trong số 13.000 doanh nghiệp (DN), chiếm gần 60% ngừng hoạt động trong năm 2012 đã quay trở lại hoạt động.
7.650 doanh nghiệp hoạt động trở lại
Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, qua 3 tháng dù có nhiều khó khăn, đặc biệt có kỳ nghỉ Tết dài, tăng trưởng GDP đã cao hơn so với cùng kỳ năm trước, 4,89% so với 4,75%, trong đó: khu vực nông nghiệp tăng 2,24%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,93%; khu vực dịch vụ tăng 5,65%.
Tuy mức tăng cao hơn không nhiều nhưng lạm phát đã được kiềm chế, quý I/2013 Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp hơn so với cùng kỳ. Cụ thể, CPI tháng 3/2013 giảm 0,19% so với tháng trước, là tháng có chỉ số giảm sau 7 tháng tăng liên tiếp; so với tháng 12/2012 tăng 2,39%, đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm qua.
Tín hiệu đáng mừng nữa là xuất khẩu tiếp tục tăng cao, tháng 3/2013 ước đạt 11 tỷ USD, tăng 53,9% so với tháng trước; quý I/2013 ước đạt 29,69 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2012.
Đáng chú ý là khu vực kinh tế trong nước, từ chỗ chỉ tăng 3,1% trong cả năm 2012, sang quý I/2013 đã tăng 10,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước tăng 25,6%. Kim ngạch nhập khẩu tháng 3 ước đạt 11,3 tỷ USD, tăng 56% so với tháng trước. Kim ngạch nhập khẩu quý I/2013 ước đạt 29,2 tỷ USD, tăng 17%. Xuất siêu quý I/2013 đạt khoảng 481 triệu USD, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và dự trữ ngoại hối của Nhà nước.
Điều đáng nói, qua báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số địa phương lớn như TP. Hồ Chí Minh, 13.000 DN năm ngoái phải dừng hoạt động do khó khăn thì năm nay qua theo dõi, qua nộp thuế thì trên 60% (7.650 DN) đã quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, số lượng DN đăng ký mới tăng không nhiều, số lượng DN mới lâm vào khó khăn, đình trệ sản xuất còn lớn. “Nhìn tổng thể lại chúng ta có những tín hiệu mừng xen lẫn những bất cập, đòi hỏi chúng ta phải rất nỗ lực”, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá.
Vốn FDI đăng ký và thực hiện trong quý I/2013 tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn đăng ký ước đạt trên 6 tỷ USD, tăng 63,6%; vốn thực hiện ước đạt 2,7 tỷ USD tăng 7,1%; giải ngân vốn ODA đạt khá. Tiến trình tái cơ cấu đầu tư công đã được triển khai ngày từ đầu năm 2013 và đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực.
Nhiều giải pháp đồng bộ tiếp tục được triển khai
Phát huy những kết quả đạt được trong quý I/2013 và để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội cả năm 2013, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra, cụ thể:
Thứ nhất, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong các Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ bằng các cơ chế, chính sách phù hợp; đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.
Thứ hai, kiên trì mục tiêu tổng quát, tăng trưởng cao hơn và lạm phát thấp hơn năm trước. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp. Ngân hàng phải có biện pháp quản lý tốt tỷ giá; cùng với việc hạ lãi suất cho vay phải có biện pháp và tăng cường kiểm tra để vốn vay với lãi suất thấp thực sự đến được với DN, tăng dư nợ tín dụng; đồng thời chú ý cơ cấu lại nợ, giảm nợ xấu.
Thứ ba, chỉ đạo quyết liệt công tác thu chi ngân sách Nhà nước (NSNN) để bảo đảm các cân đối theo kế hoạch, đồng thời giữ được mức bội chi NSNN đã được Quốc hội thông qua; tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên; giảm tối đa các chuyến đi công tác nước ngoài của cán bộ, công chức.
Thứ tư, khẩn trương triển khai các giải pháp, chính sách về thuế đã ban hành, đồng thời trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số quy định về thuế TNDN, VAT... nhằm giúp DN phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh; đôn đốc giải ngân vốn đầu tư từ NSNN và tín dụng Nhà nước, xem xét ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong kế hoạch năm 2014, nhất là đối với những công trình cấp bách; chú trọng thu hút và giải ngân vốn FDI và ODA.
Thứ năm, tăng cường bình ổn thị trường, giá cả; ngăn chặn có hiệu quả hàng nhập lậu, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các bộ, ngành, địa phương quan tâm hướng dẫn việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu như dịch vụ y tế và giá thuốc... theo lộ trình thích hợp để không gây tăng CPI đột biến; đảm bảo cung cấp đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt; tăng cường hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, ngập mặn...
Thứ sáu, chú trọng công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa; tích cực đàm phán các Hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương.
Thứ bảy, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường nhà ở, bằng nhiều biện pháp phù hợp, trong đó cho người thu nhập thấp vay mua nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi ổn định (tối đa 6%/năm); cho người nước ngoài mua nhà để ở…