Quý I, vốn FDI "đổ" vào TP. Hồ Chí Minh giảm mạnh
Số liệu của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cho thấy, quý I năm nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) “chảy” vào TP. Hồ Chí Minh là 406,6 triệu USD, giảm 40,1% so với cùng kỳ. Số dự án cấp mới cũng giảm khi chỉ có 127 dự án với vốn đăng ký đạt 102,4 triệu USD.
Vốn FDI giảm mạnh
Báo cáo tình hình kinh tế xã hội TP. Hồ Chí Minh quý I/2022 của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cho thấy, từ ngày 1/1-20/3, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào TP. Hồ Chí Minh là 406,6 triệu USD, giảm 40,1% so với cùng kỳ, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Về cấp mới dự án, TP. Hồ Chí Minh có 127 dự án với vốn đăng ký đạt 102,4 triệu USD, giảm 12,8% về vốn so với cùng kỳ. Trong đó, gần 87% tổng vốn đăng ký tập trung vào ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy có 54 dự án với vốn đăng ký 34,6 triệu USD, chiếm 33,8% tổng vốn đăng ký cấp mới…
Dẫu vậy, nếu xét về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước về số dự án mới (chiếm 39,4%), số lượt góp vốn mua cổ phần (chiếm 68,7%)
Về quốc gia, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản có số vốn đăng ký chiếm 74,4% tổng vốn cấp mới. Cụ thể, Singapore có 16 dự án với vốn 34,5 triệu USD chiếm 33,7%. Hàn Quốc có 15 dự án, vốn 24,2 triệu USD chiếm 23,6% và Nhật Bản có 16 dự án, vốn 17,5 triệu USD chiếm 17,1%.
Về góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp có 504 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện với vốn góp là 294,8 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đạt 176,8 triệu USD, chiếm 60% tổng vốn góp. Tiếp đến bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy chiếm 19%, đạt 56 triệu USD.
Trong 3 tháng đầu năm, Hàn Quốc và Singapore là 2 quốc gia có số vốn góp cao nhất với tỷ lệ lần lượt 40,1% và 25,3%.
Bên cạnh những dự án cấp mới, số dự án đề nghị chấm dứt hoạt động đến ngày 20/3 là 43 dự án, với vốn đầu tư 54,84 triệu USD. Số dự án còn hiệu lực hoạt động đến ngày 20/3 là 10.533 dự án, với vốn đăng ký là 52,89 tỷ USD, bao gồm vốn cấp mới và điều chỉnh vốn.
Kinh tế trên đà phục hồi
Theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, trong tháng 3, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh tại các cửa khẩu trên cả nước đạt gần 4,6 tỷ USD, tăng 42,7% so với tháng trước. Riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt hơn 4,4 USD, tăng 44,7%.
Tính cả quý I, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh tại các cửa khẩu trên cả nước đạt gần 11,9 tỷ USD, tăng 3,5% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khu vực kinh tế FDI chiếm tỷ trọng cao nhất hơn 6,5 tỷ USD, giảm 9,9%. Tiếp theo là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 16,1%; khu vực kinh tế nhà nước đạt 564,4 triệu USD, tăng 107,9%.
Về cơ cấu xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp có giá trị xuất khẩu cao nhất, đạt 7,4 tỷ USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 75,3%; tập trung chủ yếu vào các mặt hàng như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, dệt may, giày dép, máy móc, trang thiết bị khác.
Đáng chú ý, nhóm hàng nông sản có giá trị xuất khẩu đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 54,% so với cùng kỳ và chiếm 11,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố, trong đó xuất khẩu gạo tăng 39,8%, cà phê tăng 64,8%, cao su tăng 12,2%. Riêng nhóm hàng thủy hải sản có giá trị xuất khẩu đạt 270 triệu USD, tăng 70% so với cùng kỳ.
Xét thị trường xuất khẩu hàng hóa, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp thành phố với kim ngạch xuất khẩu trong quý 1 đạt hơn 2,5 tỷ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ, chiếm 24,5% tỷ trọng xuất khẩu. Hoa Kỳ đứng thứ 2 với giá trị xuất khẩu đạt hơn 1,6 tỷ USD, tăng 5%, chiếm 16,2%; vị trí thứ 3 là thị trường Nhật Bản đạt 701,8 triệu USD, tăng 8,7%, chiếm 6,8%.
Hoạt động nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng trưởng với tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố trong tháng Ba tại các cửa khẩu trên cả nước đạt gần 6,8 tỷ USD, tăng 30,6% so với tháng trước.
Tính chung quý 1/2022, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt gần 17,4 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ; trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt 274 triệu USD, tăng 9,3%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt gần 7,5 tỷ USD, tăng 90%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 6,3 tỷ USD, tăng 1,6%.
Xét về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, nhóm hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng đạt 8,1 tỷ USD, tăng 27,4%, chiếm 57,9%; nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu đạt 4,2 tỷ USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ, chiếm gần 30% tổng giá trị nhập khẩu. Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại; chất dẻo nguyên liệu…
Cục thống kê TP. Hồ Chí Minh nhận định, kim ngạch xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố trong quý 1 lần lượt tăng 3,5% và 18,4% chứng tỏ động lực, nhu cầu tiêu thụ, sản xuất hàng hóa vẫn còn.
Riêng kim ngạch nhập khẩu của TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng đều trong quý I với mức tăng tháng sau cao hơn tháng trước cho thấy kinh tế TP. Hồ Chí Minh đang trên đà phục hồi, các chỉ số sản xuất công nghiệp tăng dần, do đó nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp cũng tăng theo.