Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN-Úc-Niu di lân

CÔNG TY LUẬT PLF

Thực hiện đúng quy tắc xuất xứ hàng hóa, thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong khu vực thương mại tự do ASEAN - Úc - Niu-di-lân giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Quy tắc xuất xứ được quy định tại Phụ lục I của Thông tư 31/2015/TT-BCT quy định thực hiện quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN - Úc - Niu-di-lân có các nội dung cơ bản cần chú ý sau:

Nguyên tắc chung để được xem là hàng hóa có xuất xứ

Hàng hóa được xem là có xuất xứ khi đáp ứng một trong ba nguyên tắc sau:

1. Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một nước thành viên;

2. Không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại một nước thành viên, nhưng đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 4 của Phụ lục I Thông tư 31/2015/TT-BCT;

3. Được sản xuất tại lãnh thổ của một nước thành viên từ các nguyên liệu có xuất xứ của một hay nhiều nước thành viên khác và đáp ứng các quy định khác của Quy tắc.

Các nguyên tắc trên được quy định cụ thể bằng những điều khoản khác trong Phụ lục I của Thông tư 31/2015/TT-BCT. Do đó, doanh nghiệp sẽ phải kiểm tra các quy định khác trong Phụ lục I để xác định doanh nghiệp thuộc trường hợp được quy định tại nguyên tắc nào.

Hàng hóa có xuất xứ thuần túy

Để nhận biết hàng hóa có được xem là có xuất xứ thuần túy hay không, doanh nghiệp cần tham khảo Điều 3 Phụ lục I Thông tư 31/2015/TT-BCT. Tuy nhiên, các đặc điểm nổi bật sau sẽ giúp doanh nghiệp có thể nhận biết:

- Các loại sản phẩm có xuất xứ thuần túy thường là: cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng; động vật sống; các sản phẩm thu được từ động vật sống; sản phẩm do săn bắt, đánh bẫy, đánh bắt, hái hoặc thu lượm,…; khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên khác; các sản phẩm được sản xuất, chế biến từ những loại sản phẩm trên có nguồn gốc tại một nước thành viên.

- “Tại một nước thành viên” được hiểu là bao gồm vùng đất, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa mà trên đó một nước thành viên có chủ quyền, quyền tài phán tùy theo từng trường hợp phù hợp với luật quốc tế.

- Sản phẩm được sản xuất ra trên tàu được đăng ký hoặc có ghi hồ sơ tại một nước thành viên và treo cờ của nước thành viên đó cũng được xem là “tại một nước thành viên”.

Hàng hóa không có xuất xứ thuần túy

Nếu hàng hóa không có xuất xứ thuần túy, doanh nghiệp sẽ phải tra cứu Phụ lục II của Thông tư 31/2015/TT-BCT, tính toán các chỉ số tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực, tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa, công đoạn gia công chế biến cụ thể, hoặc sự kết hợp của các tiêu chí trên để xác định xuất xứ cho một hàng hóa cụ thể. Nhà sản xuất hoặc người xuất khẩu có thể lựa chọn tiêu chí thích hợp để xác định xuất xứ hàng hóa.

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) tại Việt Nam

Doanh nghiệp muốn xin cấp hoặc kiểm tra C/O tại Việt Nam sẽ thực hiện tại một trong 21 phòng, bancó danh sách tại Phụ lục VIII Thông tư 31/2015/TT-BCT và sử dụng mẫu đơn đề nghị cấp C/O tại Phụ lục VII Thông tư 31/2015/TT-BCT.

Doanh nghiệp thực hiện thủ tục xin cấp C/O theo quy tại tại:

1. Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 31/2015/TT-BCT.

2. Thông tư số 06/2011/TT-BCT ban hành ngày 21/03/2011 của Bộ Công Thương quy định thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi.

3. Thông tư số 01/2013/TT-BCT ban hành ngày 03/01/2013 của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06/2011/TT-BCT ngày 21/3/2011.